Đà Nẵng cuối tuần

CHÀO 2025

Năm mới

15:01, 28/12/2024 (GMT+7)

Nếu chọn sự kiện quan trọng nhất của Đà Nẵng năm 2024 thì nhiều người sẽ đồng ý cho rằng các quyết định của Trung ương về xây dựng chính quyền đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước đó, năm 1997 việc Quốc hội ban hành Nghị quyết đưa Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, mở ra không gian hành chính với những cơ chế tạo xung lực mới để thành phố phát triển trong gần ba mươi năm qua.

Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao.Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ

Những ngày cuối một năm càng thấm thía hai chữ “bâng khuâng” trong câu thơ của Tố Hữu: “Giã từ năm cũ bâng khuâng”. Một chút luyến tiếc, trăn trở về những điều đã hẹn mà chưa làm, cảm giác nôn nao mới đó mà đã một năm như lời trách nhỏ rằng vẫn còn bao việc chưa như ý đợi. Biết bao dự cảm, hăm hở cho một năm mới như một sức trai vạm vỡ sắp về, một năm nữa không chỉ đất trời cho mình thêm tuổi, mà đầy đặn trong bạn, trong tôi sự háo hức mong chờ. Đà Nẵng của tôi, của chúng ta vào Xuân.

Mới mẻ và rất nhiều thách thức

Tổng thu ngân sách trên địa bàn của Đà Nẵng năm qua vượt chỉ tiêu kế hoạch, giá trị sản lượng công nghiệp có bước tăng trưởng ấn tượng. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ tiên tiến bước đầu tìm được chỗ đứng thị trường, du lịch có bước tiến khá mạnh, lấy được mức trước dịch. Đà Nẵng với các dịch vụ cao cấp thành điểm đến của giới thượng lưu thế giới, đời sống của nhân dân có bước cải thiện rõ rệt, tầng lớp trung lưu xuất hiện… Nhiều tấm gương miệt mài học tập và giảng dạy, sự tận tụy vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc, sự hiếu khách và chu đáo trong việc làm hài lòng du khách, sự năng động của đội ngũ doanh nhân… là những đóng góp làm nên một Đà Nẵng sôi động và tràn đầy năng lượng.

Chúng ta tự hào về danh hiệu hoa hậu thế giới của một sinh viên Đại học Đà Nẵng, chúng ta cảm phục một ngư dân âm thầm và bền bỉ lưu giữ nghề làm nước mắm truyền thống. Sẽ biết bao xúc động khi gặp một người dành cả đời mình viết sách về lịch sử thành phố, hay những anh những chị lặng lẽ từng ngày chăm lo đàn voọc chân nâu trên núi Sơn Trà… Để được một thành phố sạch đẹp thì xin nhớ đến hàng trăm người ba, bốn giờ sáng đã đến từng con đường thu gom rác giữa lạnh giá mùa đông… được làm công dân của thành phố, được góp phần tạo ra bước thay đổi sâu sắc nói trên là một tự hào.

Từ một đơn vị hành chính ngang cấp huyện, ngày nay Đà Nẵng là đô thị lớn của cả nước, thu nhập đầu người khoảng 400 USD (năm 1997) đến nay xấp xỉ 5.000 USD, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhưng rõ ràng các yếu tố vốn là động lực phát triển như quyền sử dụng đất, lợi thế cảng biển nước sâu, vị trí địa lý… không còn là nguồn lực tăng trưởng hiệu quả như trước. Tình hình mới buộc phải có chủ trương và biện pháp mới, đất đai vẫn là yếu tố quan trọng nhưng không đủ để tạo ra sự bức tốc trong khi các địa phương khác trong khu vực có những chủ trương mới và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn.

Trong bối cảnh đó việc Trung ương ban hành các chủ trương mới nhằm phát triển Đà Nẵng thành một đô thị với mô hình quản lý, trong đó nổi bật là xây dựng chính quyền đô thị, với những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về cơ chế quản lý từ hành chính đến thu hút đầu tư, tỷ lệ huy động ngân sách, thu hút nguồn lực… là bước đi có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của thành phố.

Sẽ có những việc lần đầu triển khai, sẽ có nhiều những khó khăn và bất cập, sẽ có những lực cản không chỉ do điều kiện tự nhiên mà cả quán tính của sức ì bộ máy… nhưng chưa bao giờ Đà Nẵng có triển vọng phát triển như hôm nay. Khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, cảng mới Liên Chiểu, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tài nguyên du lịch… là những bước đột phá về một tầm nhìn mới, sức bật mới. Để phát triển vấn đề mấu chốt là chọn đúng “mắt xích” trong chiến lược tăng trưởng. Tầm nhìn và năng lực lãnh đạo được thể hiện tập trung ở khâu quyết định chọn đúng mắt xích để đột phá, do vậy nhân tố quyết định là con người tổ chức và đội ngũ triển khai.

Định dạng mô hình và các thiết chế quản lý từ chính quyền, hải quan đến việc chu chuyển công nghệ và vốn trong khu thương mại tự do sao đủ để bảo đảm yếu tố “tự do” theo chuẩn thế giới?, việc tổ chức và vận hành một thị trường tài chính thứ cấp đủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho các tập đoàn là việc không đơn giản. Tất cả đều mới mẻ và rất nhiều thách thức, chỉ riêng việc hiểu đúng cơ chế vận hành, để biết tầm vóc của nó trong một thế giới sôi động và cạnh tranh quyết liệt cũng đủ để thấy cái mà chúng ta có cũng như chưa có. Làm thế nào để huy động một cách hiệu quả năng lực xã hội, trong đó hàng đầu là đội ngũ doanh nghiệp có tinh thần mạo hiểm và yêu nước, yêu thành phố tham gia tích cực vào chuỗi tạo giá trị thông qua làn sóng sản xuất công nghệ mới là những công việc đòi hỏi nỗ lực, sự tận tâm và nhất là trình độ quản lý đặc biệt.

Giữ lấy hồn cốt quê hương

Một năm là một phần của ba vạn sáu ngàn ngày của một đời. Cuối năm là thời điểm nhìn lại và nhớ. Nghe đâu ở Nhật Bản dù cuộc sống hiện đại nhưng họ vẫn giữ nếp xưa, một trong những việc họ gìn giữ là dành thời gian cho việc làm thiệp chúc mừng năm mới. Tùy theo mức sống và công việc mà hình thức thiệp chúc mừng năm mới có khác nhau, nhưng phổ biến là người gửi tóm tắt kết quả công việc đã làm năm qua và vài dòng nói về ước mong năm mới cùng với lời chúc mừng đến người thân, bạn bè.

Trong bộn bề công việc người nhận vẫn trân trọng dành thời gian cho việc gửi và đọc thiệp, họ xem đây là công việc tao nhã như lời động viên cho hanh thông công việc năm mới. Mấy ngày cuối năm, bưu điện Nhật Bản hầu như dành riêng để chuyển tình cảm ấy, bao nhiêu thiệp được gửi? Hơn một trăm triệu! Ở ta hình thức chúc mừng bằng thiệp giấy hầu như không còn, bây giờ tất cả đều qua mạng, nhanh chóng và đơn giản, và vì vậy nên nó ít cảm xúc chăng? Nhiều khi có cảm giác bấm điện thoại đọc tin nhắn chúc mừng và hồi âm như để cho xong chuyện.

Làm sao để biết cuộc sống phát triển? Rất dễ để có câu trả lời nhưng tạo ra sự thay đổi theo hướng hiện đại, biết giữ cái nền nã quê hương, sự phong phú tâm hồn và giá trị nhân văn là một công việc khó, nếu không muốn nói là khó nhất. Mấy chục năm đủ để mình thấm thía về sự đổi thay.

Ngày tôi tốt nghiệp, về làm việc ở một trường hàng đầu, cái Tết công chức đầu tiên năm 1982, ngoài tiêu chuẩn gói trà một lạng, chai rượu sơn tra, mấy bao thuốc lá… tôi còn được mua 70kg… củi. Nhận củi là một niềm vui nhưng cưa và chẻ ra là một bước gian nan còn hơn ôn thi một môn đại học. Giờ thì chẳng ai còn nhớ, nhưng tôi hay nghiệm chẳng đâu làm chứng cho sự thay đổi sâu sắc bằng nhìn vào cái bếp. Dĩ nhiên cái để nấu, từ soong nồi cho đến thực phẩm là cả một bước tiến dài. Hầu như không còn bận tâm việc ăn no, mặc ấm nữa, đi lại cũng không thành vấn đề… nhưng đâu đó mình vẫn thấy nhiều những điều trăn trở. Vệ sinh thực phẩm là chuyện sống chết nhãn tiền, nhưng cách ăn và cách ở còn đó ngổn ngang những điều đáng nghĩ, ứng xử với nhau cho có văn hóa vẫn là điều canh cánh, tương kính lẫn nhau như một dấu chỉ văn minh nhiều khi nghe chừng xa lạ…

Phát triển trong yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa, nghe có vẻ lý thuyết và ước lệ, nhưng cuộc sống đang đặt ra những yêu cầu mới bức thiết, sẽ là phiến diện và nguy hại nếu phát triển mà khô cạn tâm hồn. Chính quyền đô thị không chỉ xây dựng cơ chế quản lý mới mà còn là điều kiện để biết giữ lấy hồn cốt quê hương, để mỗi người trong chúng ta biết ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, để biết thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi.

Kỷ nguyên mới không phải do ai ban tặng, sự thay đổi do chính chúng ta tạo ra. Cơ chế, chính sách về một Đà Nẵng phát triển trong yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị suy cho cùng là để mang lại lợi ích cho nhân dân. Có người nói đây là một cuộc cách mạng trong tư duy quản lý và lãnh đạo, nhiều việc phải làm trong đó quan trọng hàng đầu là xây dựng bộ máy tinh gọn, nhiệt huyết, làm sao để từ đội ngũ này lan tỏa khát vọng và niềm tin phát triển, “đã nghe Xuân mới lâng lâng lạ thường”.

HUỲNH THỤC NHÂN

.