Đà Nẵng cuối tuần
Lắng đọng cùng thời gian
Thú chơi cổ vật là phương thức để lưu giữ những mảnh ghép lịch sử và bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống của đất nước, dân tộc vàng son một thuở. Vì vậy, để chạm vào thế giới cổ vật, lắng đọng cùng thời gian không dễ dàng, đòi hỏi người chơi ngoài sự am hiểu tường tận, phân biệt thật giả, thông tuệ trước sau mà còn phải có một tình yêu, niềm đam mê bất tận với các món cổ vật.
Không gian quán cà phê Lam Kiều trang trí hàng trăm loại cổ vật, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa, giá trị lịch sử truyền thống của đất nước. Ảnh: T.V |
Đam mê trót dành cho cổ vật
Từ đội trưởng đội khai thác gần 60 thành viên chuyên rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố từ đồng bằng cho đến miền núi, để tìm kiếm thu mua phế liệu từ những năm 1980, ông Bạch Lộc (SN 1956, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) bén duyên với nghề sưu tầm cổ vật lúc nào không hay. Đến tư gia của ông, tôi không khỏi choáng ngợp bởi như lạc vào thế giới xưa thu nhỏ, từng món đồ được xếp ngăn nắp theo chủng loại, giá trị và tuổi đời.
Không chỉ sưu tầm cổ vật trong nước như gốm Chu Đậu, gốm sứ xanh trắng Trung Hoa, hộp đựng phấn, vò rượu các thời Lê, Lý, Trần, hay các kỷ vật thời bao cấp… mà ông còn sưu tầm cổ vật ở các nước từ đồng hồ, đèn dầu, máy ảnh… Đến nay, bộ sưu tập của ông có số lượng hơn 1.000, tuổi đời từ vài chục năm cho đến hơn trăm năm. Ông được xem là cây đa, cây đề trong nghề sưu tầm cổ vật ở thành phố Đà Nẵng và cũng là Chi hội trưởng Chi hội cổ vật Đà thành thuộc Hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng.
Ông Lộc sinh ra tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi còn nhỏ ông đã thấy ông, bà và ba, mẹ luôn có thói quen lưu giữ, sưu tầm những món đồ xưa và dành nơi trang trọng nhất trong nhà để trang trí. Vì thế, ông sớm có ấn tượng với các món đồ xưa từ hình dáng, kích thước tuy chưa hiểu ngọn ngành. Sau khi đất nước giải phóng, gia đình chuyển vào thành phố Đà Nẵng sinh sống và ông bắt đầu làm kinh tế từ công việc chuyên thu mua phế liệu.
Thời đó, ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đội khai thác của ông là quy mô và đông nhất, hoạt động mua bán ở các chợ trời, chợ đồ cũ và đi săn đồ xưa, đồ cổ ở các vùng quê, miền núi. Ông kể, từ công việc thu mua sắt, nhôm, nhựa, đồng thì các món cổ vật cũng dần dần xuất hiện như chén, dĩa, ly, tách, lọ hoa, chum, chóe, đồng hồ, bàn ủi con gà… và ông để dành từng món đồ qua năm tháng cho đến khi trở thành bộ sưu tập lớn. Có lẽ, những ngày nhỏ, sớm nhận diện các món đồ xưa nên sau này trong quá trình làm nghề, ông dễ dàng dành tình yêu cho các món đồ. Thậm chí, có những món bị nứt, ông tạm gác vài chuyến thu mua, dành thời gian sửa chữa và tự tay hàn gắn lại nguyên vẹn. Với ông, đó là niềm vui, là đam mê trót dành cho cổ vật.
“Ngày đó, mỗi lần nhận tin đâu có món đồ cổ, tôi lặn lội đi tìm và sở hữu bằng được. Mỗi chuyến đi kéo dài đến tuần lễ. Thậm chí, tôi sẵn sàng vét sạch tiền để tìm mua cổ vật, dù biết sau đó là khoảng thời gian khó khăn. Bởi tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu mình bỏ lỡ cơ hội. Tôi cứ dành dụm cho mình từng món và nâng niu như báu vật. Mỗi lần nhìn những món đồ, tôi cảm giác lòng lắng lại, thoải mái và rất dễ chịu" ông Lộc chia sẻ.
Muốn sưu tầm phải thật sự nghiêm túc
Theo ông Lộc, để chơi vui thì rất dễ nhưng để sưu tầm và sống với cổ vật là cực kỳ khó, đòi hỏi người chơi phải am hiểu tường tận, phân biệt thật giả và phải thật sự nghiêm túc. Thời mới chơi, rất nhiều lần ông va vấp, mãi sau này, qua từng năm kinh nghiệm, ông mới có thể nhận biết chính xác.
Ngoài nhận biết bằng cách quan sát, cảm nhận, bảo đảm các tiêu chí “nhất dáng (hình dáng), nhì da (nước men), tam toàn (nguyên vẹn), tứ tuổi (niên đại)” còn phải có kinh nghiệm lâu năm và giác quan thứ sáu của niềm đam mê. Đồng thời, nguyên tắc ngầm trong nghề cổ vật mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ, đó là chơi cổ vật tự do nhưng phải theo quy định pháp luật. Những danh mục cổ vật Nhà nước không cho phép, người chơi phải có tinh thần tự nguyện giao nộp. Sở hữu những “gia tài” trên, người chơi sẽ đạt đỉnh cao trong thế giới của thú chơi cổ vật.
Nhà sưu tầm Trương Hoài Tuyên (SN 1967, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cũng bén duyên với nghề sưu tầm cổ vật từ những ngày đi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang thu mua phế liệu. Ông bộc bạch, từ những lần tìm mua các món đồ cổ, ông cảm nhận các món đồ này “quá lạ” so với thực tại từ hình dáng, màu sắc, cách chạm trổ hoa văn điệu nghệ.
Sau này, ông còn có cơ hội giao lưu, học hỏi các nhà sưu tập trên toàn quốc nên niềm đam mêm cổ vật ngày càng lớn. Dần dà, ông bắt đầu hành trình sưu tầm cổ vật và xem nó như những đứa con tinh thần. Ông chuyên sưu tầm những cổ vật mang đậm hơi thở văn hóa Chămpa và Việt, đặc biệt là các hiện vật dòng gốm Chu Đậu như bình tì bà, bình rượu, chum (thế kỷ XVI-XVII) và các loại đĩa (thế kỷ XV-XVI)…
Khi được hỏi tại sao lại sưu tầm các món đồ cổ, ông Tuyên chia sẻ, có 4 nguyên nhân, thứ nhất, đồ cổ được làm thủ công 100%, mỗi món là một dáng vẻ khác nhau, càng quan sát sẽ càng tìm thấy những ẩn ý, thông điệp.
Điều quan trọng, đồ cổ mang dấu ấn lịch sử và văn hóa, mỗi món tái hiện mỗi thời kỳ, mỗi triều đại và kỹ thuật chế tác khác nhau, theo chiều kỹ thuật cao dần. Thứ ba, đồ cổ không phải muốn mua là có, mà nó còn phải có duyên, chưa chắc nhiều tiền là sở hữu được. Cuối cùng, bản thân nó ẩn chứa sức hút kỳ lạ, càng nhìn càng mê, khó có thể diễn tả được.
“Giống anh Lộc, tôi chơi cổ vật trong khuôn khổ, lành mạnh, tuân thủ quy định pháp luật. Đó là quy tắc đầu tiên mà ai trong nghề cũng phải nằm lòng để việc sưu tầm những món cổ vật có ý nghĩa hơn”, ông Tuyên bộc bạch.
Không gian cà phê cổ vật
Là Hội trưởng Hội cổ ngoạn Lam Kiều gần 10 thành viên, anh Huỳnh Quốc Việt (SN 1980, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) quyết định mở quán cà phê Lam Kiều để vừa kinh doanh vừa có thể thỏa mãn niềm đam mê cổ vật. Quán ra đời gần 3 năm nay, thu hút khá đông các bạn trẻ có niềm đam mê cổ vật đến thưởng lãm cũng như là nơi trao đổi, giao lưu hằng tuần của các thành viên trong hội.
Anh Việt chia sẻ, cảm giác lần đầu tiên cầm trong tay chiếc bình gốm hơn trăm tuổi được vớt ở đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), anh đã nhảy cẫng lên vì quá sung sướng cho đến hôm nay khi sở hữu nhiều món cổ vật, cảm giác ấy vẫn rất “đã” như ngày đầu. Và Lam Kiều là nơi anh muốn lan tỏa niềm vui của bản thân cho những ai có cùng niềm đam mê cổ vật, đến tìm hiểu, học hỏi.
Không gian quán cà phê được bày biện bởi hàng trăm loại cổ vật khắp nơi như gốm sứ Việt Nam, gốm Chu Đậu, gốm sứ Trung hoa từ bình hoa, chén, dĩa, tách trà, tô có số tuổi lên đến hàng trăm năm. Những món đồ được anh cất công đi tìm kiếm và mua bán từ những lần rong ruổi cũng như được mua tại các hội chơi cổ vật.
Anh Việt thổ lộ: “Là người chơi cổ vật hơn 10 năm nay kèm niềm say mê từng món đồ quá lớn nên tôi nảy ra ý tưởng hình thành quán cà phê là dùng những món đồ nhằm tái hiện một góc nhỏ về một thời đã qua. Tôi nghĩ rằng, đó là cách “độc đáo” để giới thiệu đến mọi người, nhất là các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa, giá trị lịch sử truyền thống của đất nước”.
TƯỜNG VY