Đà Nẵng cuối tuần
Ai mua đậu không?
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê yên bình. Khác hẳn với phố thị phồn hoa, nơi tiếng rao hàng rong phải chen lên giữa những thanh âm ồn ào náo nhiệt, tiếng rao “ai mua đậu không” trên nẻo đường quê của cô hàng đậu phụ luôn thong thả như cách cô đạp chiếc Phượng Hoàng cũ kỹ. Đến bây giờ, dù có ở nơi đâu, mỗi khi nghe tiếng rao “ai mua đậu không”, tôi đều nhớ về nụ cười của cô hàng đậu và mảnh trời ấu thơ thanh bình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi không nhớ rõ cô hàng đậu bắt đầu cất tiếng rao “ai mua đậu không” từ khi nào. Chỉ nhớ từ ngày tôi còn là đứa trẻ bé xíu, chạy lũn chũn theo sau nội, đã nghe tiếng cô thanh thanh cất lên trên con đường làng vào tầm chín giờ sáng.
Cô bán đậu đạp chiếc xe cũ, nước sơn màu xanh đã có chỗ tróc chỗ trầy, lúc cô nhấn pê-đan sẽ phát ra tiếng cọt kẹt khe khẽ. Thân hình cô mảnh dẻ, nước da nâu nâu màu bánh mật, gò má cao và đôi mắt buồn khiến gương mặt có phần khắc khổ. Sáng nhất trên gương mặt cô là nụ cười ấm áp, chân phương. Nhìn thấy bất cứ ai, dù người già hay con nít, dù có mua đậu hay không, cô đều nở nụ cười và khẽ cúi đầu chào. Bởi cái nết hiền hậu ấy mà người làng tôi ai cũng quý mến và gọi cô một cách thân thương: “Đậu ơi!”
Tôi nhớ mãi những ngày mưa lụt, nước dâng ngập trắng cánh đồng lúa đương thì con gái, tràn khắp nẻo đường quê. Đám trẻ con thích chí xắn quần lên tận bắp đùi thỏa thuê lội nước. Chúng tôi vô tư chẳng biết đôi mắt người lớn đượm buồn. Những ngày nước ngập như thế, tiếng rao của cô hàng đậu vẫn vang lên đều đều.
Khi ấy, lúa rau ngập hết, thịt đắt nên mâm cơm nhà tôi luôn xuất hiện món đậu phụ rim. Những miếng đậu rán vàng được cắt vuông quân cờ đem rim với mắm muối mặn chát. Thỉnh thoảng lẫn một vài miếng tóp mỡ, hai chị em tôi đứa nọ tranh của đứa kia khiến ông nội phải đích thân chia thật đều, bà thì ngoảnh mặt lau nước mắt. Rồi nước cũng rút đi, cánh đồng lúa chỉ hồi sinh được một nửa. Lũ trẻ chúng tôi vui vẻ lớn lên cùng với vị béo bùi của bao mâm cơm chỉ có đậu phụ rim mặn.
Đậu phụ của cô lúc nào cũng tươi mới, nóng hổi và tỏa ra mùi thơm ngậy béo của hạt đậu nành. Trong những ngày bão lũ lạnh lẽo lại càng làm ấm lòng người. Lát đậu cầm chắc tay, trên vỏ sần sần những ô vuông nhỏ xíu của tấm vải xô mềm còn hằn lại. Ở quê tôi, mọi người ưa thích đậu phụ rán sẵn hơn, mang về rim mắm, sốt cà chua rất đưa cơm. Nhà nào vội bữa thì cắt ra chấm mắm, chấm muối ăn luôn.
Nội tôi là người kỹ tính, ít khi bà cho lời khen. Vậy mà mỗi lần ăn đậu phụ, nội đều khen cô hàng đậu khéo tay. Hạt đậu được chọn lọc kỹ càng, ngâm vừa đủ tróc vỏ mà không bị chua. Đậu xay nhuyễn mịn, lửa canh đều, khuôn đổ chắc tay mới cho ra được miếng đậu trọn vẹn vị ngọt bùi béo. Khen xong miếng đậu ngon, nội thường tấm tắc khen luôn cái nết chịu thương chịu khó của cô hàng đậu.
Dù là ngày đẹp trời hay ngày mưa giông, cô hàng đậu vẫn đều đặn đạp xe đi khắp đường làng, ngõ xóm và cất tiếng rao quen thuộc. Đôi mắt buồn luôn sáng lên lấp lánh mỗi khi cô dùng bàn tay gầy đầy vết chai sần nâng niu miếng đậu mềm mại. Cô hàng đậu hẳn phải yêu thương hạt đậu nành nhiều lắm mới có thể gắn bó với nghề và giữ vẹn nguyên hương vị ngọt bùi của miếng đậu phụ mấy chục năm nay.
Quê nhà tôi ngày một đổi khác. Đời sống khấm khá hơn, bữa cơm nhà đã ê hề thịt cá, nhưng mọi người vẫn ngóng đợi tiếng rao “ai mua đậu không” của cô hàng đậu mỗi ngày. Tôi trưởng thành, rời quê tới thành phố học tập rồi lập nghiệp, thật hiếm hoi mới có dịp về quê nhà. Mỗi lần trở về, tôi đều ngóng đợi tiếng rao quen thuộc vang lên trên con đường làng. Dáng người gầy, gò má cao rám hồng màu nắng của cô hàng đậu và hương thơm bùi béo của miếng đậu phụ luôn khiến tôi nao lòng nhớ về ký ức những ngày thơ tôi còn có đủ ông bà.
NGUYỄN THANH NGỌC