Đà Nẵng cuối tuần

Đầu năm ngẫm nghĩ với Đà thành…

14:58, 28/12/2024 (GMT+7)

Đầu năm ngẫm nghĩ với Đà thành, lòng chợt rộn ràng câu khẩu hiệu kinh điển: “Năm mới, vận hội mới”. Rộn ràng bởi dường như khi Đà thành đứng trước ngưỡng cửa năm mới 2025, có cái gì đó háo hức hồ hởi đợi chờ vận hội mới đang đến rất gần ấy giống như lúc đứng trước ngưỡng cửa năm mới 1997.

Cảnh sắc bên bờ sông Hàn. Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ
Cảnh sắc bên bờ sông Hàn. Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ

"Đất yết hầu của miền Thuận Quảng"

Đầu năm 1997, Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh của Quốc hội khóa IX đã đưa Đà thành vào vận hội phát triển mới - trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đầu năm 2025, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, tiếp tục tạo thêm cho Đà thành vận hội phát triển nữa - được chính thức tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó nổi bật nhất, được chờ đợi nhiều nhất là thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đầu năm ngẫm nghĩ với Đà thành, lòng bồi hồi nhớ đến Trấn thủ Thuận Quảng Nguyễn Hoàng lúc đứng trên đỉnh Hải Vân đưa mắt nhìn về phương Nam và về phía biển khơi xa, vào mùa thu năm Nhâm Dần 1602. Sách Đại Nam thực lục tiền biên còn ghi lại câu nói “để đời” của Nguyễn Hoàng - câu nói từng mở ra một vận hội mới cho Đà Nẵng nói riêng và cho cả miền Thuận Quảng nói chung hơn bốn trăm năm trước: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.

Và hơn bốn trăm năm sau, lịch sử đã chứng minh tầm nhìn xuyên thế kỷ ấy là hoàn toàn đúng: Với sự kiện tỉnh Thừa Thiên Huế láng giềng trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, lần đầu tiên trên đất nước ta, hai thành phố trực thuộc Trung ương chỉ cách nhau có một con đèo, và cả miền Thuận Quảng - trước hết là thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế - sẽ cùng nhau bước vào chặng đường phát triển mới.

Đầu năm ngẫm nghĩ với Đà thành, lòng càng ấm áp khi thấy rằng nhờ ý thức ngày càng rõ hơn chân lý muốn đi xa phải đi cùng nhau, hai địa phương ở ngay “đất yết hầu của miền Thuận Quảng” đã chung tay bảo tồn Hải Vân Quan, di tích quốc gia đầu tiên được giao cho hai địa phương cùng quản lý, cùng đầu tư trùng tu tôn tạo để hùng-quan-vọng-hải-đài sớm chạm tay vào bản gốc Bính Tuất 1826. Và đó chính là tiền để đầy thuyết phục để đứng trước ngưỡng cửa năm mới 2025, có thể kỳ vọng trong những năm sắp tới, hai thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Trung sẽ tiếp tục phát huy kết quả hợp tác liên kết cùng phát triển rất tốt đẹp ấy...

Chỉ số hạnh phúc của người dân

Đầu năm ngẫm nghĩ với Đà thành, đương nhiên bên cạnh những phấn chấn hào hứng, vẫn còn nhiều điều phải trăn trở ưu tư. Hạ tuần tháng 12-2024, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố nghiên cứu chỉ số hạnh phúc của người dân Đà Nẵng do PGS.TS Nguyễn Thị Hằng Phương làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu đề tài này không chỉ giúp các nhà hoạch định chính sách công có cơ sở khoa học để hoạch định các chính sách phù hợp nhằm nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân Đà Nẵng mà còn góp phần nâng cao thứ hạng về hạnh phúc của Việt Nam trong Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên của Mạng lưới Giải pháp phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Điều cần ưu tư trăn trở ở đây là liệu kết quả nghiên cứu đầy trách nhiệm và tâm huyết của tập thể các nhà khoa học về hạnh phúc của người dân sẽ được phát huy trong thực tiễn phát triển Đà Nẵng như thế nào!

Trở lại câu chuyện chỉ số hạnh phúc của người dân Đà Nẵng, còn nhớ năm 2020, phát biểu chỉ đạo Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Đại hội ở Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc của nhân dân vào trong báo cáo, đây là điều đặc sắc của Yên Bái”.

Trông người mà ngẫm đến ta, rất mong thành phố Đà Nẵng cũng sẽ đưa chỉ số hạnh phúc vào chủ đề Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm tạo động lực chính trị thúc đẩy các chính sách ưu việt về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; đồng thời kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục đưa chỉ số hạnh phúc vào chủ đề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Cũng còn nhớ trên Báo Cứu quốc số ra giữa tháng 10-1945, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác Hồ đã nhấn mạnh một ý liên quan đến hạnh phúc của nhân dân: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”… Xin nói thêm, xét trên giác độ cá thể thì hạnh phúc hoàn toàn có thể đến với cặp đôi sống trong túp lều tranh - “một túp lều tranh hai trái tim vàng” - nhưng xét trên giác độ cộng đồng thì các nhà hoạch định chính sách công Đà thành cần phải chăm lo gầy dựng hạnh phúc cho người dân địa phương mình ngay từ việc đầu tư nguồn lực để nâng cấp đời sống vật chất, văn hóa xã hội và môi trường sống; đồng thời nên chọn “điểm rơi” thuận lợi để đề xuất chính sách công về nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân Đà Nẵng, chẳng hạn vào ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm.

Đầu năm ngẫm nghĩ với Đà thành, trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao các chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, mà trọng tâm là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”, “Trung ương nêu gương, địa phương hưởng ứng”…, điều cần ưu tư trăn trở là làm thế nào để Đà thành có thể đánh giá bố trí cán bộ một cách tối ưu, tránh tình trạng không mong đợi là người làm được thì không được làm, người được làm thì làm không được.    

BÙI VĂN TIẾNG

.