Đà Nẵng cuối tuần
Nhớ đồng đội Báo Giải phóng Quảng Đà
Năm 1968, sau chiến dịch Tết Mậu Thân, cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà dời về thôn Long Hội, Điện Thái, Điện Bàn. Đặt chân đến Long Hội, chúng tôi bắt tay ngay vào việc làm hầm chống phi pháo. Trên nóc hầm chúng tôi làm một cái trại như cái chòi giữ vịt. Ban ngày im ắng có thể treo võng nằm đọc báo, hoặc ngồi ghi chép. Trong hầm có thể treo chật chật được năm, sáu cái võng.
Bức ảnh duy nhất có mặt đầy đủ các nhà báo tại mặt trận Quảng Đà. Ảnh: Tư liệu |
Ngày mới chân ướt chân ráo về cơ quan báo, tôi chưa phân biệt ai là thủ trưởng, ai phóng viên, nhân viên, dù vỏn vẹn có bốn người. Hải Học trắng trẻo, to béo, mới vào chiến trường lại ở đồng bằng, cơ quan dựa vào nhà dân nên chưa sụt cân bao nhiêu. Trần Văn Anh thì đen sạm, gầy, đeo kính cận mà trông như nông dân thứ thiệt đang loay hoay nấu xào trong bếp. Hoàng Kim Tùng cũng đen, người nhỏ con, nói giọng Quảng Trị nặng trịch. Hôm ấy, còn một người nữa là Hữu Mười. Anh trông chững chạc, ít nói, còn gọi là Mười Tùy, người Điện Thọ. Bữa ăn đầu tiên với anh em Báo Giải phóng Quảng Đà chiều hôm đó có măng tươi xào với thịt hộp và rau dền luộc chấm mắm cái, một bát nước luộc rau dền xanh làm canh. Cùng với việc làm hầm, anh em còn dự trù gieo vài hàng đậu xanh để sau này lấy hạt nấu chè.
Đang dự trù việc sản xuất tự túc, thấy tình hình không ổn, có ý kiến bàn ra: Chắc ăn nhất là đem đậu rấm giá vài hôm là có cái ăn. Đúng hôm giá ăn được, bỗng có một người đi qua tỏ ý bán con cá tràu khá to độ một cân. Trần Văn Anh mua ngay, xách con cá tràu vào, ai cũng trầm trồ. Nhiều ý kiến đề xuất món ăn cho xứng đáng với con cá tràu: nấu om, nấu canh chua, kho nghệ, nấu một nồi cháo, làm mì Quảng. Món nào nghe cũng thấy thèm. Hầu như dân Quảng rất ghiền mì Quảng! Phiếu dành cho mì Quảng đa số áp đảo, thế là bắt tay ngay cho kịp bữa chiều. Anh Hoàng Kim Tùng nhận khâu vất vả nhất: ngâm gạo, xay bột. Trần Văn Anh lóc thịt cá xong ướp hành, tiêu, tỏi, cho chút nước mắm, mì chính, để đó một chặp, khử dầu tới bỏ “thịt” vào um cho thấm. Xương, đầu cá bỏ vào cối giã, lọc lấy nước. Đó là bữa mì Quảng nhưn cá tràu ngon tuyệt và nhớ đời. Nhớ đời bởi sau bữa liên hoan ấy, gần trưa ngày 29-12-1968, một trận bom khốc liệt của không lực Hoa Kỳ ném xuống Long Hội.
Sau Mậu Thân rồi các chiến dịch Hè - Thu, địch tăng cường phản kích bằng phi pháo. Phản lực bay trên trời phát hiện mục tiêu là trút bom ào ạt xuống. Theo ý kiến anh Trần Văn Anh, sáng dậy cần phân tán bớt ra xa khu vực cơ quan, rủi có chuyện chi còn người để làm việc. Sáng hôm ấy, Hồ Hải Học, Hoài Hà và Vũ Thành Lê mang gùi ra bãi bói dọc mé bờ sông Thu Bồn, phía Cẩm Văn, rúc vào trong mấy cái hầm cóc làm việc. Ở nhà còn Trần Văn Anh, Nguyễn Đình An (lúc này là phóng viên Báo Giải phóng Khu 5), Hoàng Kim Tùng và tôi. Khi thấy thằng tàu hai thân vào quần trên đầu xác định mục tiêu, đồng thời nghe tiếng phản lực xa xa, mọi người xuống hầm. Hoàng Kim Tùng ra lệnh: “Nếu tôi hô chạy thì tất cả tung lên chạy, không thì bám yên trong hầm”.
Lúc tàu hai thân sà xuống thấp dần, nghe tiếng phản lực rất to. Cơ quan báo nằm trong tầm quan sát của tàu rà. Hoàng Kim Tùng đứng ở miệng hầm đưa đầu lên theo dõi thằng tàu rà, xem hắn ném quả khói ở đâu. Anh đứng trong tư thế chân cao chân thấp, sẵn sàng vọt lên khỏi miệng hầm tuôn chạy. Trong lúc đó, anh Trần Văn Anh ngồi trong cùng, loay hoay với cái xách tài liệu, trong đó có quyển sổ ghi chép và tập bản thảo bút ký Đêm Gò Nổi, thắt lưng đeo cây súng ngắn K.59. Đêm Gò Nổi là tác phẩm đầu tay khi anh tròn ba lăm tuổi. Anh đang tiếp tục chỉnh sửa bản thảo mỗi khi có thời gian trước khi đưa đi nhà in.
Tiếng tàu hai thân rít sát ngọn tre như tiếng bò rống, rợn người. Tiếp theo là một tiếng cắc-bùm đanh và rền. Tức thì, một ngụm khói trắng bùng lên như cây rơm, cách hầm của báo chừng ba mét.
- Chạy! Lệnh Hoàng Kim Tùng vang lên.
Đến lượt tôi vọt lên khỏi miệng hầm, thì Hoàng Kim Tùng đã cách xa hầm chừng một trăm mét, còn Trần Văn Anh đang loay hoay nửa trên, nửa dưới chỗ miệng hầm.
Tất cả đều cắm cổ chạy bán sống bán chết, bất kể gai tre, gai ngủ ngày, về hướng sông Thu Bồn. Vừa chạy, tôi vừa ngoái đầu lại xem Trần Văn Anh tới đâu. Khi Trần Văn Anh ra khỏi hầm chừng năm mươi mét, thì chiếc phản lực bay đầu rít xuống ném bom. Từ xa, tiếng Hoàng Kim Tùng rít lên:
- Nằm xuống!
Một loạt bom quét xé nát bươm một vùng đất thôn Long Hội, cách hầm của Báo Giải phóng Quảng Đà chừng mươi lăm mét, cây cỏ nằm bẹp xẹp như vừa bị một cơn lốc dữ dằn. Chiếc phản lực thứ hai ném tiếp một loạt bom nữa, rồi hai chiếc F5 bay thẳng ra phía biển.
Chiếc tàu rà hai thân, thường gọi là OV-10, quần cao hơn quan sát, chưa chịu rời mục tiêu. Tôi liều quay lại về phía hầm. Phía sau tôi chỉ có anh Trần Văn Anh. Anh bị loạt bom quét vùi trong cỏ tranh đang cố ngoi dậy, nhưng đành chịu. Tôi chạy đến bên anh. Anh nhìn tôi, nói tỉnh rụi:
- Hắn lấy cái mông anh rồi!
Tôi la to:
- Anh Anh bị thương. Mau lên!
Hoàng Kim Tùng, Nguyễn Đình An nghe tiếng gọi thất thanh, hớt hải chạy lại. Anh em xúm đến dìu Trần Văn Anh dậy. Không biết bao nhiêu cái mảnh găm vào người anh, rõ nhất là cái mảnh hớt nửa mông, một mảnh khác cắt gần rớt chân trái của anh. Máu lai láng không tài nào ngăn lại được và cũng không có loại cầm máu nào trong tay chúng tôi trước một vết thương nặng như vậy. Người anh bê bết máu, bụi đất.
Mọi người đang lúng túng dìu anh về phía miệng hầm, chưa biết xoay xở làm sao thì đợt phản lực thứ hai vào. Trần Văn Anh hối anh em chạy ra xa. Anh em đành để anh nằm bên miệng hầm, chạy. Hết đợt bom thứ hai, chạy về bên anh. Tất cả chúng tôi đều nhói lòng biết vết thương đang hành hạ anh. Máu cứ rỉ ra. Các anh sơ tán ngoài bãi bói kịp về, các chị cơ quan phụ nữ xúm lại, cũng có y tá, có cứu thương, nhưng đều bất lực trước vết thương xé nát người anh. Kẻ chặt tre làm đòn, người lấy võng của anh cột dây làm cáng, thay nhau khiêng anh ra trạm xá Điện Bàn, cách hầm của báo vài cây số. Toàn loại chân yếu tay mềm, nên mỗi người kê vai khiêng một đoạn thì khum người đổi vai, xin thay.
Thằng tàu rà cứ bám riết trên đầu nên phải khiêng anh đi dựa vào bờ tre, mặc cho gai xước rách da. Mỗi lần chiếc võng cà vào gai tre là anh thót người lên, rên hừ hừ. Chúng tôi đau từng đoạn ruột, nước mắt cứ ứa ra. Anh bảo cắt trớt cái chân đau cho khỏi vướng. Lúc đau quá, anh bảo lấy súng bắn cho chết đi, đừng làm khổ anh em. Đi được một đoạn xa thì anh đưa tay ra hiệu dừng. Tất cả vây quanh chiếc võng, Anh nói trong tiếng nấc:
- Anh đau lắm! Đau không thể tưởng tượng được! Các em cho anh rên một chút.
- Thì anh cứ rên đi! Anh rên cho đỡ đau.
Anh ra hiệu cho anh em lại gần, thì thào:
- Chắc anh không sống nổi đâu, đừng tiêm thuốc gì cho anh cả. Anh mong các em ở lại đoàn kết, lo hoàn thành nhiệm vụ, lo cả việc của Đảng giao cho anh...
Về báo không lâu, nên tôi chỉ biết anh là thủ trưởng, chưa một lần được nghe anh nói về gia đình. Chỉ một hôm, bên bờ suối, đang lo cơm chiều, anh nhắc đến thằng Nùng. Không rõ do đâu, giữa lúc đó, tôi bỗng nhớ câu chuyện anh kể về thằng con trai trên ba tuổi, tên là Nùng. Có kẹo, anh dành để trong tủ, mỗi lần con xin thì anh lấy cho vài cây. Bỗng một hôm, Nùng chạy lại bên ba, nói: Ba ơi, hôm nay, con không xin. Anh thấy lạ thì thằng Nùng nói: Để con vào tủ tự lấy kẹo nghe ba… Tôi biết, lúc đó anh không còn đủ thời giờ để nhắc đến các con và vợ đang ở rất xa. Dù mệt và đói, chúng tôi đều muốn khiêng anh đi thật nhanh, hy vọng bệnh xá có thuốc cầm máu, băng bó cho anh. Anh lại đưa tay ra hiệu, bảo đưa anh ghé thăm anh Ba Phước - Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà.
Đi được nửa đường, vừa đặt chiếc cáng xuống đất, dưới lùm tre, ông Hồ Nghinh đi ra, đi cạnh ông là y sĩ Mười. Anh Trần Văn Anh bảo nâng cái đầu anh lên để anh nhìn ông Nghinh. Tôi quỳ hai đầu gối xuống đất, nâng đầu anh lên trên đầu gối của tôi. Anh nhìn ông Nghinh, đưa tay bắt tay đồng chí Bí thư mà anh rất kính phục. Ông Nghinh rưng rưng an ủi, bảo y sỹ Mười tiêm cho anh mũi hồi dương. Y sĩ Mười bước lại, trên tay đã có xơ-ranh và ống thuốc. Trần Văn Anh đưa tay:
- Thôi, đừng tiêm. Để dành thuốc cho anh Ba. Cho xin cốc nước trong.
Y sĩ Mười bưng ly nước cam đến. Anh lại khoát tay:
- Cho cốc nước lạnh.
Y sĩ Mười rót từ bình đông, mời anh một cốc nước trong. Trần Văn Anh hớp một ngụm súc súc, cố ngoẹo cổ nghiêng đầu nhổ xuống đất. Trông anh mệt nhoài. Ông Hồ Nghinh hối đưa anh nhanh ra bệnh xá, chỉ còn cách non cây số. Đến trước cổng bệnh xá, không nghe tiếng anh rên. Để cáng xuống đất, anh vừa tắt thở, người bê bết máu nằm co trong chiếc võng dù màu cỏ úa. Chúng tôi nhìn anh lần cuối, xúm lại đưa anh ra đám đất cày phơi ải gần đó, mượn cuốc của bệnh xá đào đất chôn anh…
Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhiều điều đổi thay, nhiều chuyện lãng quên, song mỗi lần nhắc lại Tết Mậu Thân là nhớ đến Anh, người thủ trưởng thân yêu, nhớ những năm tháng ác liệt, hy sinh, là nhớ đến đồng đội ra đi không ngày trở lại...
Ký của HỒ DUY LỆ