Đà Nẵng cuối tuần
Đồng hành ngư dân vươn khơi, bám biển
Những năm qua, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ và đồng hành ngư dân vươn khơi bám biển trở thành việc làm thường xuyên, quan trọng của các lực lượng chức năng thành phố. Nhờ đó góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Đồn Biên phòng Sơn Trà hướng dẫn, giúp ngư dân cất giữ tài sản mùa biển động. Ảnh: K.H |
Đà Nẵng đang bước vào mùa biển động nhưng hoạt động đánh bắt của ngư dân vẫn liên tục diễn ra, cùng với đó, hoạt động cứu hộ, cứu nạn và đồng hành ngư dân vươn khơi bám biển thường xuyên được quan tâm. Đối với ngư dân Nguyễn Đức Tiến (Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết Tiến Lên, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) thì các chuyến ra khơi, mỗi ngư dân đều hiểu rằng, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
"Vài năm trước đây, tàu chúng tôi gặp nạn, lênh đênh giữa biển khơi, may mắn được lực lượng Đồn Biên phòng Sơn Trà và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II cứu hộ, họ như tái sinh chúng tôi thêm lần nữa. Về đến đất liền, chúng tôi được gặp lại người thân, được thăm khám sức khỏe, tặng nhu yếu phẩm cần thiết... Các ngành chức năng thực sự đã đồng hành trong mỗi chuyến ngư dân vươn khơi. Họ là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm mỗi khi đánh bắt xa bờ".
Thượng tá Trần Doãn Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà, cho biết đơn vị thường xuyên phối hợp Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II để bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời các ngư dân, thuyền viên đưa về bờ an toàn khi xảy ra sự cố. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà, nhất là các cán bộ và tàu biên phòng trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển luôn xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cứu ngư dân như cứu người thân của mình. Mỗi người thường xuyên xây dựng ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh; không quản khó khăn, gian khổ để bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân.
Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 3-7-2024, theo đó xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. |
Thời gian qua, lực lượng biên phòng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II luôn gắn bó, đồng hành cùng bà con ngư dân trên mỗi hải trình vươn khơi, bám biển. Không chỉ nhận được sự giúp đỡ về vật chất, y tế, cứu hộ cứu nạn... Bà con ngư dân còn được các lực lượng giúp đỡ khắc phục sự cố trang thiết bị tàu thuyền trước và trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày.
Tuy nhiên, điều ngư dân mong mỏi hiện nay là công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển cần kịp thời hơn nữa, đặc biệt trong mùa biển động, cũng như cần nâng cao trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau của ngư dân trong quá trình đánh bắt xa bờ.
“Khi tham gia đánh bắt xa bờ, nếu không may tàu chết máy, tai nạn khi lưu hành trên biển thì không có phương tiện xử lý. Thế hệ chúng tôi chỉ lo 5-10 năm nữa con cháu sẽ không còn ai tham gia đánh bắt. Riêng với công tác cứu hộ, cứu nạn, mong muốn chủ trương của nhà nước, địa phương có những quy định cụ thể hơn nữa để việc cứu hộ cứu nạn chủ động hơn, thực sự là 'điểm tựa nơi đầu sóng' của bà con ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Tiến bộc bạch.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Tiến, anh cũng như các ngư dân khác đều mong muốn chính quyền địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Bên cạnh đó, phát triển các hoạt động hậu cần nghề cá, đặc biệt là quan tâm phát triển hơn nữa các nghiệp đoàn nghề cá, tạo điều kiện hơn nữa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
KHÁNH HÒA