Đà Nẵng cuối tuần
Góp tiếng nói về biến đổi khí hậu
Sở hữu thành tích học tập xuất sắc và có kinh nghiệm kết nối, giao lưu nhiều nền văn hóa, Đặng Quỳnh Chi (22 tuổi), sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vinh dự là đại diện tiêu biểu của thành phố tham dự hội nghị sinh viên ASEAN - Nhật Bản (JENESYS). Thông qua hội nghị, Chi cùng các đại biểu là sinh viên trên cả nước góp tiếng nói về phát triển năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Sinh viên Đặng Quỳnh Chi (thứ hai, từ trái qua) đại diện tiêu biểu của thành phố cùng đoàn sinh viên Việt Nam tham dự hội nghị Sinh viên ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: NVCC |
Trở về Việt Nam sau gần 10 ngày tham dự hội nghị tại đất nước mặt trời mọc, Chi vẫn còn lâng lâng niềm vui bởi đó là ước mơ và niềm tự hào khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Để tham dự hội nghị, Chi phải trải qua hành trình khắt khe nhằm đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn như: làm bài luận, khả năng phản biện, trình độ ngoại ngữ, sức khỏe, chuẩn bị hồ sơ thật tốt và thể hiện rõ năng lực phù hợp. Đồng thời, cần có sự hiểu biết sâu sắc về Nhật Bản từ văn hóa, kinh tế, chính trị cũng như mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Điều này giúp Chi tham gia thảo luận hiệu quả, đóng góp ý tưởng thực tế và có giá trị.
Chi khẳng định, tham dự JENESYS là một trong những trải nghiệm đáng nhớ và ý nghĩa trong hành trình tuổi trẻ của mình, bởi Chi được gặp gỡ, giao lưu, trải nghiệm những bài học cùng bạn bè đến từ 11 quốc gia trên thế giới. Qua chuyến đi, Chi được đến thăm Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nơi các đại biểu tìm hiểu chính sách đối ngoại Nhật Bản, quan hệ hợp tác với ASEAN và những thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong việc thúc đẩy kết nối và hợp tác khu vực.
Hơn hết, Chi còn có cơ hội học thực tế tại Đại học Thương mại Chiba để tìm hiểu tình trạng sử dụng năng lượng ở các nước Đông Nam Á và những giải pháp tối ưu hóa nguồn dự trữ năng lượng của Nhật Bản. Khi lắng nghe và trò chuyện cùng GS, nhà khoa học Teshima Susumu về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, Chi nhận ra, thế hệ trẻ không chỉ là những người quan sát mà chính là những người tạo ra sự thay đổi. Chi cũng có vô vàn những trải nghiệm quý giá khi đến Trung tâm Bảo tồn Izunuma, Uchinuma tìm hiểu về các hoạt động bảo tồn môi trường và học về sự gắn kết giữa thiên nhiên, con người nhằm hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hội nghị JENESYS chia thành 3 nhóm theo 3 chủ đề thảo luận gồm: An ninh hàng hải và luật pháp quốc tế, năng lượng và biến đổi khí hậu, giáo dục và bảo tồn văn hóa. Nhóm Chi được giao thảo luận về năng lượng và biến đổi khí hậu, nêu thực trạng sử dụng năng lượng trong khu vực Đông Nam Á và đề xuất giải pháp từ góc độ sinh viên.
Trong bài phát biểu nhóm, Chi đảm nhận nội dung tập trung vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp và phát triển bền vững. Bởi hiện nay, khu vực Đông Nam Á đang thiếu hụt nguồn đầu tư cho năng lượng tái tạo, với mức đầu tư chỉ bằng 1/5 so với mục tiêu đề ra (theo báo cáo năm 2023). Để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp cần áp dụng mô hình ESG (Environmental, Social, Governance), một chiến lược không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững. Nội dung thảo luận này được các nhà khoa học, giáo sư chuyên ngành và đại biểu cùng tham gia hội nghị đánh giá cao về tính khả thi.
Trong tương lai, từ những lợi thế khi tham dự hội nghị, Chi sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc kinh doanh trong môi trường quốc tế, kết nối nhiều nền văn hóa khác nhau, thu hút các nhà đầu tư. Cùng với những kinh nghiệm trên, Chi hy vọng đó là nền tảng để vươn xa và hiểu rõ hơn những xu hướng phát triển kinh doanh bền vững trên thế giới, đặc biệt là thương mại và tài chính. Chi kỳ vọng tạo ra cộng đồng người trẻ lớn mạnh về lĩnh vực này để phát triển đất nước nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
HUỲNH VŨ