Đà Nẵng cuối tuần
Cảnh giác với tin đồn
Trong cuộc đời gần 30 năm làm báo của mình, thi thoảng tôi cũng được nhận những tin nhắn dưới nhiều hình thức khác nhau về một vấn đề, sự kiện gì đó. Ý là hỏi xem, thông tin đó có đúng không? Đúng hay không, chỉ rất ngắn gọn thôi, nhưng thật khó trả lời, nhất là kể từ khi mạng xã hội bùng nổ gần 2 thập kỷ qua. Điều trớ trêu là tin đồn thường liên quan đến những vấn đề, nội dung thời sự, nhiều người quan tâm, đặc biệt là công tác cán bộ, những chuyện độc, lạ, những người nổi tiếng, có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
![]() |
Các cách hiệu quả để nhận biết tin giả. Ảnh: Internet |
Vậy, tin đồn là gì? Hiểu một cách đơn giản, tin đồn là những thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, xác thực về sự vật, sự kiện, hiện tượng nào đó. Tin đồn xuất hiện mọi nơi, khắp hang cùng ngõ hẻm, về tất cả các lĩnh vực, với mọi con người. Tin đồn, vì thế nhiều khi còn được gọi là tin vịt, tin giả, gây nguy hại tới con người cụ thể, tới xã hội, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thậm chí, tin đồn còn gây tâm lý hoang mang, bất an trong xã hội, là mầm mống, nguồn cơn của những hậu quả khó lường, thậm chí liên quan đến tính mạng con người.
Và để ngăn chặn tin đồn phát tác, gây tổn hại tới cá nhân cũng như toàn xã hội trên các phương diện khác nhau, việc tung tin đồn, tin giả, tin vịt một cách chủ ý nhằm mục đích cá nhân, nhóm nhỏ phải bị xử lý hành chính, hình sự một cách thích đáng, đủ sức răn đe.
Thời gian qua, tin đồn về chủ trương về sáp nhập, tinh gọn bộ máy, nhất là về sáp nhập các tỉnh, thành phố được lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Bộ Công an khẳng định rằng, thông tin lan truyền trên mạng về danh sách sáp nhập các tỉnh, thành phố là thông tin giả, sai sự thật.
Theo bản báo cáo thường niên “Digital 2025 Global Overview Report” do We Are Social và Melwater công bố hồi giữa tháng 2-2025, có tới 95,8% số người sử dụng internet trên 16 tuổi tại Việt Nam sử dụng các nền tảng và dịch vụ nhắn tin qua internet mỗi tháng, cao hơn trung bình toàn cầu, 94,5%. Thông tin lan truyền trên mạng xã hội rất nhanh chóng, rộng rãi, nếu không được kiểm chứng sẽ gây nhiều tác hại đối với cá nhân, tập thể, địa phương, đất nước.
Một con số đáng giật mình khác, tính đến ngày 30-6-2024, Việt Nam có khoảng 110 triệu tài khoản sử dụng mạng xã hội. Thử hỏi, nếu tin đồn là những thông tin xấu, độc, nguy hại với xã hội, với đất nước thì mức độ nguy hiểm sẽ như thế nào, nếu không được ngăn chặn kịp thời, bằng nhiều biện pháp khác nhau?
Việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng, quản lý thông tin và chống tin đồn, tin giả ngày càng được quan tâm hơn, nhằm chặn đứng những tin đồn thất thiệt, những hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn, tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đất nước cần phải hết sức kiên quyết.
Trên thực tế, rất nhiều cá nhân đưa, lan truyền tin đồn, tin sai sự thật trên mạng xã hội đã bị xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chủ động, kịp thời để góp phần định hướng dư luận, nhất là với những vấn đề thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, ví như sáp nhập các tỉnh, thành phố ở nước ta hiện nay. Chỉ có tin thật mới “tiêu diệt” được tin đồn. Chỉ có thông tin chính xác, kịp thời, đúng thời điểm mới có thể bịt được những kẽ hở để tin đồn nảy sinh, tác oai tác quái...
Việc người dân, bất kể là ai, vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính hay hình sự là lẽ đương nhiên. Với những người chủ đích tung tin đồn để trục lợi bất chính, phá hoại bị xử phạt là đương nhiên, nhưng với những người tiếp nhận thông tin, cần làm gì để tránh mắc bẫy, không vi phạm pháp luật? Trước hết, cần bình tĩnh đón nhận, tự mình thẩm định bằng nhiều cách khác nhau, kiểm tra chéo thông tin, đặt ra những câu hỏi nghi vấn về độ xác thực của thông tin rồi tự mình trả lời xem có thỏa đáng không. Nếu cần thiết, có thể hỏi người có kinh nghiệm, các chuyên gia về vấn đề liên quan đến tin đồn và bình tâm chờ đợi thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và một điều đáng lưu tâm khác, chúng ta không nên vội vàng bày tỏ sự yêu thích hay chia sẻ thông tin khi đó vẫn là tin đồn không có căn cứ.
Sống trong thời đại đầy rẫy những cạm bẫy tin đồn, tin vịt, tin giả, nhất là trên không gian mạng, mỗi chúng ta cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo trong tiếp nhận, kiểm chứng, sàng lọc và thẩm định thông tin để từ đó có những hành động phù hợp trong việc bày tỏ quan điểm, bình luận, yêu thích hay chia sẻ... Bởi rất có thể, những tin đồn ác ý, những tin vịt chủ tâm, những tin giả phá hoại sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới người tiếp nhận và bày tỏ cảm xúc, thái độ, hành vi sai trái. Bởi rất có thể, nếu chỉ vì vội vã, mau mắn đăng tải tin đồn để gây sự chú ý, thu hút công chúng, có thể đã vi phạm pháp luật, và ít nhất bị xử phạt hành chính, như nhiều người đã từng mắc.
NGUYỄN TRI THỨC