Đà Nẵng cuối tuần
Bộ luật Hồng Đức bảo vệ quyền lợi phụ nữ
* “Bộ luật Hồng Đức” thời nhà Lê có những tiến bộ nào so với “Hoàng Việt luật lệ” thời Nhà Nguyễn? (Trần Văn Ngân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Bộ luật Hồng Đức bảo vệ người phụ nữ xưa, còn nguyên giá trị đến ngày nay. Ảnh: Tư liệu |
- Luật Hồng Đức là tên gọi thông dụng của bộ Quốc triều Hình luật thời Lê sơ hiện còn được lưu giữ đầy đủ. Do các bộ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam đều có tên gọi là Quốc triều Hình luật nên dùng danh xưng Luật Hồng Đức để gọi bộ luật được ban bố lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) triều vua Lê Thánh Tông.
Ra đời từ thế kỷ XV dưới thời phong kiến nhưng Bộ luật Hồng Đức có nhiều điểm tiến bộ rõ nét. Luật sư Lê Minh Trường trong bài viết “Bộ luật Hồng Đức là gì? Tìm hiểu về bộ luật Hồng Đức” đăng trên trang luatminhkhue.vn cho biết, trong lĩnh vực thừa kế, Bộ luật Hồng Đức có các quy định khá gần gũi với các quy định của pháp luật về thừa kế hiện đại. Cụ thể khi cha mẹ còn sống, không phát sinh các quan hệ về thừa kế nhằm bảo vệ và duy trì sự trường tồn của gia đình và dòng họ.
Ngoài ra Bộ luật Hồng Đức cũng có các quy định về quan hệ thừa kế theo di chúc và thừa kế không có di chúc. Điều đáng chú ý là Bộ luật Hồng Đức đã có các quy định cho phép người con gái có quyền thừa kế ngang bằng với người con trai là một điểm tiến bộ so với các quy định của các bộ luật khác trong thời kỳ phong kiến khác. Đây cũng được gọi là điểm nổi bật nhất của luật pháp triều Lê. Điều này cho thấy vai trò của người phụ nữ đã được đề cao hơn rất nhiều so với các bộ luật đương thời trong khu vực.
Ngoài ra, cũng trong bộ luật này, hình phạt cho phạm nhân nữ bao giờ cũng thấp hơn so với phạm nhân nam. Tại Điều 1, về việc áp dụng hình phạt “ngũ hình” (*), không áp dụng hình phạt “trượng” cho đàn bà và áp dụng riêng từng loại tội “đồ” cho đàn ông và đàn bà.
So với bộ Hoàng Việt luật lệ (hay luật Gia Long) ra đời năm 1811, có thể thấy Bộ luật Hồng Đức chưa có tính khái quát hóa cao và phân ngành rõ như Hoàng Việt luật lệ. Tuy nhiên, mức bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức lại cao hơn so với Hoàng Việt luật lệ. Như giáo sư Vũ Văn Mẫu đã viết trong cuốn “Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử, quyển 1, tập 1” (Sài Gòn, 1973) khi nhận xét về Hoàng Việt luật lệ: “Bao nhiêu những sự tân kỳ mới lạ trong bộ luật triều Lê đã không còn lưu lại một chút dấu tích nào trong luật nhà Nguyễn. Không còn những điều khoản liên quan đến hương hỏa, đến chúc thư, đến các điều kiện về giá thú, đến chế độ tài sản của vợ chồng”.
Tạp chí Xưa và Nay đưa ra kết luận trong bài “Quyền lợi của người phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức”: Tóm lại, Bộ luật Hồng Đức có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Pháp luật ấy về cơ bản được duy trì để thi hành ở những thế kỷ sau, cho đến khi nhà Nguyễn ban hành Bộ luật Gia Long thì uy tín, tinh thần những điều khoản Bộ luật Hồng Đức vẫn còn sống trong dân gian. Bộ luật ấy đã có những quy định tương đối tiến bộ, công nhận cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến một số quyền lợi và phần nào bảo vệ họ đối với thái độ “trọng nam khinh nữ”...
ĐNCT
(*) Năm hình phạt dành cho người phạm tội, gọi là “ngũ hình”, gồm: xuy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (lao dịch khổ sai), lưu (đày đi xa) và tử.