Đà Nẵng cuối tuần
Cầu nối văn hóa từ game và thời trang
Phần mềm và các trò chơi giải trí (game) và thời trang là hai trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, cùng với quảng cáo, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Tại Đà Nẵng, đây là hai lĩnh vực cần phương án phát triển phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng.
Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Đà Nẵng trình diễn áo dài trên đường phố. Ảnh: PV |
Thời trang kể chuyện văn hóa
Cuộc hẹn ở Thủ đô Hà Nội vào một ngày cuối năm 2024 đưa ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Đà Nẵng (CLB) gặp một nhân vật đặc biệt - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Trong không khí ấm cúng, nữ chính trị gia lỗi lạc của đất nước năm nay đã 97 tuổi trao cho những chị em từ thành phố bên sông Hàn kỷ vật vô giá - Chiếc áo dài gắn bó với Madame Bình trong cuộc đàm phán lịch sử tại Hội nghị Paris (1969-1973) có chữ ký của bà.
Chiếc áo dài lịch sử được bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm danh dự CLB và bà Lê Thị Lý, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương, Chủ nhiệm CLB lưu giữ cẩn thận.
Chiếc áo dài của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình sẽ là vật phẩm quan trọng trong “ngôi nhà di sản” về áo dài của CLB. Trong không gian trưng bày, giới thiệu những chiếc áo dài qua các thời kỳ, CLB sẽ giới thiệu bản sắc văn hóa Việt thông qua áo dài như cách Hàn Quốc đã làm với Hanbok hay người Nhật làm với Kimono. Đó cũng là điểm hẹn để du khách có thể hóa thân thành người phụ nữ Việt Nam qua tà áo dài, lưu lại những bức ảnh đẹp và lan tỏa hình ảnh một biểu tượng văn hóa.
Trong tâm huyết phát huy giá trị truyền thống của chiếc áo dài như một cầu nối văn hóa, thời gian qua, những thành viên CLB tích cực tham gia nhiều lễ hội văn hóa, sự kiện du lịch tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận, tặng áo dài cho học sinh, trình diễn áo dài… “Trong nhịp sống hiện đại và năng động của Đà Nẵng, CLB ra đời nhằm kết nối và lan tỏa tình yêu với tà áo dài - trang phục đậm đà bản sắc Việt…”, bà Lý chia sẻ.
Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố, thời trang mang bản sắc văn hóa với áo dài nói riêng, những trang phục truyền thống nói chung được giới thiệu đến du khách qua những sản phẩm du lịch - văn hóa như: Áo dài show (Công ty CP VKSTAR), Hồn Việt (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Con đường di sản (Công ty AHT và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng). |
Biểu tượng áo dài cũng được nhà thiết kế Lê Doãn Hùng, chủ thương hiệu Tấm Design giới thiệu đến công chúng qua những bộ sưu tập ấn tượng. Năm ngoái, bộ sưu tập “Hà Y” của anh trình làng tại chương trình “Mỹ Tục Khả Gia” giữa không gian đình làng Lỗ Giáng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Với màn trình diễn của Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016 Trương Diệu Ngọc, Á hậu 3 Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Trần Nguyên Minh Thư và nhiều người mẫu, hình ảnh tà áo dài Việt Nam trở nên rực rỡ hơn. Mới đây, anh Hùng ra mắt bộ sưu tập “Mơ màng” tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) theo phong cách nhẹ nhàng, với đa phần các mẫu được may theo form áo dài cổ yếm kết hợp đính kết các họa tiết tỉ mỉ, vừa tôn vinh giá trị văn hóa áo dài, vừa thể hiện sự phá cách, sáng tạo.
Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để phát triển thời trang khi là thành phố du lịch. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có nguồn nhân lực trẻ cho ngành thiết kế thời trang với Đại học Duy Tân là đơn vị đào tạo đầu tiên. “Ở góc độ cá nhân, tôi mong muốn thành phố có thêm nhiều sân chơi cho những nhà thiết kế, tạo điều kiện cho nhiều show thời trang được tổ chức. Đó là cơ hội để phát triển lĩnh vực thời trang tại đây”, anh Hùng cho biết.
Cùng ý kiến, chị Trương Mi Sa, sáng lập Xóm thủ công - dự án truyền thống với sự tham gia của nhiều người trẻ tại Đà Nẵng và Hội An nhấn mạnh việc phát triển thời trang theo hướng vừa tôn vinh văn hóa, vừa thúc đẩy du lịch. Đang trong giai đoạn xây dựng sản phẩm “Hồi cổ Việt phục” với việc tái hiện những bộ trang phục truyền thống, chị cho hay: “Các đơn vị thời trang ở Đà Nẵng và Hội An có cơ hội quảng bá một cách tự nhiên do được tiếp cận nguồn khách. Du khách vừa có thể tham quan du lịch vừa trải nghiệm các buổi trình diễn. Tuy nhiên so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở mình chưa có những sân chơi tầm cỡ như International Fashion Week để người làm thời trang góp nhặt kinh nghiệm”.
Phát triển game trên phông văn hóa Việt
"Trong lĩnh vực công nghệ và giải trí, cần tập trung phát triển các game mang đậm bản sắc Việt; xây dựng nền tảng/hệ sinh thái phát hành nội dung số bản quyền và ứng dụng công nghệ AR/VR trong trải nghiệm văn hóa”. Ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam |
Anh Nguyễn Song Bảo Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Duy Hải nhìn nhận về câu chuyện làm game thuần Việt tại Đà Nẵng. So với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là địa phương có quy mô nhỏ trong lĩnh vực game. Số lượng các studio game tại đây còn ít, nhân lực chất lượng cao chưa thể so sánh với hai thành phố lớn nói trên. Tuy nhiên đây là cơ hội để hình thành một thế hệ người làm game có chuyên môn cao.
Liên quan câu chuyện nhân sự, ThS. Vũ Thị Thanh Huyền, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng nhìn nhận, sự phát triển về ngành công nghệ thông tin cùng nguồn nhân lực trẻ và chi phí nhân công rẻ là thuận lợi để Đà Nẵng đẩy mạnh ngành game. Bên cạnh đó, môi trường sống và làm việc ở đây phù hợp cho các công ty muốn đầu tư dài hạn.
Hiện Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng là đơn vị có ngành đào tạo chuyên sâu về lập trình game. Sinh viên được tập trung vào cốt lõi là các kỹ thuật lập trình cơ bản, sau đó là thiết kế đồ họa, xử lý hình ảnh và xây dựng cốt truyện, kịch bản game… Mục đích để sinh viên có thể trở thành lập trình viên, nhà thiết kế game, chuyên viên thử nghiệm game hoặc thiết kế đồ họa game, quản lý dự án phát triển game sau khi ra trường.
Theo ThS. Vũ Thị Thanh Huyền, sau mỗi môn học, sinh viên sẽ thực hiện một dự án lớn sau để ứng dụng những kiến thức đã học. Đặc biệt, sinh viên được tham dự các cuộc thi về game để khuyến khích sáng tạo với những chủ đề xoay quanh văn hóa Việt Nam. Có thể kể tới cuộc thi Game Việt Hackathon trong hệ thống Trường Cao đẳng FPT Polytechnic toàn quốc, với đề bài yêu cầu xây dựng những tựa game với tư liệu, bối cảnh lịch sử Việt Nam: Chiến dịch Hồ Chí Minh, Dinh Độc lập, Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thắng Bạch Đằng…
Ở vai trò đồng sáng lập diễn đàn “Tự đẩy game” nhằm hỗ trợ người trẻ có đam mê làm game, anh Bảo Khiêm cho hay, giới trẻ hiện nay đặc biệt quan tâm văn hóa, lịch sử trong nước và game là hình thức dễ tiếp cận. Những yếu tố này có thể lồng ghép vào nội dung game để người trẻ hứng thú hơn, qua đó truyền tải được các giá trị văn hóa. “Văn hóa là nguồn cảm hứng rất lớn, là chất liệu để phát triển cốt truyện game. Rất nhiều tựa game nổi tiếng được xây dựng trên cổ tích hoặc thần thoại, điều này đặc biệt phổ biến ở phương Tây. Việt Nam cũng sở hữu một nền văn hóa phong phú với kho tàng các truyện cổ tích, truyền thuyết như: Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thạch Sanh, Sọ Dừa… Đây là những chủ đề tiềm năng để các đơn vị làm game khai thác”, anh Khiêm chia sẻ.
XUÂN SƠN