Đà Nẵng cuối tuần
Còn bóng làng quê…
Tháng năm trôi đi, người ta càng chiêm nghiệm ra được những nhẽ điều sâu sắc về quê hương. Con đường đang đi quả thực đã vời xa bến bãi sông quê hay chiếc cầu gỗ bao năm vẫn mộc mạc. Người ta mang những nội lực sâu thẳm của người xứ mình để thỏa sức vẽ những ban mai cho riêng mình. Nội lực ấy như cỏ, mạnh mẽ như cỏ và cũng bao dung như cỏ để sẵn sàng đón nhận tất cả và vươn lên tất cả. Tiếng quê vọng thầm trong những tự khúc ngày xa. Tiếng quê cũng đã thổ lộ với người ta những tâm tình sâu sắc. Con đường về quê cũng dần trở thành con đường xa nhất khi người ta mãi rong ruổi những phương trời…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Kỳ thực đã có rất nhiều đêm trên thành phố, nơi cái ban công nhỏ bé, tôi ngửa mặt lên để tìm cho mình những không gian riêng biệt. Cách nói “thành phố từ tầng hai” khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ, để rồi tôi tự mình tìm được những điều đặc biệt từ không gian ấy. Tôi có thể cảm nhận được sự nhẹ nhõm, cảm giác được bẫng lên khiến tôi tạm quên đi những vội vã của thành phố, những bông bụi trong không khí để gần hơn với những chậu cây xanh, lẵng hoa ban công. Tôi đã tìm lại được rất nhiều điều, cả những vì sao trời phố mà người ta lãng quên. Những vì sao xa xôi nhưng đem lại cho chính mình cảm giác thật gần với khoảng trời quê hương, với những vì sao trong dọc triền ký ức từng mong mỏi được chạm.
“Trăng đứng đấy mà ta cứ trôi/ Qua thành phố cạn kiệt chào mời/ Qua bể dâu người đi người ở lại/ Xuôi về tuổi thơ một mái rạ buồn/ Dáng mẹ ngồi như bóng trăng suông” (Bình Nguyên Trang). Đó là một trong nhiều vần thơ khiến tôi rưng rưng. Cảm thức quê hương, bóng làng thân thuộc, mái rạ khói chiều bay mang theo những thương nhớ một thời, hay những đêm trăng xa mờ ký ức… cứ mãi hiển hiện trong tâm trí. Người đã sống, người đã yêu, người đã viết những con chữ là “thư ký trung thành của trái tim” để chứng thực cho lẽ làm người bình dị và hết mực cao cả. Trong vẻ đẹp của ngôn ngữ, trong mời gọi của âm thanh phát ra từ tiếng nói, ý niệm làng quê vẫn cứ mãi bền chặt như vậy dẫu người ta đã hao gầy theo năm tháng. Bởi thế, đâu đó trên con đường mình đang đi tôi bắt gặp được chiếc biển số xe quê mình, đâu đó ở một không gian phố tôi bắt gặp được những giọng quê “chi, mô răng, rứa” thân thương, nghĩa tình, gợi cả một miền xúc cảm thẳm sâu.
Những thế hệ người làng tôi đã mở ra, rồi nối chân nhau tạo nên một lối mòn, cứ đủ lông đủ cánh lại trở thành những con chim bay lên trời phố. Đến lượt mình, tôi không đủ sức vẽ ra một con đường riêng biệt. Tôi cũng đã mang theo những vẻ chân chất, quê kiểng nhất để đến với những nẻo đường, tìm kiếm những cơ hội trên phố. Phố cho tôi nếm trải nhiều thất bại nhưng cũng sẵn lòng ngả một bờ vai cho tôi nương tựa. Tấm lòng bao dung đó là người sao tôi có thể quên được. Phố cũng sâu sắc, khi chưa bao giờ tôi thấy phố đòi hỏi tôi phải hóa thân thành một con người thị thành đúng nghĩa. Phố thấu hiểu và trân quý những bản sắc của những miền quê xa đã tìm đến mình để gửi gắm những khát vọng. Bởi vậy mà một người bạn của tôi là họa sĩ, anh ấy đã trải qua nhiều khổ hạnh để dần khẳng định tài năng của mình. Cuộc triển lãm của anh tổ chức ở trung tâm thành phố, trình ra rất nhiều bức tranh về quê hương bằng tất cả tấm lòng của một người con hướng về cố thổ. Cuộc triển lãm ấy là một món quà tinh thần cao cả mà chính anh đã dành cho quê hương của mình sau bao năm ròng rã trên phố.
Tôi có những buổi chiều cuối tuần đặc biệt. Những buổi chiều ấy, tôi có thể lang thang đâu đó ở vùng đất ngoại ô thành phố, để có thể kiếm tìm những chất liệu cho nhiều dự định của mình. Và cũng những buổi chiều ấy, tôi từng được gặp gỡ những con người nhà quê chất phác, lắng nghe họ kể những câu chuyện về trầm tích văn hóa làng quê. Tôi gặp lại những bóng tre vờn cong trong bảng lảng lam chiều. Tre làng vẫn từng lũy xanh tươi trên những vùng đất văn hóa đặc sắc để gợi nhắc về những huyền sử xa xôi. Cả những giếng làng phủ đầy rêu phong bấy lâu vẫn mang lại cho người làng những dòng nước mát ngọt lành, thanh sạch. Tôi nhận ra rằng, trước sự tác động của cuộc sống hiện đại, trước những đổi thay mau lẹ của thế thời, sâu trong tâm thức, người dân ở nhiều miền quê họ vẫn luôn ắp đầy tình yêu bản xứ, giữ cho được hình bóng làng quê.
Mỗi khi nghĩ về quê hương, tôi luôn thấy trước mắt mình hiện ra những gam màu trầm sâu lắng. Đó là sắc màu của những sự bình yên, để rồi dẫu ít khi được trở về, nhưng sắc màu đó khiến lòng tôi tĩnh lại, chậm rãi hơn. Chính nhà văn R.Gamatop đã từng nói rằng: “Chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Nghĩa tình ấy đâu thể bạc sờn, cội nguồn ấy bằng mọi cách vẫn cứ miết chảy trong sâu thẳm mỗi người. Ta khao khát nhiều hơn, khẳng định mình nhiều hơn, để mang lại cho quê những tiếng thơm ngào ngạt…
TRẦN VIỆT HOÀNG