Đà Nẵng cuối tuần

Cao Các Đại Vương theo lưu dân vào xứ Quảng

15:57, 09/11/2024 (GMT+7)

Ở làng Bình Yên (xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) bên sông Thu Bồn có một ngôi miếu gọi là Dinh Ông thờ Thành hoàng làng, những vị Tiền hiền - Hậu hiền có công khai đất, lập làng. Đặc biệt còn thờ một nhân vật mà rất ít nơi ở Quảng Nam thờ cúng, đó là Cao Các Đại Vương. Vì sao vị tướng nhà Đinh này lại được thờ tự tại một ngôi miếu ở xứ Quảng?

Dinh Ông làng Bình Yên (ảnh trái) với gian giữa thờ Cao Các Đại Vương. Ảnh: A.T
Dinh Ông làng Bình Yên (ảnh trái) với gian giữa thờ Cao Các Đại Vương. Ảnh: A.T

Đại vương thượng đẳng tôn thần

Theo Ngọc Phả Đại Vương tôn vị trung thần triều Đinh, Cao Các cùng với người anh em sinh đôi là Cao Sơn sinh năm 938 tại làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Thanh Đô (nay huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, Cao Các là một cậu bé thanh tú, càng lớn càng thông minh, tài trí, học giỏi và có sức khỏe phi thường, được mọi người trong làng yêu mến và khen ngợi là “thần đồng”.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước hỗn loạn, nội chiến bị chia cắt bởi loạn 12 sứ quân. Cao Các quyết tâm tìm gặp và theo về dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Cao Các có tư chất thông minh, chính trực, giỏi võ nghệ nên Đinh Bộ Lĩnh phong cho Cao Các làm chức Giám nghị đại phu và giao cho 5 vạn binh tinh nhuệ đi thu phục 12 sứ quân. Với tài thao lược, biết dụng binh và kết hợp với tư chất thông minh, Cao Các đã cùng các tướng sĩ lần lượt dẹp yên được loạn 12 sứ quân, đưa non sông thu về một mối.

Sau khi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh (tức huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay). Cao Các đến trấn thủ vùng đất này, thấy ở đây phong cảnh sơn thủy hữu tình, dân cư lại ôn hòa, nên ông cho quân sĩ lập quân cư sống với nhân dân, giúp nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, luyện tập võ nghệ thường xuyên để sẵn sàng giúp vua bảo vệ đất nước.

Năm 971, khi giặc Chiêm Thành đem quân sang xâm lược nước ta, vua Đinh lại triệu Cao Các về triều, giao cho 5 vạn tinh binh và lĩnh ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược dũng mãnh, Cao Các đã đánh đuổi quân giặc ra khỏi biên cương và giành thắng lợi vẻ vang. Vua Đinh thưởng công Cao Các rất hậu và giữ lại triều đình nhưng ông xin về quê sống một cuộc sống an bình ở vùng đất An Ninh; sau đó bị bệnh mất đột ngột. Nhà Đinh thương tiếc một vị tướng tài có công với đất nước nên giao cho nhân dân lập miếu thờ. Đến thời Lý Thái Tổ thấy đền miếu thiêng, biết ông là trung thần nhà Đinh bèn phong tặng mỹ tự “Đại vương thượng đẳng tôn thần”. Các triều đại về sau gia phong cho ông là “Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần”.

Là vị tướng có công đánh giặc cứu dân, cứu nước từ thời Đinh Bộ Lĩnh; lại là người yêu nước thương dân, thường giúp dân những vùng ông đi qua như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên… ổn định cuộc sống nên khi mất Cao Các được nhân dân khắp nơi lập đền thờ để tưởng nhớ tri ân công đức từ đời này qua đời khác. Đồng thời tục thờ cúng, suy tôn Cao Các Đại Vương được các dòng họ lưu dân từ Thanh-Nghệ-Tĩnh trên bước đường Nam tiến khai hoang, lập ấp, dựng làng đã mang theo đến những vùng đất mới, trong đó có vùng đất làng Bình Yên, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam…

Theo cuốn Địa chí văn hóa Hưng Nguyên (NXB Khoa học Xã hội - 2009, tr. 497, 498) do PGS Ninh Viết Giao làm chủ biên, thì cả nước ta có 1.519 nơi thờ Cao Các Đại Vương kết hợp với thờ cúng những người có công lập làng, dựng nước, giữ nước và những vị thần linh liên quan đến cuộc sống thường nhật của con người… Riêng ở Quảng Nam, qua khảo sát thì chỉ thấy có khoảng vài dinh/miếu thờ Cao Các Đại Vương; trong đó có hai ngôi miếu ở Hội An và Dinh Ông ở thôn Bình Yên, xã Phước Ninh…

Dinh Ông làng Bình Yên

Theo các bậc cao niên trong làng Bình Yên, những năm đầu thế kỷ XVIII, những vị tiền hiền của làng là tộc Bùi, tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Đình từ vùng đất Thanh - Nghệ ở xứ Đàng Ngoài trên con đường Nam tiến đã dẫn cháu con đến vùng đất bình yên này để khai hoang, mở đất, lập làng. Đến đây, bước chân mọi người như bị níu lại bởi dáng sông, thế núi và phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, tốt tươi nên đã quyết định dừng chân khai cơ, kiến bộ. Thời gian tiếp nối thời gian, hết đời này đến đời khác, con cháu, dân cư ngày một đông đúc và quần cư bên nhau, tảo tần khai phá, xây dựng cơ nghiệp, an cư nơi vùng đất mới và lập nên làng Bình Yên từ đó.

Dinh Ông của làng Bình Yên được ra đời từ những ngày vùng đất này được khai phá, lập cư với mong muốn luôn được ơn trên phù hộ, độ trì cho cuộc sống ấm no, an lành như cái tên Bình Yên của làng.

Buổi ban đầu, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên dân làng xây Dinh Ông với quy mô nhỏ bằng tranh tre nứa lá.

Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, tác động của chiến tranh, thiên tai bão lũ, Dinh Ông đã nhiều lần xuống cấp và được các tộc họ trong làng góp công, góp của tu sửa lại. Mãi đến năm 2020, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của người dân trong làng, của con cháu làng Bình Yên ở khắp mọi miền đất nước, Dinh Ông được xây mới với quy mô bề thế ngay trên nền cũ của Dinh trước đây. Trong Dinh, gian chính giữa thờ Cao Các Đại Vương, bên trái thờ Ngũ Hành, bên phải thờ 5 cậu theo tín ngưỡng thờ cúng của dân làng Bình Yên (cậu Cả, cậu Quý, cậu Trà, cậu Hiển, cậu Xuân). Ngoài ra còn thờ các vị tiền hiền tộc Bùi, Nguyễn Viết, Nguyễn Đình của làng.

Dinh không những là không gian thiêng nơi thờ Cao Các Đại Vương, thờ các vị Tiền hiền - Hậu hiền… mà còn là địa điểm họp bàn các việc lớn, nhỏ của làng. Hằng năm, vào dịp đầu xuân dân làng tổ chức lễ tế khai xuân vào ngày mồng 7 tháng Giêng Âm lịch với sự tham gia của hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân hội tụ về đây để thắp nén hương, tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc đã tạo nên nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của vùng quê mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Nông Sơn.

AN TRƯỜNG

.