Đà Nẵng cuối tuần
Tháng Ba, bà già đi biển
Một số lão ngư nheo mắt cười sảng khoái khi nghe chúng tôi hỏi về câu thành ngữ “Tháng Ba, bà già đi biển” và trả lời rằng quan niệm đó chẳng xa lạ với người quen sóng nước, bởi thời gian này trời yên, biển lặng, sóng êm, thuận lợi nhất để chuẩn bị chuyến ra khơi…
![]() |
Tàu cá ra khơi tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Tháng Ba sóng vỗ mạn thuyền
Tôi ngồi cùng họ bên bờ biển, lắng nghe những câu chuyện được kể bằng chất giọng khàn đục vì nắng gió. Gần 80 tuổi, lão ngư Lê Văn Trước (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) không còn đi biển. Thế nhưng, mỗi sáng ông vẫn thường dậy sớm ra biển bơi mấy vòng như thói quen thời trai trẻ.
Ông bảo, dù không còn đủ sức dong thuyền theo con nước, ông vẫn chẳng thể rời xa biển, chẳng thể thiếu tiếng sóng vỗ mỗi sớm mai. “Cả đời làm bạn với biển, cứ đến tháng Ba lòng lại nôn nao. Trước đây, thời điểm này cả làng rộn ràng ra khơi. Đàn ông dong thuyền đánh cá, đàn bà ra mép nước cào nghêu, gỡ lưới. Ngày biển êm, có khi mấy bà già trong làng cũng theo con cháu xuống ghe, ra xa một chút cho biết cái mùi biển khơi”, ông Trước cười, mắt ánh lên những ký ức xa xăm.
Ngồi gần đó, bà Nguyễn Thị Lệ, tuổi ngoài 70 góp chuyện: “Hồi trước, tôi cũng được theo tàu ra biển. Nhưng không phải đi lưới, mà theo phụ nhóm bếp nấu ăn cho bạn tàu. Biển tháng Ba đẹp lắm, nắng không gắt, gió không to, đi lúc này không cần phải lo lắng gì cả”. Bà Lệ kể, hồi còn trẻ, mỗi chuyến theo tàu ra khơi là một lần háo hức. Tháng Ba, biển lặng, những chuyến đi dài ngày thường mang về những mẻ cá đầy.
Khi thuyền cập bờ, bà tất tả giúp gỡ lưới, chia cá, phơi khô, gom góp từng mớ tôm tép đem ra chợ bán. Bà bảo, phụ nữ làng chài ai cũng vậy, không ra khơi thì cũng bận rộn với những công việc sau chuyến biển, quanh năm gắn bó với sóng nước. Bây giờ, dù không còn theo tàu như trươc, bà vẫn giữ thói quen ra biển mỗi sáng và lặng lẽ men theo mép nước, để đôi chân trần dẫm lên bờ cát. Có khi bà ngồi thật lâu cạnh mấy chiếc thúng, nhìn những con sóng vỗ nhè nhẹ, lòng nhớ tháng ngày tuổi trẻ. “Ngày xưa, cứ qua Tết là biển động, sóng lớn lắm. Nhưng đến tháng Ba, trời trong, nước ấm, biển sóng vỗ nhẹ nhàng, dân biển chúng tôi mong nhất tháng này”, bà Lệ nói.
Những ngày này, từ bãi biển Mân Thái, nhìn ra xa, mặt biển loang loáng nắng vàng, những con thuyền đánh cá dập dềnh trên sóng nước. Không khí mang theo mùi vị đặc trưng của biển, mằn mặn, trong lành và phảng phất hơi ấm nắng xuân. Ông Trước đưa tay chỉ về phía xa, nơi một chiếc thuyền vừa tách bến, nói nhỏ: “Ngày trước, khi biển động, người ta thường dặn nhau đừng ra khơi. Nhưng đến tháng Ba thì khác, trời yên, biển lặng, sóng vỗ mạn thuyền, ngay cả người già vốn chỉ quen ở lại bờ cũng mạnh dạn theo thuyền đi một chuyến”.
Từ góc nhìn dân gian
"Người dân miền biển sống nhờ biển, bám biển quanh năm, nhưng không phải mùa nào cũng ra khơi. Chính vì thế, câu thành ngữ này vừa diễn tả điều kiện tự nhiên, vừa mang ý nghĩa dân gian đầy hình tượng - đến cả bà già, tượng trưng cho những người yếu ớt nhất trong cộng đồng, cũng có thể ra biển đủ thấy đây là thời điểm an toàn và lý tưởng cho ngư dân”, ông Hòe phân tích. |
Mỗi người dân làng chài đều tin rằng câu thành ngữ "Tháng Ba, bà già đi biển" là sự đúc kết từ kinh nghiệm “nhìn biển” của cha ông. Đối với họ, mỗi con sóng, mỗi làn gió đều mang đến những dấu hiệu mà chỉ người gắn bó lâu dài với biển mới có thể nhận ra. Kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển, ngư dân Nguyễn Văn Xuân, chủ tàu cá ĐNa 91070 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nói rằng tháng Ba âm lịch là thời điểm gió mùa Đông Bắc suy yếu còn gió mùa Tây Nam chưa hoạt động nên thời tiết nắng, ít mưa, gió nhẹ, sóng biển êm. "Tháng này ra khơi rất an toàn, ít gặp bão tố hay sóng lớn bất thường. Thời tiết thuận lợi giúp tàu thuyền đi xa hơn, đánh bắt hiệu quả hơn. Đặc biệt, đây là lúc cá cơm, cá nục, cá trích xuất hiện nhiều, tạo cơ hội để bà con có những chuyến biển bội thu", ông Xuân chia sẻ.
Qua thời gian, ngư dân có cách nhận biết thời tiết khá chính xác qua sự thay đổi của mặt nước và gió biển. Vào tháng Ba, nước biển trong xanh hơn, sóng lăn tăn nhẹ nhàng, trời ít mây và nắng dịu, báo hiệu biển đang ở thời điểm lý tưởng nhất để ra khơi. Ông Xuân nói thêm: "Nếu tháng Giêng, tháng Hai, sóng còn dữ và gió mùa còn gây trở ngại, thì sang tháng Ba, biển lặng hơn hẳn. Đó là lúc dân biển chúng tôi biết, mùa khai thác cá đã đến".
Những tri thức dân gian làng biển phần lớn dựa trên sự quan sát hiện tượng tự nhiên như gió, chớp, sóng, mây, trăng, sao, con nước... Ví như những câu ca dao “Chớp thừng, chớp chảo/ Không bão thì mưa”, “Nào ai chài lưới ngoài khơi/ Thấy mây đỏ ngọn thì bơi thuyền vào”… trở thành chỉ dẫn hữu ích cho người đi biển. Từ suy luận này, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn Hòe cho rằng câu thành ngữ “Tháng Ba, bà già đi biển” ngoài phản ánh đặc điểm thời tiết còn ẩn chứa ý nghĩa sâu xa về đời sống cư dân vùng biển.
Theo ông, thành ngữ này không chỉ phổ biến ở các làng chài miền Trung mà xuất hiện trong ngôn ngữ dân gian nhiều vùng biển khác. Nó phản ánh sự quan sát tỉ mỉ của người dân làng chài trước mỗi chuyến ra khơi. “Người dân miền biển sống nhờ biển, bám biển quanh năm, nhưng không phải mùa nào cũng ra khơi. Chính vì thế, câu thành ngữ này vừa diễn tả điều kiện tự nhiên, vừa mang ý nghĩa dân gian đầy hình tượng - đến cả bà già, tượng trưng cho những người yếu ớt nhất trong cộng đồng, cũng có thể ra biển đủ thấy đây là thời điểm an toàn và lý tưởng cho ngư dân”, ông Hòe phân tích.
Biển tháng Ba không chỉ yên ả, thuận lợi cho việc ra khơi mà còn đánh dấu thời điểm sinh sôi của nhiều loài cá, tôm. Dòng nước ấm mang theo những đàn cá vào gần bờ, tạo điều kiện cho ngư dân có chuyến đánh bắt bội thu. Ông Hòe cho rằng, sự trùng hợp này không phải ngẫu nhiên mà là kết quả hàng trăm năm quan sát và đúc kết kinh nghiệm của cư dân miền biển.
Theo ông, câu thành ngữ còn thể hiện tư duy lạc quan, yêu biển, yêu nghề của ngư dân. Bởi họ luôn tin rằng, lúc biển thuận hòa, ai cũng có thể ra khơi, cũng như khi thời cơ đến, ai cũng có thể nắm bắt cơ hội. Đó là triết lý sống dung dị nhưng sâu sắc, phản ánh sự gắn bó chặt chẽ giữa con người với thiên nhiên và biển cả.
Khi trò chuyện với chúng tôi, một câu hỏi được nhiều lão ngư đặt ra là, phải chăng thời điểm tổ chức lễ hội cầu ngư được cha ông định sẵn vào tháng Hai, Ba âm lịch cũng xuất phát từ quan niệm “Tháng Ba, bà già đi biển” này. Như để mong cầu một mùa màng bội thu, khi biển cả đã trở nên hiền hòa, sóng gió lặng dần và tôm cá đầy khơi. Và đây cũng là lúc ngư dân bày tỏ lòng tri ân với thần Nam Hải, mong thần linh phù hộ cho thuyền ghe an toàn, cá mực đầy khoang. Trong không gian thành kính và tôn nghiêm này, những cúng tế, rước sắc, hát bả trạo không chỉ là nghi thức cầu may mà còn là nét văn hóa truyền đời, thể hiện sự gắn kết bền chặt giữa con người và biển cả.
TIỂU YẾN