Đà Nẵng cuối tuần
Thuốc lào có xuất xứ từ… nước Lào?
* Thuốc lào có phải xuất xứ từ nước Lào? Có mấy loại điếu cày hút thuốc lào? (Nguyễn Văn Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
![]() |
Công nhân làng nghề đá chẻ thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) thư giãn bằng thuốc lào. Ảnh: V.T.L |
- Thuốc lào là một thứ lá cây, tên chữ gọi là “tương tư thảo”, nghĩa là cỏ nhớ thương, cỏ tương tư. Vì thế, mới có câu “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên!". Loại cây này xuất hiện nhiều ở các vùng Hải Dương, Nam Định. Người ta hái lá, phơi chỗ râm cho khô, rồi thái nhỏ, đóng thành bánh bán cho người tiêu thụ.
Trong sách Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: “Loại thảo mộc này (cây thuốc lá) lúc đầu không có ở nước ta. Từ năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 đời vua Lê Thần Tông, nhằm niên hiệu Thuận Trị thứ 16 đời vua Thanh Thế Tổ (Trung Quốc), người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan chức, thường dân và phụ nữ đều thích hút nó, và có một câu nói: "Tôi có thể nhịn ăn ba ngày, nhưng tôi không thể nhịn hút thuốc trong một khoảnh khắc".
Tuy nhiên, tồn tại khả năng thuốc lào đã xuất hiện ở nước ta sớm hơn khoảng thời gian này (năm 1660, thời kỳ Lê Trung Hưng), bởi một số bài vịnh về “Cái điếu” và “Cái xe điếu” thuốc lào được cho là của vua Lê Thánh Tông (1442-1497). Bài “Cái xe điếu” mô tả: "Vốn ở lâu đài đã bấy nay/ Khi lên dễ khiến thế gian say".
Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương). Sở dĩ nó có tên gọi như vậy bởi vì người nghiện thuốc lào mà 2, 3 ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu trong đầu luôn luôn nghĩ đến việc được rít một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách, hút thuốc lào còn được gọi là ăn thuốc lào.
Hút thuốc lào sử dụng dụng cụ gọi là điếu, có 3 loại điếu chính. Điếu cày: thân điếu hình ống (bằng tre, nứa, kim loại nhẹ). Điếu bát: gồm có bát điếu (bằng gốm, sứ) là nơi chứa nước, nõ điếu lắp ở phía trên. Điếu ống chạm bạc còn gọi là điếu dóng: tương tự điếu cày nhưng ngắn và to hơn, làm bằng gỗ quý, xương ống của động vật hoặc bằng ngà...
Báo điện tử Xây dựng (baoxaydung.com.vn) của Bộ Xây dựng có bài Phố Hàng Điếu - một thời “chồng hút, vợ say” nói về con phố một thời gắn với những sản phẩm điếu cày, điếu bát… chuyên phục vụ cho các “đệ tử” nghiện thuốc lào. Phố Hàng Điếu dài 280m, nằm trong khu phố cổ Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, kéo dài từ đầu phố Hàng Gà tới phố Đường Thành. Dân phố xưa chuyên làm và bán các loại điếu cày, điếu bát, điếu ống bịt bạc hoặc vàng… Thời chưa có thuốc lá, các loại điếu trên phố là một phần không thể thiếu của nhiều người, đặc biệt với nam giới các nhà giàu có.
Thời xưa, ngoài “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Nếu những cuộc trà dư tửu hậu đã “sản xuất” ra các câu ca, câu vè dân gian về rượu và trà thì thuốc lào cũng vậy, nhiều câu ca, câu vè truyền miệng phát sinh từ sau những cái rít sảng khoái của loại thuốc lá “không thể nhịn hút thuốc trong một khoảnh khắc”. “Thuốc lào chồng hút, vợ say/ Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà/ Có cô hàng xóm đi qua/ Hít phải hơi thuốc, say ba bốn ngày”. Hoặc: “Một thằng hút, bốn thằng say/ Hai thằng châm điếu ngã lăn quay/ Bà già vác củi loay hoay/ Rít phải hơi thuốc lăn ngay xuống đồi/ Ngọc Hoàng thấy vậy, phán “Hay!”/ Vén mây nhìn xuống, cũng say thuốc lào”.
ĐNCT