Đà Nẵng cuối tuần
Thăng trầm trò múa thiên cẩu
Trong phòng trưng bày nghệ thuật diễn xướng của Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An có hình tượng về múa thiên cẩu. Đây là loại hình múa linh vật huyền thoại, đậm sắc màu tín ngưỡng tâm linh đã để lại dấu ấn rất đặc trưng trải qua nhiều thế hệ của một bộ phận cư dân Hội An và du khách muôn phương.
Qua từng giai đoạn, đầu thiên cẩu luôn được cải tiến. TRONG ẢNH: Hình tượng múa thiên cẩu được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Ảnh: T.M |
Theo truyền thuyết thì ngày trước ở Hội An có một vị võ sư, mọi người thường gọi ông là thầy Xú, đã nghĩ ra hình dáng con thiên cẩu, có nghĩa chó trời nên ông đã thành lập ngay đội múa thiên cẩu theo sự điều hành của riêng ông để trình làng vào dịp tháng Tám trăng tròn và Tết Nguyên đán. Hồi ấy, múa thiên cẩu không nặng màu mè về hình thức nhưng lại chứa đựng sâu sắc niềm tin về sức mạnh huyền bí của linh vật đối với cuộc sống con người.
Chính vì vậy nên hình hài con thiên cẩu cũng chỉ được làm từ tre nứa đơn giản, thô sơ và nhịp điệu, lối múa cũng bắt nguồn từ các thế võ cổ truyền. Rồi trải qua một thời gian, người dân phố Hội không còn thấy bóng dáng con thiên cẩu ấy đâu nữa. Có người nói vì đó là chó của… nhà trời nên Ngọc Hoàng đã gọi nó về chầu trước cửa Thiên Vương rồi.
Theo tài liệu thuyết minh của Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An, múa thiên cẩu mới nhìn trông có vẻ na ná như múa lân nhưng ai có những cặp mắt tinh tường sẽ phát hiện rất rõ từ điệu múa, bước đi đến nhịp trống, không trùng lặp. Mùa Tết Trung thu năm 1940, vùng đất Hội An xuất hiện trở lại đội múa thiên cẩu rộn ràng cùng tiếng trống dưới ánh trăng rằm vằng vặc.
Không ai còn nhớ những tháng năm tiếp theo có bao nhiêu lần được xem múa thiên cẩu, song một số bô lão ở Hội An chỉ biết rằng vào những thập niên 20, 30 của thế kỷ XX có các đội múa thiên cẩu Đại Hòa Lạc của ông Trịnh Cẩm Quân làm nghề dạy võ; tại làng Sơn Phong có đội múa Tiểu Hòa Lạc do các ông Hà Sửu, Năm Khê và Bốn Châu thành lập.
Sau Cách mạng tháng Tám, Hội An xuất hiện thêm nhiều đội múa thiên cẩu như đội của ông Xân Hồ ở làng Xuân Mỹ; đội ông Năm Nghĩa, làng Cẩm Phô; đội các ông Hứa Tự Long, Hứa Tự Trân ở làng Triều Châu; đội của Nghiệp đoàn khuân vác Hội An…
Trải qua từng giai đoạn thời gian, hình dáng con thiên cẩu luôn được cải tiến, bàn tay các nghệ nhân đã chế tác cái đầu từ chỗ nhỏ bé, mặt “hiền khô” thành to hơn, mặt “dữ” hơn; đầu có sừng cong về phía trước, mắt to, lông mày cứng như rễ tre, giữa trán có gương trừ tà, mũi lớn, nhiều chân…
Hầu hết các đội múa thiên cẩu ra đời do các võ sư thành lập và trực tiếp dàn dựng các bài múa nghiêm ngặt nên có sự khác biệt với múa lân rất nhiều. Các bước chân của những người múa thiên cẩu phải di chuyển đúng nhịp theo các thế tấn của võ cổ truyền (thế tấn là điểm tựa cho sự thăng bằng trong tấn công và phòng thủ). Có nhiều bài múa thiên cẩu như múa đớp trẻ, trừ tà, thiên cẩu ăn quả, lá cây… và bất cứ điệu múa nào, người đội đầu thiên cẩu phải thể hiện hài hòa từ cái liếc mắt, vểnh tai, lắc đầu, chạy, nhảy theo đúng với nhịp trống.
Cũng như múa lân, múa thiên cẩu được nhiều người mời về nhà múa “xả xui, tẩy uế”. Mỗi khi vào tới nhà ai, việc đầu tiên là thiên cẩu thè lưỡi liếm hai trụ cổng ngõ, bởi dân gian cho rằng ma quỷ thường bu bám ở đây nên “ăn” trước. Khi vào bên trong nhà, thiên cẩu cúi đầu lạy bàn thờ tổ tiên của gia chủ, sau đó mới trình diễn các bài múa theo chương trình. Lần lượt những điệu múa từ chậm chạp đến nhanh nhẩu, rộn rã được các võ sư phô bày thuần thục, sau đó thiên cẩu đứng chồng lên vai từng người trong đội múa để tăng dần độ cao lên lấy “lì xì” của gia chủ treo lơ lửng giữa gian nhà. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào được thiên cẩu kéo vào nhảy múa, xua tan bầu không khí trầm lặng, u ám là sự chúc phúc tốt đẹp và sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm tới.
Múa thiên cẩu là trò chơi dân gian, gói ghém sự khát khao, mong mỏi của người phố Hội về một cuộc sống luôn được yên bình, xua đuổi tà ma, yêu quái làm hại con người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, tôm cá đầy khoang. Cứ sau mỗi lần múa vào độ Tết Trung thu hoặc Tết Nguyên đán, các đội múa thường làm nghi thức trảm thiên cẩu rồi đốt thành tro, đến mùa lễ tết năm sau lại làm đầu thiên cẩu mới.
Dần dà, các buổi múa thiên cẩu thưa hơn, ít hơn trên các đường phố Hội An cũng như tại các tư gia buôn bán giàu có rồi mất hẳn sau năm 1975, làm cho nhiều người ngẩn ngơ tiếc nuối, nhất là giới trẻ. Mãi đến năm 2000, múa thiên cẩu mới được phục dựng trở lại để phục vụ các lễ hội và khách du lịch. Bây giờ ở Hội An, một số gia đình có ba đời chế tác đầu, múa thiên cẩu. Hiện nay múa thiên cẩu được các võ sư truyền dạy tại ba võ đường Kỳ Sơn, Hoàng Lộc và Liên Hoa Huyền Linh và cũng duy nhất ở ba cơ sở này mới thành lập được các đội múa thiên cẩu có quy mô cũng như điệu múa đi vào bài bản, nhuần nhuyễn hơn.
Riêng lễ trảm thiên cẩu sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” giờ cũng được người ta bãi bỏ bởi đây là sự lãng phí, tiêu tốn tiền bạc, công sức phải làm lại đầu thiên cẩu mới cho các mùa múa năm tiếp theo. Đa số các đầu thiên cẩu cũng như quần áo, đồ đạc phục vụ của đội múa được lưu cất vào trong đình làng, kho nhà sinh hoạt cộng đồng để tu sửa tái sử dụng. Tuy nhiên việc phát triển các đội múa thiên cẩu vẫn còn nhiều hạn chế bởi do tính chất đặc thù khắt khe của từng điệu múa, nhịp trống rất khác biệt so với múa lân.
THÁI MỸ