Đà Nẵng cuối tuần
Bảo tàng Điêu khắc Chăm, một thoáng nhìn lại...
Tháng 10-2017, trong lúc sao chép tư liệu tại phòng đọc của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Paris, tôi bắt gặp tấm thiệp mời dự lễ khánh thành Bảo tàng cổ vật Chăm (Musée des Antiquitiés Chames - tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày nay). Buổi lễ được tổ chức vào thứ Tư, ngày 11-3-1936. Đây là một trong số những văn bản viết hiếm hoi còn lưu giữ đến ngày nay, đánh dấu thời điểm chính thức khánh thành của bảo tàng sau nhiều nỗ lực của những người Pháp, tiêu biểu là Charles Lemire và Henri Parmentier…
![]() |
Mặt trước (bên trái) và mặt sau tấm thiệp mời dự lễ khánh thành Bảo tàng cổ vật Chăm. Ảnh: N.H.H.D |
Bài viết này sẽ đưa chúng ta ngược dòng thời gian, quay lại với những ngày đầu thành lập bảo tàng.
Từ khu vườn tượng của Charles Lemire…
Sự ra đời của Bảo tàng Điêu khắc Chăm bắt nguồn từ ý tưởng xây dựng một bảo tàng địa phương để trưng bày và bảo quản các tác phẩm điêu khắc đá Champa do Charles Lemire (1839-1912) khởi xướng. Năm 1862, Lemire bắt đầu làm việc tại Việt Nam cho chính quyền thực dân Pháp. Từ năm 1881 đến 1893, ông được bổ nhiệm làm công sứ tại các tỉnh miền Trung Việt Nam (Quy Nhơn, Vinh, Đồng Hới, Tourane và Faifo).
Trong thời gian sống và làm việc tại đây, ông bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc Champa, bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng các đền tháp bị hủy hoại và hoang phế do sự dửng dưng của con người và hậu quả của chiến tranh qua nhiều thế kỷ. Đồng thời ông tiến hành sưu tập các hiện vật điêu khắc đá bị bỏ mặc tại những di tích này. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, Lemire sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Á với dự định sẽ xây dựng một bảo tàng tư nhân tại thị trấn quê nhà Abbeville, miền tây bắc nước Pháp.
Năm 1891, Lemire vận chuyển 50 pho tượng trong bộ sưu tập của mình về công viên Tourane. Ngày ấy, nơi đây là một gò đất cao nằm cạnh sông Hàn, sát bên chùa An Long. Năm 1893, Lemire trình bản kiến nghị lên các quan chức thuộc địa, bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng một bảo tàng địa phương tại Tourane để có thể gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa được tốt hơn. Nhiều hiện vật được ông tiếp tục chuyển về công viên này trong những năm sau đó bên cạnh nhóm tượng từ đồn điền Phong Lệ được Camille Paris phát hiện và hiến tặng.
Công viên Tourane dần trở thành một khu vườn tượng dưới sự chỉ đạo sắp đặt của Lemire. Những bức ảnh đen trắng được lưu trữ tại EFEO phần nào giúp chúng ta hình dung được một khu vườn bao phủ bởi cây cối, những pho tượng được bài trí dọc hai bên lối đi, và sự hiện diện của Lemire trong khu vườn tượng với tư cách một nhà sưu tập và tổ chức trưng bày. Tuy nhiên Lemire qua đời vào năm 1912 khi ý tưởng xây dựng bảo tàng của ông vẫn còn nằm trên bản thảo.
![]() |
Bảo tàng Henri Parmentie những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu |
… đến Bảo tàng Henri Parmentier
Tiếp nối những nỗ lực ban đầu của Charles Lemire, Henri Parmentier (1871-1949) là người đã hiện thực hóa dự án xây dựng bảo tàng. Sau khi tốt nghiệp ngành vẽ kiến trúc tại trường Mỹ thuật Paris, Parmentier bắt đầu làm việc cho trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam vào năm 1900. Ông được giao nhiệm vụ khảo sát thống kê các di tích Chăm tại Trung kỳ và chủ trì các cuộc khai quật khảo cổ tại Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) và Thánh địa Mỹ Sơn từ năm 1902 đến 1904.
Parmentier ôm ấp ý tưởng xây dựng một bảo tàng địa phương nơi những tác phẩm nghệ thuật Champa sau khi thu thập về sẽ được trưng bày và bảo quản tốt hơn, thay vì gửi tất cả về Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet hay những nơi khác ở Pháp. Năm 1902, ông bắt đầu vẽ phác họa cho một “dự án về kho Chàm” để bảo quản bộ sưu tập mà Charles Lemire đã mang về trưng bày tại công viên Tourane. Sở Khảo cổ của trường Viễn Đông Bác Cổ cũng đã lập đề án xây dựng Bảo tàng Chàm tại Tourane, tuy nhiên chính quyền Annam không phê duyệt vì lý do kinh phí hạn hẹp.
Năm 1908, Parmentier một lần nữa kiên trì theo đuổi đề án này. Trong báo cáo gửi các nhà cầm quyền, ông đề cập tính khả thi của việc xây dựng kho lưu trữ có thể được sử dụng như một bảo tàng với mức kinh phí thấp, đồng thời chỉ ra tình trạng nguy kịch của các hiện vật điêu khắc không được bảo quản tại các đền tháp. Bên cạnh đó, ông thiết lập các nguyên tắc áp dụng cho chính sách sưu tập hiện vật của bảo tàng.
Trên cơ sở những nguyên tắc này, Parmentier lập một danh mục gồm 300 tác phẩm điêu khắc và 70 văn bia có thể vận chuyển về bảo tàng Chàm trong tương lai ở Tourane. Tuy nhiên, thêm một lần nữa đề án của ông vẫn không được chấp thuận. Đến năm 1913, Charles Gravelle, Giám đốc ngân hàng Đông Dương, sau chuyến viếng thăm công viên Tourane, ông viết thư cho ngài Claude Eugene Maitre, Giám đốc của EFEO bày tỏ quan ngại về thực trạng của khu vườn tượng và nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một bảo tàng. Và Toàn quyền Đông Dương đồng ý cấp kinh phí cho dự án xây dựng bảo tàng và Parmentier được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án vào năm 1914.
Tòa nhà bảo tàng là sự kết hợp đường nét của những ngôi đền-tháp Chăm cổ với một số chi tiết của kiến trúc Đông Dương, dựa trên các bản vẽ của hai kiến trúc sư Delaval và Auclair cùng những ý kiến đóng góp của Parmentier. Công việc xây dựng bắt đầu vào năm 1915 và kết thúc vào tháng 5-1916. Trong ba năm sau đó, Parmentier chỉ đạo việc trưng bày hiện vật cho bảo tàng. Tháng 4-1919, bảo tàng mở cửa đón du khách, và được biết đến với tên gọi “Musée Cam de Tourane”. Cùng năm đó, Parmentier giới thiệu cuốn Danh mục hiện vật đầu tiên của bảo tàng, với những mô tả chi tiết cho từng hiện vật và vị trí của chúng trong phòng trưng bày.
Năm 1927-1928, Jean Yves Clayes (1896-1979) chủ trì đợt khai quật với quy mô lớn tại Trà Kiệu. Năm 1934, ông tiếp tục khai quật di tích Tháp Mẫm (còn gọi là Tháp Mắm) tại Bình Định. Qua các đợt khai quật, số lượng hiện vật đưa về bảo tàng ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu mở rộng diện tích, tái trưng bày lại bảo tàng. Sau lần trưng bày đầu tiên vào năm 1919, toàn bộ hiện vật với nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau được bố trí trong cùng một tòa nhà hình chữ nhật. Trong lần mở rộng năm 1935, không gian trưng bày của bảo tàng được chia thành các phòng: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum và Bình Định trên diện tích 1.000m2.
Ngày 11-3-1936, bảo tàng được chính thức khánh thành với tên gọi “Musée Henri Parmentier” để ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc kiến lập một bảo tàng nghệ thuật - khảo cổ Champa, đánh dấu chặng đường 43 năm kể từ bản kiến nghị đầu tiên của Charles Lemire vào năm 1893. Buỗi lễ khánh thành tổ chức long trọng với sự hiện diện của vua Bảo Đại, toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin, các quan chức thuộc địa và học giả của EFEO.
Nhìn trên bản đồ địa chính Tourane ngày ấy, tòa nhà bảo tàng tọa lạc giữa hai con đường Rue du Quang Nam và Rue de l’Abattoir (tương ứng với đường Trưng Nữ Vương và 2 Tháng 9 ngày nay), tạo thành một hệ góc hình tam giác khi nhìn từ trên cao xuống. Đây cũng là điểm cuối của Avenue du Musée (đường Trần Phú). Một cột chỉ đường đến Musée de Henri Parmentier, Antiques Chames được bố trí tại góc đường quai Courbet và Rue Rigault de Genouilly, nay là đường Bạch Đằng và đường vào dẫn vào thành Điện Hải.
…và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Cuộc sống luôn vận động, chuyển mình như một dòng sông không ngừng chảy. Bảo tàng sẽ còn nhiều đổi mới, nhưng không gian nơi đây vẫn luôn vương vấn bóng dáng của những người tiên phong sáng lập nên một bảo tàng dành cho di sản nghệ thuật Champa. Và du khách gần xa vẫn ghé thăm bảo tàng mỗi ngày để chiêm ngưỡng bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc đá độc đáo, minh chứng cho đỉnh cao của loại hình nghệ thuật Ấn giáo - Phật giáo, và thời kỳ vàng son của vương quốc Champa trên dải đất miền Trung Việt Nam. |
Sau năm 1936, tòa nhà bảo tàng cùng bộ sưu tập trưng bày bên trong bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo lịch sử các cuộc chiến tranh. Trải qua vô vàn biến động trong khoảng thời gian này, Bảo tàng Henri Parmentier cũng thay đổi tên gọi và nằm dưới sự quản lý của nhiều đơn vị hành chính khác nhau. Từ năm 1963, bảo tàng được quản lý bởi Viện Khảo cổ Sài Gòn thuộc chính quyền miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, bảo tàng là một bộ phận của Bảo tàng tổng hợp Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 2-7-2007, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định thành lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tách bảo tàng thành một đơn vị độc lập từ Bảo tàng Đà Nẵng trước đây. Qua bao năm tháng, người dân thành phố Đà Nẵng vẫn gọi bảo tàng bằng cái tên gần gũi, giản dị “Viện Cổ Chàm” và viên chức người lao động thì gọi nơi họ gắn bó, làm việc là “Bảo tàng Chăm”.
Sau các lần cải tạo nâng cấp từ năm 2004 đến 2017, không gian trưng bày của bảo tàng đã thay đổi, mở rộng, hiện đại hơn nhiều so với ngày khánh thành năm 1936. Trên diện tích mặt sàn bên trong gần 3.000m2, khoảng 400 hiện vật điêu khắc đá được trưng bày dựa trên địa điểm khai quật và niên đại, rải đều từ thế kỷ V đến thế kỷ XV. Những hàng cây lối đi trong khu vườn Tourane ngày trước đã được thay bằng những gốc hoa sứ, một loài hoa mang tính biểu tượng của Champa.
Cuộc sống luôn vận động, chuyển mình như một dòng sông không ngừng chảy. Bảo tàng sẽ còn nhiều đổi mới, nhưng không gian nơi đây vẫn luôn vương vấn bóng dáng của những người tiên phong sáng lập nên một bảo tàng dành cho di sản nghệ thuật Champa. Và du khách gần xa vẫn ghé thăm bảo tàng mỗi ngày để chiêm ngưỡng bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc đá độc đáo, minh chứng cho đỉnh cao của loại hình nghệ thuật Ấn giáo - Phật giáo, và thời kỳ vàng son của vương quốc Champa trên dải đất miền Trung Việt Nam.
TS. NGUYỄN HOÀNG HƯƠNG DUYÊN