Đà Nẵng cuối tuần
Âm nhạc Đà Nẵng không chỉ có tình ca!
Lẽ thường với một dân tộc yêu ca hát như Việt Nam ta, nhiều bài hát ngợi ca tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu quê hương, đất nước đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Đà Nẵng cũng vậy, sẽ rất nhiều người dân thành phố yêu những khúc tình ca dành riêng cho nơi đây. Nhưng bức tranh âm nhạc của thành phố không chỉ gói gọn trong một thể loại ca khúc. Bài viết này người viết chia sẻ về những góc khác của âm nhạc.
![]() |
NSƯT Trương Tuấn Hải trong một buổi giới thiệu Bài chòi đến khán giả. Ảnh: N.Q.L |
Nhạc dân tộc và người mới
Nhớ lại chừng hơn chục năm trước, khi người viết còn đang công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc, thực hiện chuyến điền dã tìm hiểu di sản âm nhạc dân gian xứ Quảng chuẩn bị cho một dự án của cơ quan. Lúc ấy người viết đã tập trung nhiều vào nghệ thuật dân gian Bài chòi, một loại hình khá độc đáo khi kết hợp khéo léo giữa trò chơi dân gian với âm nhạc đặc trưng của vùng đất Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Địa bàn chủ yếu là một vài vùng thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam và tập trung nhiều vào khu vực thành phố Hội An.
Sở dĩ tập trung vào Hội An là bởi, nghệ thuật Bài chòi dân gian truyền thống của khu vực này đã được khai thác góp phần phát triển du lịch. So với những nơi khác, như Bình Định chẳng hạn, thì Bài chòi ở Hội An được tối giản và cách chơi rất dễ dàng, địa điểm chơi thì ngay trong không gian phố cổ, vì thế vừa dễ tiếp cận với du khách lại, vừa giúp người lần đầu tiếp cận Bài chòi vẫn có thể chơi một cách vui vẻ. Và lúc đấy, người viết nhận thấy hình như Đà Nẵng chưa có sân chơi thú vị như thế.
Tới năm 2020 khi chọn đón năm mới tại Đà Nẵng, trong buổi tối rảo bước bên bờ sông Hàn, nơi đang tưng bừng các hoạt động vui chơi giải trí của thời hiện đại, thì một không gian tái hiện hội chơi Bài chòi hiện ra trước mắt. Dàn nhạc, anh hiệu (người hô Bài chòi), rồi các chòi… đủ cả. Người thì đang mải miết chơi đàn, người đang thực hiện các câu hô thai (những câu hát có nội dung gắn liền với con bài), khách chơi ở trong vị trí của các chòi đủ các lứa tuổi. Tất cả khiến người viết thấy bất ngờ.
Bất ngờ hơn, bữa đó người viết gặp người quen, từng là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tại thành phố Huế: NSƯT Trương Tuấn Hải. Nghệ sĩ hiện diện ở đây, trong một không gian ngoài trời dân dã, gần gũi với tư cách là một nhạc công trong dàn nhạc. Hỏi mới biết nghệ sĩ đã cùng gia đình chuyển hẳn vào Đà Nẵng quê cha để sinh sống ngay từ sau khi nghỉ hưu. Tôi băn khoăn, anh đang ở cương vị lãnh đạo, lại với một nghệ thuật cung đình mang tính hàn lâm, đã trở thành di sản thế giới nên thường được biểu diễn trong những đại lễ, những chương trình lớn, giờ gắn bó với một nghệ thuật dân dã, lại ngay không gian đi bộ thế này anh thấy thế nào? Anh Hải gạt ngay: “Mình là nghệ sĩ mà, ở đâu bà con yêu quý là mình thấy hạnh phúc”.
Dẫu thế trong cảm nghĩ của người viết, đâu đó trong sâu thẳm, âm nhạc Đà Nẵng dù đầy đủ nhưng vẫn chưa thực sự đủ đầy. Đà Nẵng cần phát huy hết nguồn lực sẵn có, tiếp tục thu hút người mới có tài muốn chung sức dựng xây thành phố để lấp đầy khoảng trống, giúp thành phố có sức bật mạnh mẽ trong nghệ thuật âm nhạc. |
Ở một câu chuyện khác, trong các nghệ sĩ Hà Nội mà tôi thường xuyên gắn bó, mời hợp tác trong các buổi thực hiện âm nhạc diễn giải, có nghệ sĩ đàn bầu Phương Thanh. Thanh học đàn bầu từ nhỏ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sau đó chị tham gia giảng dạy và đi biểu diễn. Cũng đã từng mang cây đàn bầu đi nhiều nơi trên thế giới để bạn bè năm châu biết đến nhạc cụ độc đáo với âm thanh trác tuyệt của một dân tộc yêu hòa bình. Mọi việc đang êm đềm thì Phương Thanh tuyên bố rời Hà Nội vào Đà Nẵng sinh sống. Thanh không làm việc gì mới mà vẫn gắn bó với cây đàn, với nhạc dân tộc.
Mới đây trên trang cá nhân, thấy Phương Thanh đăng ảnh và những thông tin đi học, rồi nhận đươc bằng chứng nhận đã hoàn thành lớp học Nhạc cụ dân tộc đệm hát Bài chòi thành phố Đà Nẵng năm 2024. Thấy ngạc nhiên bởi cô đã là một tay đàn cứng, có kinh nghiệm cả biểu diễn và giảng dạy sao lại đi học nghệ nhân?
Nữ nghệ sĩ cho biết, cô muốn có cơ hội được học thêm về bộ mộn nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc, không thầy nào bằng chính các nghệ nhân của nghệ thuật đó, cho nên “khi biết Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Thành phố tổ chức lớp học miễn phí do các nghệ nhân Bài chòi đến từ Quảng Nam dạy, em đã chủ động đăng ký”.
Thanh bảo: “Quá trình học mới biết thêm nhiều điều về Bài chòi “đặc sản” Quảng Nam - Đà Nẵng” và cô chia sẻ thêm: “Không gian âm nhạc truyền thống dân tộc của Đà Nẵng rất đa dạng, có nhiều cơ hội để nghệ sĩ hoạt động. Thành phố ngày càng chú trọng âm nhạc truyền thống, trong khi cơ hội để được làm nghề ở nơi đây cũng giúp giữ chân các nghệ sĩ”.
Bên cạnh Bài chòi, Đà Nẵng còn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo, nổi danh nhất phải kể tới đó là Tuồng. Từ nhiều năm nay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cùng các nghệ sĩ tâm huyết ở thành phố luôn có những hoạt động đưa nghệ thuật Tuồng tiếp cận công chúng và du khách.
Về nghiên cứu và khí nhạc
Trong tư cách một người hoạt động âm nhạc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình, khi nhắc tới Đà Nẵng, người viết sẽ không thể bỏ qua ít nhất hai cái tên đáng kính, đó là nhạc sĩ Trương Đình Quang và Trần Hồng.
Trong đó, nhạc sĩ Trương Đình Quang (1930-2021) không chỉ là bậc tiền bối đã từng công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc nhiều thập niên trước khi tôi gắn bó với nơi đây, mà ông còn là một tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận âm nhạc. Đúng năm 1956 khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) được thành lập, Trương Đình Quang theo học lớp sáng tác khóa 1 (1956 - 1959). Chung lớp với ông, có nhiều tên tuổi lớn tạo nên diện mạo nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như lĩnh vực sáng tác có các nhạc sĩ: Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Hồ Bông, Nguyễn Thành, Huy Thục, Hồng Đăng, Vĩnh Cát… Trong khi, lĩnh vực nghiên cứu có những tên tuổi như: Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao (dân ca quan họ và âm nhạc miền núi phía Bắc) và Trương Đình Quang.
Xin được nói thêm, ở thời điểm đó chưa có chuyên ngành lý luận, tất cả đều học chung chuyên ngành sáng tác. Những công trình nghiên cứu, sưu tầm, điền dã đã công bố của Trương Đình Quang được biết đến là: "Tìm hiểu giao hưởng và dàn nhạc giao hưởng” (1962), “Dân ca miền Nam Trung Bộ” (viết chung nhà thơ Xuân Diệu và nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ năm 1962); “Thuật ngữ âm nhạc đối chiếu”, “Lịch sử kịch hát bài chòi”, “Thầy hát bộ Quảng Nam” (viết chung Hoàng Châu Ký); “Hát Bả trạo, hò đưa linh” (viết chung Trương Duy Hy); “Men rượu hồng đào” (dân ca Quảng Nam)…
Cùng sinh năm 1930, cùng được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 với nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Trương Đình Quang là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hồng. Trần Hồng dành nhiều thời gian nghiên cứu về nghệ thuật âm nhạc dân gian miền Trung. Ông có nhiều công trình biên soạn, sưu tầm có giá trị thực tiễn như: "Dân ca đất Quảng" (1997), "Nhạc Tuồng" (1997), "Hát sắc bùa" (2001), "Những điệu hò xứ Quảng", "Hát đồng dao", "Âm nhạc kịch dân ca", "Nhạc đàn kịch dân ca" và "Hát bả trạo"...
Khá đặc biệt, các công trình trên đều được nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hồng thực hiện khi đã nghỉ hưu. Trước đó, cả sự nghiệp hoạt động âm nhạc của ông gắn bó với cương vị nhà quản lý đoàn nghệ thuật, nhạc sĩ sáng tác và chỉ huy dàn nhạc. Ông sáng tác nhiều thể loại, nhất là phần âm nhạc cho tác phẩm sân khấu Tuồng, Cải lương, Bài chòi...
Cùng với nghiên cứu, sáng tác khí nhạc (nhạc giao hưởng thính phòng) là một mảng rất quan trọng trong âm nhạc, thể hiện vị trí, tính hàn lâm và chứa đựng những yếu tố về mặt bằng tri thức nghệ thuật đối với một địa phương và rộng hơn là một đất nước. Tuy Đà Nẵng chưa phải mảnh đất “màu mỡ” của khí nhạc, nhưng nơi đây cũng đã có những tác giả sáng tác khí nhạc, là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, như nhạc sĩ Thái Nghĩa (1958-2015).
Thái Nghĩa sáng tác nhiều thể loại khác nhau như ca khúc, ca khúc thiếu nhi và khí nhạc. Trong đó, một số tác phẩm nhạc khí nhạc tiêu biểu của nhạc sĩ như: Biến tấu cho đàn violon và piano mang tên Giai điệu quê hương, P’relude Nhớ quê viết cho đàn Piano, Rhapsodie Một miền quê...
Một tác giả khí nhạc khác của Đà Nẵng là Trần Ái Nghĩa (sinh năm 1954), từng tốt nghiệp hệ đại học chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc Huế. Trước năm 1975 ông là sinh viên Đại học Văn khoa Huế, có tham gia phong trào ca hát học sinh - sinh viên, đặc biệt là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại Huế. Sau năm 1975 ông công tác tại Đoàn văn công Quảng Đà và nhiều cương vị khác tại Đà Nẵng.
Trần Ái Nghĩa là tác giả của tác phẩm giao hưởng thơ Chuyện tình chim Hải Âu từng được Dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam phối hợp thu thanh. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm thính phòng như: 5 Biến tấu cho đàn Piano trên chủ đề Lý thương nhau (Dân ca Quảng Nam), Fugue Hồi tưởng và một số bản Prélude…
![]() |
Hình ảnh lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc đệm hát Bài chòi Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: N.Q.L |
Đầy đủ mà chưa đủ đầy
Bên cạnh mảng ca khúc viết về Đà Nẵng, cả tác phẩm và lực lượng sáng tác chiếm vị trí áp đảo, thành phố còn có thêm các lực lượng khác như sáng tác khí nhạc, nghiên cứu, lý luận, nghệ sĩ đàn dân tộc, nghệ thuật truyền thống dân tộc (các nghệ thuật và lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ).
Như vậy là đầy đủ cho một bức tranh âm nhạc chung của thành phố sinh động và đa dạng, xứng tầm một thành phố lớn của đất nước. Trong bức tranh tổng thể đó có sự đóng góp của không ít những nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu tài ba thuộc nhiều thế hệ, mà không phải địa phương nào cũng có được.
Dẫu thế trong cảm nghĩ của người viết, đâu đó trong sâu thẳm, âm nhạc Đà Nẵng dù đầy đủ nhưng vẫn chưa thực sự đủ đầy. Đà Nẵng cần phát huy hết nguồn lực sẵn có, tiếp tục thu hút người mới có tài muốn chung sức dựng xây thành phố để lấp đầy khoảng trống, giúp thành phố có sức bật mạnh mẽ trong nghệ thuật âm nhạc.
Khoảng trống mà các bậc tiền bối trong nghiên cứu và sáng tác đã tạo dựng dường như đã đến lúc cần có sự tiếp nối xứng tầm; cần chú trọng đến khí nhạc, tạo cơ hội cho các tác phẩm âm nhạc không lời thuộc thể loại giao hưởng thính phòng được vang lên; cần thêm những tác phẩm âm nhạc mang tính thời đại; ngay cả mảng sáng tác ca khúc hiện tại vẫn còn cần bổ sung những ca khúc đủ sức “định danh” về thành phố trong lòng bạn yêu nhạc cả nước.
Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG