.

Đà Nẵng cuối tuần

Tranh biện học thuật: Chìa khóa rèn luyện tư duy và hội nhập toàn cầu

15:54, 08/03/2025 (GMT+7)

Trong một thế giới biến đổi không ngừng, khả năng phân tích vấn đề, trình bày quan điểm mạch lạc và phản biện thuyết phục ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi của thành công. Chính vì vậy, nhiều trường học đã đưa tranh biện vào chương trình giảng dạy, không chỉ như một hoạt động ngoại khóa mà còn như một công cụ thiết yếu giúp học sinh phát triển toàn diện.

Các thí sinh tham gia cuộc thi The debate challenge 2022 tại Swinburne Việt Nam. Ảnh: NVCC
Các thí sinh tham gia cuộc thi The debate challenge 2022 tại Swinburne Việt Nam. Ảnh: NVCC

Nâng cao năng lực học thuật

Ở các nước phát triển, tranh biện đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, giúp học sinh, sinh viên rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Quá trình tranh biện không chỉ mở rộng nhận thức về các vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội mà còn nâng cao trách nhiệm cộng đồng. Không đơn thuần là một hoạt động rèn luyện lý luận sắc bén, tranh biện mà còn trang bị cho người trẻ nền tảng vững chắc để thích nghi và hội nhập trong môi trường học tập, làm việc toàn cầu.

Muốn tranh biện hiệu quả, người tham gia cần nghiên cứu sâu về chủ đề, đặt câu hỏi để khai thác vấn đề đa chiều và sử dụng dẫn chứng thực tế nhằm củng cố lập luận. Những lập luận thiếu cơ sở dễ dàng bị phản bác, làm giảm tính thuyết phục. Bên cạnh việc xây dựng luận điểm chặt chẽ, người tranh biện cũng cần phân tích điểm yếu trong lập luận đối phương để phản biện sắc sảo. Đây là cuộc đấu trí dựa trên lý lẽ và logic, không phải sự áp đặt hay tranh cãi cảm tính.

Dù ngày càng phổ biến trong các hoạt động ngoại khóa và cuộc thi học thuật, tranh biện vẫn chưa được tích hợp rộng rãi vào chương trình giáo dục chính khóa tại Việt Nam. ThS. Vũ Ngọc Cường, Giảng viên Trung tâm Giáo dục Công dân Toàn cầu Swinburne Việt Nam, nhận định rằng tranh biện là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực học thuật và phát triển nghề nghiệp.

Nhiều học sinh, sinh viên tham gia câu lạc bộ tranh biện để rèn luyện kỹ năng, học hỏi từ người có kinh nghiệm và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp. Các giải đấu tranh biện như World Schools Debating Championship (WSDC), Asian Parliamentary (AP), British Parliamentary (BP) hay Global Citizen Debate Challenge (GCDC) cũng trở thành sân chơi giúp mở rộng tư duy toàn cầu. Một số trường đại học đã đưa tranh biện vào giảng dạy chính thức. Chẳng hạn, chương trình Công dân Toàn cầu (GCED) tại Swinburne Việt Nam sử dụng tranh biện như công cụ đào tạo, giúp sinh viên phát triển khả năng lập luận và tư duy phản biện ngay từ năm nhất.

Sân chơi tranh biện quốc tế cho học sinh THPT

Với chất lượng đào tạo đứng trong TOP 1% toàn cầu, Swinburne Việt Nam không chỉ mong muốn nâng cao năng lực học thuật mà còn truyền đạt các kỹ năng quốc tế cho các công dân toàn cầu của thế kỷ 21. Nhằm thúc đẩy phong trào tranh biện, Swinburne Việt Nam tổ chức cuộc thi Global Citizen Debate Challenge (GCDC). Đây không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là hành trình học tập thực tiễn, giúp học sinh phát triển kỹ năng toàn diện.

Thứ nhất, cuộc thi diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, tạo môi trường lý tưởng để học sinh trau dồi kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp và lập luận trong bối cảnh quốc tế. Thứ hai, các đội tham gia cần áp dụng kỹ năng tranh biện học thuật, tập trung vào việc sử dụng bằng chứng thực tế để chứng minh lập luận của mình.

Đề thi được công bố trước ít nhất một tuần, giúp thí sinh có thời gian nghiên cứu sâu về chủ đề, tìm kiếm và thảo luận các luận điểm, từ đó phát triển tư duy phân tích, sáng tạo và nâng cao khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Thứ ba, các chủ đề tranh biện xoay quanh các vấn đề xã hội, kinh tế, công nghệ và văn hóa. Đây đều là những vấn đề thực tiễn, giúp học sinh rèn luyện tư duy của một công dân toàn cầu, sẵn sàng đối diện với những thách thức và cơ hội trong thế kỷ XXI.

Điểm đặc biệt của tranh biện là thái độ cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận quan điểm đối lập. Cuộc thi không chỉ là nơi tranh luận mà còn là diễn đàn học hỏi, nơi mỗi thí sinh đều có thể thu thập những góc nhìn mới mẻ. Ngoài cơ hội phát triển kỹ năng, cuộc thi GCDC còn mang đến giải thưởng giá trị, với giải nhất lên đến 20 triệu đồng. Đặc biệt, thí sinh có cơ hội giành học bổng Swinburne Việt Nam, mở ra cánh cửa học tập và phát triển trong môi trường quốc tế.

Tranh biện học thuật không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là hành trang quan trọng cho tương lai. Việc đưa tranh biện vào giáo dục chính khóa sẽ giúp học sinh, sinh viên không chỉ phát triển tư duy phản biện mà còn sẵn sàng hội nhập thế giới. Với những sân chơi như GCDC, thế hệ trẻ Việt Nam có thêm cơ hội rèn luyện bản thân, mở rộng tri thức và khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế.

HẠNH LÂM

.