Đà Nẵng cuối tuần

Tìm gió

16:51, 04/10/2024 (GMT+7)

Chuyến bay đáp vào một đêm muộn khi những cơn mưa đã tạm ngừng sau mấy tiếng đồng hồ vần vũ đất trời. Cô bước ra khỏi nhà ga, ngửa mặt nhìn lên trời, hít một hơi dài. Đêm lắng sâu vào phố. Phố thênh thang tĩnh mịch.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chiếc xe taxi đưa cô về khách sạn trên con đường hai bên nhiều tòa cao ốc sừng sững. Anh chàng tài xế liến thoắng giải thích về tốc độ phát triển của thành phố biển này. Chốt hạ đây vẫn là nơi đáng sống nhất nước. Không ồn ào hối hả, không cạnh tranh đua chen nhưng cũng không ù lì chậm chạp. Cái nhịp độ trung bình thế hóa hay. Dân nơi đây làm và sống cứ như mây trời thong dong. Nếu được chọn lựa anh vẫn chọn nơi này chứ không phải là thành phố phương Nam. Bất giác cô nghe tim mình nhói lên. Trong mênh mông ký ức tưởng đã vùi lấp đâu đó thẳm sâu trong tâm khảm mình lại như cuốn phim hiện rõ mồn một. Cô bất giác muốn đến một nơi. Anh chàng tài xế chưng hửng nhìn cô qua tấm kính lái.

Đêm vẫn đầy. Trời thâm sâu. Rẽ trái là bắt đầu đi vào một vùng mang mang kỷ niệm.

***

Nam hay bảo từ phía sông này nhìn về khu trung tâm vẫn chẳng thể nào bằng con sông Hàn. Đó là một ngày mùa thu xanh ngắt vào khoảng trời lộng gió. Sau những giờ mỏi mòn giam mình trong bốn bức tường của công ty, Nam phải đi tìm gió. Gió thổi bay những nhọc nhằn nơi đất này lên trời. Gió nghe được những lời than vãn của tuổi trẻ. Gió vỗ về lòng người dịu lại những âu lo. Ngày trước khi còn ở quê, Nam vẫn luôn tìm đến gió mỗi bận thấy đời mình chênh chao. Hơn mười năm trời gắn với đất lạ này, Nam vẫn giữ nguyên nếp cũ. Ai rồi cũng sẽ thích gió. Nhất là khi bộn bề mưu sinh cùng lắng lo đường đời phong kín lòng mình. Đó là lúc người ta đi chỉ biết đi tìm gió.

Mười tuổi, Nam mồ côi ba mẹ sau khi cơn bão Xangsane phủ những cột sóng cao ngút ngát nhấn chìm chiếc thuyền câu đang trên đường về nơi neo trú. Làng chài Tân Thái đi qua cuồng phong tan hoang xác xơ. Cho đến tận cả tháng trời sau người ta cũng không tìm thấy xác ba mẹ Nam. Hai ngôi mộ gió được đắp trên hòn Nghê rồi Nam theo dì về căn nhà nhỏ bên bờ sông Hàn. Thời gian cứ dằng dặc trôi qua với những chiều đợi gió trút vơi lòng mình. Nhớ thương cũng nương náu vào đâu đó một góc con tim để nhường chỗ cho những con chữ được nhét đầy tâm trí. Xuân hạ thu đông bốn mùa tuần tự cứ vậy thay tuổi mới cho Nam.

18 tuổi, Nam chọn đô thị phương Nam nắng ấm để tìm cho mình một ước mơ riêng. Hôm dì hỏi tại sao không ở lại, quê mình giờ đã khang trang lắm rồi. Nam ngắc ngứ trong lòng một đỗi mới nói đó là lời mẹ dặn. Có lần mẹ trở về sau chuyến đi biển cùng ba thì nhìn thấy những con số 0 tròn trĩnh trong bài tập làm toán của Nam, mẹ chỉ chắc lưỡi cái chách rồi thở dài. Đời ba mẹ khổ cực với sóng gió khơi xa bởi vì không có chữ đủ đầy như người ta. Hồi nhỏ mẹ cũng đâu biết cái chữ nó quan trọng như bây giờ. Chỉ biết làng chài mình cứ quẩn quanh với biển hết đời này sang đời khác. Tựa lưng vào Sơn Trà, mắt hướng ra Con Nghê. Cứ vậy mà hết đứa này đến đứa khác lớn lên cùng gió mặn đến sạm da. Đứa nào cũng biết ngóng chờ người thân đến sóng vỗ bạc đầu. Chừng chưa tròn tuổi trẻ đã theo thuyền như số phận biết truyền nối từ ngàn đời vẫn thế.

Nhưng Nam à, bây giờ đã là thời thế khác xa, thành phố người ta bắt đầu xây nhà cao tầng. Thiên hạ bắt đầu biết không phải chỉ nghề đi biển mới nuôi tấm thân được. Bên ngoài Tân Thái, trăm thứ để sống được. Sống mà không chòng chành như biển. Sống mà không âu lo từng chuyến đời. Sống mà khi cạn cùng thân phận vẫn còn chút xương cốt để hương khói xông trầm thơm một cái tên. Phải học, phải có chữ, chữ sẽ dắt Nam đi rất xa. Xa khỏi cái cơ cầu trắc trở của làng chài này. Xa tận mấy trăm cây số để thấy được thành phố hoa lệ. Chỉ nơi đó con người ta mới thắp sáng mọi ước mơ.

Dẫu bây giờ không còn ba mẹ, Nam vẫn nhất quyết đi. Tàu rời Ga Đà Nẵng một hôm trời nổi gió to. Dáng dì liêu xiêu đứng vẫy tay khuất dần. Thành phố khuất dần và ước mơ bắt đầu hiện ra.

***

Cô gặp Nam tại một quán cà phê sân vườn nằm ngay đường ray xe lửa. Tiếng còi tàu vẫn đều đặn theo giờ rú lên những tiếng inh ỏi. Đó là nơi làm thêm của những đứa sinh viên xa nhà. Một giờ công chỉ chưa tới 20 ngàn đồng. Nhưng ông chủ quán vốn là lão họa sĩ gàn dở trứ danh của đất này. Có hôm bán được bức tranh ổng lại nhét tay đám sinh viên phụ quán một đôi triệu. Khách đến phần lớn thích xem tranh, trao đổi chuyện vẽ vời. Cũng có khi chờ đợi lão họa sĩ gật đầu đồng ý bán bức tranh mà thiên hạ đang săn lùng. Giới sưu tầm tranh thi nhau trả giá các bức tranh trừu tượng ấy mà đôi khi cũng chẳng ai hiểu ông họa sĩ vẽ gì. Cứ mua, để đó, thời gian lâu dần tự khắc có giá. Cũng có khi ông họa sĩ mất, bức tranh đó như một tài sản vô giá với dân buôn. Có lần ông họa sĩ nói thế rồi cười hề hà.

Hay như bức tranh vẽ một bà già gánh tàu hủ bán rong trên cầu Công Lý, ông họa sĩ vẽ đâu chừng 20 năm trước, bỗng một ngày ông đại gia bất động sản tìm đến quỳ xụp xuống lạy lấy lạy để đòi mua. Má con đó ông ơi! Cái gánh tàu hủ đó mà nuôi con khôn lớn để bây giờ khi con sống trong cái villa thì má đã hóa mây trời bay về miền xa lắc. Ông họa sĩ lừng khừng rồi phất tay cái rột. Nam biết ý gói tranh. Không lấy tiền. Má ai thì trả người đó. Nhưng từ nay thấy bà bán hàng rong nào ngoài đường thì phải mua hết gánh cho người ta. Mua đi, biết đâu tiền đó là tiền ăn của cả gia đình hôm ấy, hay cũng là tiền học của cả bầy con. Ông đại gia bưng tranh đi mà cặp mắt đỏ hoe sưng mọng.

Ông họa sĩ thất thu nhưng cười khục khặc. Nay vui cho tiền đám bây đi chơi Giáng sinh. Đó cũng là Giáng sinh đầu tiên Nam ngỏ lời cùng cô. Hai bàn tay đan vào nhau đi giữa cái gió mát rượi của đêm Sài Gòn.

***

Tưởng chừng như sẽ là một quãng đời hanh thông sau mùa giông bão thì một ngày Nam đột ngột gom hết mớ quần áo rồi hối hả chạy về quê cùng lời nhắn cô đừng đợi. Nếu còn duyên ắt sẽ gặp lại. Cô ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Sau chục cuộc điện thoại không ai bắt máy. Cô lót tót ra bến xe tìm vé về Đà Nẵng. Đó là chuyến đi đầu tiên đến với thành phố biển này. Lò dò theo trí nhớ mình những lần Nam kể về ngôi nhà của dì, sau cả ngày hỏi thăm cô cũng tìm đến được. Nam chưng hửng khi cô đứng trước cửa nhà. Dì vừa trải qua cơn tai biến, dù cứu sống kịp bởi còn trong gian đoạn vàng nhưng di chứng để lại là bán thân bất toại.

Nam phải về thôi! Dì là mẹ! Nếu lần này Nam không về là suốt cả đời Nam sẽ ân hận. Cuộc đời này ai cũng đòi đi tìm ước mơ nhưng chục năm rồi Nam chưa bao giờ thấy lòng mình thanh thản. Không phải ước mơ nào cũng được thắp sáng ở phương Nam. Nhưng chí ít ở nơi đó đã cho Nam một khoảng đời đầy chiêm nghiệm, để biết mình thuộc về nơi nào. Cô lặng yên nghe gió đêm thổi từ biển lên núi những cơn lạnh se thắt.

Nam chở cô lên Sơn Trà, nơi có tượng Phật tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển. Nam chấp tay nguyện cầu. Câu kinh rót vào đêm những tiếng bình yên lạ. Chưa bao giờ cô thấy ánh mắt Nam khẩn khoản như lúc này. Khi đưa cô ra ga để kịp chuyến tàu đêm cho kỳ thi lấy học bổng du học nước ngoài. Nam ôm chầm lấy cô. Không có Nam, sẽ luôn có người khác thương cô hơn cả chính họ. Cô cứ tin là vậy. Thành toàn mà tin tưởng. Cái ôm dài ngắt. Dài tận chục năm sau cô vẫn thấy lòng mình rưng rức.

***

Phía đối tác cử người đến tiếp cô. Cánh cửa phòng mở ra. Cô bàng hoàng. Nam. Là Nam. Người giữ bức tranh “Tìm gió” trứ danh của lão họa sĩ lại là Nam. Bức tranh duy nhất bị mất trong bộ sưu tập “Cuộc người” đang được một Bảo tàng ở Mỹ nhờ công ty cô liên hệ tìm kiếm.

Đó là quãng thời gian Nam tiết kiệm tiền trọ dọn về sống ở căn phòng cũ nơi xưởng vẽ sau quán cà phê của lão họa sĩ. Những đêm cà kê cuộc rượu cùng, lão họa sĩ hỏi Nam cuộc đời con người ta cái khó tìm nhất là gì? Nam bảo là gió. Nam kể những ngôi mộ gió của hòn Nghê quê mình. Nam nói những chuyến gió dọc ngang thành phố, những chuyến gió tạt qua rồi mất hút mấy ai nắm níu được. Nhưng cuộc đời này nếu không có gió thì nỗi buồn ai thổi tan ra? Bức tranh ra đời ngay trong đêm lảo đảo say của lão họa sĩ. Nam chụp hình úp lên mạng. Thiên hạ nháo nhào hỏi giá. Lão họa sĩ không bán. Bảo đã có người mua bằng cả sinh mệnh của họ rồi.

Nam lại chở cô lên Sơn Trà. Chiều lộng gió. Bức tranh sẽ được chuyển cho cô để phối hợp cùng Bảo tàng làm cuộc triển lãm kỷ niệm 1 năm ngày mất của lão họa sĩ rồi sẽ trả lại cho Nam. Bức tranh đã có người trả giá hơn trăm ngàn đô. Nhưng Nam vẫn lắc đầu. Nam bây giờ sống lặng lẽ bằng nghề dạy vẽ ở trung tâm văn hóa thành phố. Giản đơn đi về một mình sau ngày dì mất hơn 5 năm trước. Cô lừng khừng đưa tay vuốt mớ tóc rối theo làn gió thổi.

Vậy Nam tìm được gió chưa? Cô ngập ngừng hỏi. Nam không trả lời. Ánh mắt nhìn cô nồng nàn quá đỗi. Trong bức tranh lão họa sĩ vẽ lấp lánh sau từng cơn gió là một mái tóc dài suôn mượt đen nhánh. Liệu cô có nhận ra? Ai đi tìm gió. Ai đi tìm ai. Gió biết hết. Nhưng gió không nói được. Gió chỉ biết thổi. Chiều Sơn Trà gió hát khúc tình yêu. Lần đầu tiên cô thấy tim mình đập theo nhịp gió.

TỐNG PHƯỚC BẢO

.