Đà Nẵng cuối tuần
Chống lãng phí - cho hôm nay và vì ngày mai
“Để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.
Lãng phí và tham nhũng đều nguy hại như nhau. Ảnh minh họa |
Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông thời gian gần đây. Bài viết thể hiện những trăn trở, ngẫm suy về vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội; như một lời thức tỉnh, nhắn nhủ đến mỗi cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người đang làm việc trong bộ máy Nhà nước để nghiêm túc nhìn nhận lại và tự soi, tự sửa.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nêu: “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”.
Bên cạnh vấn nạn tham nhũng, lãng phí cũng gây những tác hại hết sức to lớn, không chỉ với Nhà nước mà ngay cả với chính bản thân mỗi người dân và toàn xã hội. Lãng phí làm tổn thất lớn tài nguyên quốc gia, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, từ đó, trở thành lực cản cho tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Còn nhớ trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc tác hại của tệ nạn lãng phí đối với công cuộc xây dựng đất nước: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 357). Tuy vậy, có lúc có nơi vấn đề lãng phí đôi lúc bị “lãng quên” trước vấn nạn tham ô, tham nhũng với những vụ án điển hình, nổi cộm. Trên thực tế, lãng phí thường diễn ra “âm thầm” với những tác động tiêu cực âm ỉ, kéo dài.
Biểu hiện của lãng phí rất đa dạng, không chỉ là lãng phí các yếu tố vật chất có thể đo đếm, nhìn bằng mắt, sờ bằng tay được, mà còn là sự lãng phí về thời gian, công sức, hiệu quả công việc và cao hơn là những cơ hội chuyển mình, phát triển của một tổ chức, một địa phương.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, hiệu quả các hoạt động được đặt trong hệ quy chiếu khi đạt được mục tiêu đề ra với chi phí thấp nhất và các nguồn lực được sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất. Do đó, để xem xét một việc làm, một hành vi có gây ra lãng phí hay không, cần so sánh việc sử dụng các nguồn lực với các tiêu chuẩn, định mức và chế độ mà Nhà nước quy định.
Ngoài ra, nếu sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng chất lượng công việc thấp hơn hoặc không đạt được mục tiêu đề ra thì lúc đó, không loại trừ khả năng đã lãng phí các nguồn lực - kể cả là theo định mức.
Có lẽ mỗi người trong chúng ta, rất gần, từ những công việc hằng ngày, cũng có thể quan sát được những sự lãng phí tưởng chừng giản đơn nhưng lại không hề đơn giản nếu diễn ra thường xuyên và rộng khắp. Đơn cử như việc sử dụng giấy in trong các văn phòng làm việc.
Mặc dù đã có quy định về tiết kiệm và khoán chi hành chính, tuy nhiên, lượng giấy in tiêu thụ tại các cơ quan, đơn vị vẫn không tránh khỏi tình trạng lãng phí, gây thất thoát về tiền bạc lẫn thời gian sàng lọc, tiêu hủy những tài liệu không cần thiết. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác gây lãng phí điện, nước, tài sản công và ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên chung.
Hay như việc bố trí, sử dụng đội ngũ nhân sự chưa phù hợp, không khoa học và thiếu sự cân đối cũng làm lãng phí nguồn lực đặc biệt quan trọng này, kéo theo tình trạng “chảy máu chất xám” và làm lãng phí tri thức, vô hình trung sẽ bỏ lỡ những đóng góp thiết thực và đáng kể vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời đại mới.
Việc khai thác, sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội một cách lãng phí ngoài những tác hại đến thực tại còn là một sự bất công với tương lai, khi các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, khi ngân sách chung ngày càng phải thu hẹp vì gánh nặng chi tiêu, khi sự phát triển bị kìm hãm kéo theo rất nhiều hệ lụy… Vì vậy, tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ cho hôm nay mà còn vì ngày mai - vì trách nhiệm với các thế hệ mai sau.
Như “anh em sinh đôi” với tham nhũng, lãng phí cần được nhận diện và xử lý kiên quyết, triệt để, “mạnh tay” hơn. Không chỉ tồn tại như một yêu cầu đặt ra, ý thức tránh và không lãng phí cần trở thành thói quen, nếp sống, nếp nghĩ, cần được lan tỏa rộng rãi để xây dựng văn hóa tiết kiệm trong cộng đồng. Hay nói cách khác, phòng chống lãng phí - tận gốc của vấn đề chính là việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống văn minh, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
ĐỖ LAN HƯƠNG