Đà Nẵng cuối tuần

Sửa luật để người bệnh không bị phân biệt đối xử

18:40, 28/09/2024 (GMT+7)

Ngày 25-9, một thông tin rất vui cho mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là những người bệnh. Đó là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 37, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa Luật BHYT hướng đến có lợi nhất cho người bệnh, đảm bảo không phân biệt đối xử giữa y tế công và dân lập, khám dịch vụ hay dùng thẻ BHYT.

Người dân làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ.  Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: “Phải quán triệt căn bản để người có tiền đi khám dịch vụ và người không có tiền đi khám BHYT được đối xử công bằng… Nếu đã mua BHYT thì có thể đi toàn quốc, đến tỉnh nào, huyện nào đều được khám, được thanh toán. Lộ trình tiến tới làm sao cho đơn giản”.

Đối xử công bằng và thủ tục đơn giản là những điều hết sức quan trọng, bởi đã từ lâu, bất kỳ ai vào bệnh viện cũng đều dễ dàng nhận thấy rằng, sự đông đúc, quá tải, sự phiền hà làm mất thời gian của bệnh nhân, của người nhà họ khi bắt buộc phải đến bệnh viện khám, điều trị bệnh.

Chỉ riêng sự chờ đợi đến lượt được thăm khám, cấp cứu đã khiến không ít bệnh nhân và người nhà ngán ngẩm, bất bình, thậm chí mất bình tĩnh dẫn đến phản ứng với nhân viên y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc đơn giản, thuận tiện là điều hết sức quan trọng, cấp bách, bắt buộc phải thực hiện triệt để hơn, ở nhiều khâu khác nhau, ví như lấy số thứ tự khám bệnh trực tuyến, đăng ký khám qua mạng…

Công bằng, đơn giản, cũng có nghĩa là người có thẻ BHYT có thể khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào mà không bị gây khó dễ, phiền hà, sách nhiễu, bởi nhiều người đi học tập, công tác, làm ăn xa nhà, không gần cơ sở y tế đã đăng ký trong thẻ, nên khó thực hiện quyền lợi của mình theo địa giới hành chính. Vì thế, họ cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất, để việc khám chữa bệnh được đơn giản, nhất là khi ngành y tế tăng cường thực hiện các thủ tục trên môi trường số, khi đã có thẻ BHYT điện tử.

Và khi thực hiện công bằng, sẽ không còn những so bì, tị nạnh, ái ngại khi trong cùng một cơ sở y tế mà có sự phân biệt đối xử giữa người khám bệnh theo diện BHYT và người khám bệnh tự nguyện. Để mỗi người khi đi khám bệnh không bị nhói lòng thêm, thấy rộng khoảng cách phân biệt đối xử, từ việc xếp hàng chờ đợi đến tận tình hay qua loa thăm khám, chữa trị, hưởng thụ các dịch vụ cơ bản…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thừa nhận rằng, thủ tục chuyển tuyến còn gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Vì vậy, dự thảo bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Theo đó, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xã huyện đảo, được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú khi đi khám, chữa bệnh tại cơ sở khác nơi đăng ký ban đầu.

Người bệnh được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh theo tỷ lệ quy định và không phải làm thủ tục chuyển tuyến nếu mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục của Bộ Y tế.

Một vấn đề khác, diễn ra đã lâu, cũng khiến không ít bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế bộ BHYT kêu ca, than phiền, lên tiếng, đó là chất lượng chăm sóc y tế còn thấp, người bệnh không được cung cấp đủ thuốc cũng như các loại dịch vụ y tế khác khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế có ghi trong thẻ BHYT.

Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, mặc dù bệnh nhân được hưởng BHYT 100% nhưng khi khám, chữa bệnh chỉ được cấp các loại thuốc cơ bản, còn thuốc đắt tiền thì phải đi mua theo chỉ định của bác sĩ kê đơn… Ấy là chưa kể đến tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Thế nên, không ít bệnh nhân BHYT than phiền rằng, họ chỉ là những “khách hàng hạng hai”, dù đóng BHYT đầy đủ, thường xuyên, lâu năm.

Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (khai mạc vào ngày 21-10-2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3-12-2024).

Nếu việc sửa đổi Luật BHYT giúp người bệnh không bị phân biệt đối xử, được tạo điều kiện thuận lợi, không bị coi là “khách hàng hạng hai” thì quả thực là một bước tiến rất dài, là sự đổi thay hết sức đáng mừng, những người tham gia BHYT thực sự là thượng đế. Và như vậy, số lượng người tham gia BHYT sẽ ngày càng gia tăng, đủ đầy trách nhiệm, nghĩa vụ chứ không còn lăn tăn, băn khoăn gì chuyện phải tham gia một cách miễn cưỡng, bắt buộc. Và đó cũng chính là việc điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa những điều không phù hợp về chính sách pháp luật, để người tham gia BHYT nói riêng, người dân nói chung được hưởng lợi, từng bước hướng tới, hiện thực hóa việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.

NGUYỄN TRI THỨC

.