Đà Nẵng cuối tuần
Bên kia sông
Bên kia là bên nào vậy? Thực ra thì, không hề có cái gọi là bên kia hoặc bên này; nhưng mà vẫn có, là bởi, chỉ vì do đa số người vẫn quen với cái việc “định vị” đấy thôi. Khi nói “bên kia”, là do đang đứng ở vị trí “bên này”. Và, ở bên này, giờ đây, là của sông Hàn "phố xá nghinh ngang" tự những ngày xa, trong câu ca thời cũ…
Vẻ đẹp của bãi biển Mỹ Khê thu hút nhiều du khách. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
Trong khoảng không cùng tận của ngui ngút thời gian, ai đó đã từng làm cái việc định vị thời gian, mà đặt dấu mốc cho vùng đất này, từ truyền thuyết vỏ trứng rồng đã để lại năm ngọn của Ngũ Hành Sơn cho đến ngày nay. Trên dặm dài mở cõi, người đã ghi lại biết bao dấu tích của mồ hôi và cả máu dọc theo cát trắng duyên hải. Để trên đường Nam tiến, có ngôi chùa Tam Thai từ khoảng 400 năm trước đã gửi tiếng chuông u trầm vào dòng sống của cộng đồng Việt. Để làng đá Hòa Hải với những nghệ nhân tài hoa đã đánh thức giấc ngủ ngàn năm của đá, tạo ra nhiều sản phẩm cung hiến cho đời. Để Vọng Hải đài ngày nay vẫn còn thả vào hư không khát vọng của người thi sĩ từng muốn nối kết con người với hư không "Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai…".
Nhưng làm sao trong sâu xa tâm hồn khỏi bay lên cái cảm giác vui nhẹ nhàng, khi ngắm nhìn những cây cầu nối về phía đông và phía nam của thành phố? Những cây cầu chính là những con đường nhìn thấy được, nhưng trong một ý nghĩa khác, phải chăng có thể hình dung ấy là những bàn tay, trong ước mơ nối kết đến những bàn tay khác, trong tình yêu giữa người với người. Cũng như, cuộc sống vốn bắt đầu làm nên từ những giấc mơ để rồi liên tiếp giấc mộng này gọi kêu những cơn mơ tiếp nối về phía hy vọng.
Để nơi gặp gỡ giữa đất-biển-trời với những bãi biển Mỹ Khê, Nam Ô, Bãi Bụt, Ngũ Hành Sơn… trở thành những khu du lịch đẹp tươi khoáng đãng, nơi mà 30 năm trước nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng thốt lên: "Ơi cây rong xanh của biển chiều nay/ Tôi làm sao bắt gặp được em bên kia ngưỡng cửa cuộc đời mình/ Khi ngoài kia Sơn Trà phủ sương...". Để những nơi thẳm xa đá xanh hoang sơ, mấy mươi năm trước chỉ gợi tưởng đến bom đạn một thời chiến tranh, nay đã đổi thay hình dáng…
Nếu sức sống của một cộng đồng làm nên từ những giấc mơ thì cốt lõi của sự mơ ước sẽ hướng về phía lợi ích của đa số người trong xã hội. Để được như thế, đầu tiên là cần biết lắng nghe nhiều tiếng nói khác, dẫu cho có khi, chưa phải tất cả đã tìm được sự đồng thuận-đồng tình; nhưng tất cả đều xuất phát cùng một mục đích: Hạnh phúc của con người. Và tất cả, đều phải được đặt trên nền tảng của sự nghĩ suy đúng đắn.
Nếu làm được như thế, ý thức dự phóng sẽ được nâng lên một tầm cao hơn. Để có thể nhìn xa hơn về phía ngày mai, trong mong muốn định danh chính xác về hạnh phúc một cách đa dạng-đa chiều hơn. Bởi vì, đơn thuần những con số thống kê kinh tế, thu nhập, tiện nghi vật chất không thể nói lên đầy đủ khái niệm về hạnh phúc. Có lẽ sẽ chính xác hơn, khi nhắm đến một thứ hạnh phúc gắn liền với niềm vui. Niềm vui của cảm giác sống có ích, cho chính mình và bao nhiêu người đang cùng sống chung quanh…
Từ câu hát ngày nào: "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm / Rượu hồng đào chưa nhấm đà say". Và gió vẫn thổi về từ bước chân những lưu dân đến nơi này nửa thiên niên kỷ trước. Và ngọn đèn biển Tiên Sa, giờ đây, vẫn hướng mắt nhìn ra biển rộng-gió xa...
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT