.

Đà Nẵng cuối tuần

Cảm xúc đầu Xuân

"Nơi đâu có gia đình, nơi đó chính là Tết"

18:23, 08/02/2025 (GMT+7)

Ba chữ “Tết đoàn viên” như thông điệp thôi thúc tất cả mọi người gác lại những bộn bề để sum vầy bên nhau. Đặc biệt với người xa quê, mỗi cái Tết là dịp để gắn bó, trân quý từng khoảnh khắc yêu thương bên gia đình.

Tết là dịp để gắn kết yêu thương với gia đình. Ảnh: X.S
Tết là dịp để gắn kết yêu thương với gia đình. Ảnh: X.S

Trưởng thành và sẻ chia

Vợ chồng anh Nguyễn Duy Thi (SN 1994, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) luôn cố gắng giúp con gắn kết với gia đình nội ngoại với mong muốn, khi con lớn lên, con cảm nhận được tình yêu thương của ông bà, để biết trân quý, gìn giữ tình cảm gia đình.

"Lớn lên và trưởng thành, Tết trong mình từ mùa của lễ hội trở thành mùa của đoàn viên, của sự gắn kết và yêu thương. Cũng hơn chục năm nay, mình đều cố gắng giữ gìn và lan tỏa tinh thần ấy. Hy vọng sau này, khi con lớn lên, con cũng sẽ hiểu và biết trân trọng món quà vô giá ấy!”, anh Thi chia sẻ về cái Tết Ất Tỵ ở quê nhà Bình Định.

Đã 13 năm xa quê ra Đà Nẵng lập nghiệp, mỗi cái Tết ở quê với anh là một sự trưởng thành và sẻ chia, từ khi là sinh viên cho tới ngày trở thành ông bố trẻ. “Ký ức của mình về ông bà đều gói gọn qua lời kể mơ màng của ba mẹ. Thuở ấy, không có một thước phim, một bức ảnh nào ghi lại, ấy vậy mà mình vẫn có thể cảm nhận được tình yêu của ông bà và ghi nhớ nó đến tận bây giờ”, anh Thi nói. Bây giờ, những cảm xúc ấy được anh gửi gắm cho con gái trong những chuyến về quê, Tết nói riêng và những dịp đặc biệt nói chung.

Đồng hương với anh Thi là anh Nguyễn Đình Tuấn (SN 1995, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Trên mạng xã hội, anh giới thiệu về bức ảnh chụp quê nhà: “Nơi đó thuộc xã Canh Hiển (huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định), cách thành phố Đà Nẵng gần 400km. Kia là núi Hòn Ông, đây là sông Hà Thanh. Băng qua cây cầu nhỏ này, phía đó là nhà mình, ba mẹ đều ở đó”.

Mười một năm trước, anh Tuấn rời quê ra Đà Nẵng học đại học và gắn bó với thành phố biển cho đến bây giờ. Hai chữ “quê nhà” từ ngày ấy là những lần đi-về ít ỏi. Bận rộn với công việc, anh chỉ có thể về sum vầy với gia đình mỗi năm khoảng hai lần vào Tết hoặc lễ. Riêng Tết năm nay đặc biệt hơn, hành trình về quê của Tuấn có thêm người vợ mới cưới. Những trải nghiệm và cảm xúc của anh về cái Tết đoàn viên cũng thay đổi.

“Ngày trước, mỗi lần về quê ăn Tết, mình mang tâm thế không âu lo, chỉ nghĩ đến đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Nhưng khi có gia đình riêng mới thấy trân quý hơn những khoảnh khắc bên ba mẹ, biết phụ giúp gia đình chuẩn bị Tết, dành nhiều thời gian cho mọi người trong nhà. Mình đi làm, đi chơi, gặp gỡ, chụp nhiều ảnh với bao người ngoài kia nhưng đến lúc tìm một bức ảnh thật đẹp chụp chung cả nhà thì không có. Bức gần nhất đủ mặt lại là ảnh cưới của mình. Lúc đó mới thấy bản thân đã bỏ quên những điều thân thuộc nhất…”, anh Tuấn chia sẻ.

Kỳ nghỉ Tết ở quê của vợ chồng anh Tuấn ngắn ngủi. Mồng 3 Tết, anh lên xe trở lại Đà Nẵng để kịp tiến độ công việc. Trong hành trang ngày rời quê, ngoài những thức quà quê còn nặng trĩu tình thương gia đình. “Mỗi năm, mình chỉ gặp được ba mẹ vài lần, ba mẹ cũng lớn tuổi rồi. Lần nào về, mình cũng cảm nhận được sự mong ngóng đi cùng với tuổi tác, rồi kỳ nghỉ vùn vụt trôi… Sau này có con, mình sẽ cố gắng đưa bé về thăm ông bà nhiều hơn, để vơi dần những ngày tháng xa cách. Tết đoàn viên sẽ đông vui hơn”, anh cho biết.

Tết là để về nhà

Trở lại Đà Nẵng sau kỳ nghỉ Tết ở quê nhà tại huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), chị Bùi Khánh Ly (SN 1997, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) hối hả quay lại công việc thường ngày, đó là làm chủ một quán cà phê trên địa bàn quận Liên Chiểu. Bận rộn với việc kinh doanh, chị Ly về quê mỗi năm chỉ 3-4 lần.

“Nơi có công việc thì lại không có nhà, nơi có nhà thì lại không có công việc”, chị chia sẻ. Cũng như bao người xa quê, mỗi dịp Tết về là thêm một lần chị háo hức với khoảnh khắc đoàn viên. Tết quê, với chị Ly là những ngày phụ mẹ bán hàng tạp hóa, đi chợ nấu cho gia đình một bữa cơm, được ôm ba mẹ để kể về những buồn vui trong năm qua. “Sơn hào hải vị hay những rộn ràng ở thành phố cũng không bằng cảm giác về nhà với bữa cơm gia đình. Nhà có ba có mẹ, có anh chị em, là nơi để những khúc mắc được giải tỏa, để mọi người hiểu và yêu thương nhau hơn”, chị Ly nói.

Với Trần Thị Tú Uyên (SN 2005, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), một tuần nghỉ Tết ở quê dường như không đủ với một người trẻ xa nhà. Đó là lý do Uyên ưu tiên dành phần lớn những phút giây bên gia đình ở xóm Thọ Thắng (xã Văn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Với Uyên, Tết là dịp duy nhất trong năm mà cả nhà có bữa cơm sum vầy với đông đủ thành viên, cũng là khoảng thời gian quý giá gắn kết các thế hệ. Ở đó, ông bà kể về thời trẻ của bố mẹ, bố mẹ lại nhớ tuổi thơ của con cái.

Thôn xóm tập trung đốt lửa, nướng gà, nướng cá, đốt pháo hoa Giao thừa. Rồi tất cả cùng lên chùa xin lộc đầu năm, xông đất, thăm họ hàng… “Sau một năm đi học xa, về với vòng tay gia đình, em cảm giác mình vẫn là đứa trẻ được ông bà, bố mẹ yêu thương. Tết là để gác lại bộn bề năm cũ, để thấy nụ cười vẫn nở trên môi mọi người. Đó là những khoảnh khắc mà người ta thường nói “có tiền cũng không mua được”, Uyên chia sẻ.

Chúng tôi nhớ thông điệp trên tấm bảng gỗ ở một quán cà phê nhỏ nơi vùng ven Đà Nẵng. Tại đó, anh chủ quán (xin giấu tên) - một người sống xa quê ghi nắn nót: “Tết là để về nhà. Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa, họ cũng chỉ được gặp 20 lần; nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ”. Tấm bảng được treo giữa quán vào một ngày giáp Tết Ất Tỵ, chủ quán không giải thích, những vị khách ở quán cũng không thắc mắc, bởi ai cũng hiểu: “Nơi đâu có gia đình, nơi đó chính là Tết”. 

XUÂN SƠN

.