Những cái nhất ở Đà Nẵng
"Nghĩa thục An Phước"
Khi Phong trào Duy Tân phát triển mạnh mẽ, khắp nơi từ các tỉnh miền Trung ra đến Hà Nội đều lập trường nghĩa thục. Ở Quảng Nam, theo số liệu của cụ Phan Châu Trinh (trong Trung Kỳ dân biến thỉ mạc kỷ, 1911), có hơn 40 trường lớn nhỏ, trong đó có “Nghĩa thục An Phước”.
Trường An Phước xưa... |
Các trường của Phong trào Duy Tân ngày đó đều là nghĩa thục, dạy học vì việc nghĩa, không thu học phí, vừa dạy chữ vừa dạy lòng tự hào dân tộc, yêu nước, căm thù giặc. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Đông Kinh Nghĩa thục là có dùng từ “nghĩa thục”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trong lời tựa cuốn Trường Tiểu học An Phước 95 năm truyền thống (NXB Giáo dục – 2003) đã nhấn mạnh: “Riêng ở Quảng Nam, có thể coi là cái lò bễ thổi tư tưởng duy tân từ ngoài vào trong nước với những chiến sĩ tiên phong như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp,… thì tiếp sau nghĩa thục là cả một cuộc vùng dậy “dân biến” làm điên đảo chế độ thực dân phong kiến. “Nghĩa thục An Phước” ra đời trong cái lò luyện dân khí ấy”.
Trường An Phước nguyên là một lớp học chữ Nho cho con em làng Cẩm Toại, do ông tú Lâm Hữu Mẫn nguyên Bang tá Tỉnh ủy của Nghĩa hội Quảng Nam, mở từ năm 1888, sau khi Nghĩa hội tan rã. Lớp mở tại nhà cha ông Lâm Nhĩ ở xóm Gò Lòi, thôn Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc - nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
16 năm sau, hưởng ứng Phong trào Duy Tân, ông tú Lâm Hữu Mẫn giao trường lại cho trưởng nam là tú tài Lâm Quang Tự (thường được gọi là ông Nghè Lâm) rồi dẫn một số tráng đinh trong làng lên khai khẩn đất hoang ở vùng Đồng Xanh - Đồng Nghệ, nay thuộc xã Hòa Khương.
...và nay. |
Ông Nghè Lâm đỗ hai khoa Tú tài Nho học, được phong Hàn lâm viện kiêm bộ, làm Thừa phái ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Khi được giao nhiệm vụ coi ngó ngôi trường của cha mình, ông làm một cuộc cách tân giáo dục theo phong trào Duy Tân: chuyển từ dạy chữ Nho sang dạy chữ Quốc ngữ, bãi bỏ lối học từ chương, đưa dần vào chương trình giảng dạy các môn học như sử ký, địa dư, cách trí, toán, thủ công… và ngay cả võ nghệ.
Năm 1908, sau khi nổ ra phong trào “kháng sưu, chống thuế” ở Đại Lộc rồi lan rộng ra vùng đất phía tây Hòa Vang, trường được dời từ xóm Gò Lòi ra xóm Đình bên tỉnh lộ 102 (quốc lộ 14B ngày nay). Thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp Phong trào Duy Tân, lùng bắt các sĩ phu tham gia phong trào, tiêu diệt các cơ sở có liên quan, nhiều trường tân học bị phá hủy hoặc phải tự đóng cửa. Trường Cẩm Toại may mắn vượt qua đợt khủng bố của thực dân nhờ tài ứng xử khôn khéo của ông Ấm Sáu, con trai cụ Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh người làng La Châu, nay thuộc xã Hòa Khương.
Thầy giáo đầu tiên ở trường Cẩm Toại mới này vẫn là Nghè Lâm, ông đi dạy nhưng không hưởng lương, ngày hai buổi về ăn cơm nhà. Về sau, hương lý các làng, đi đầu là làng Cẩm Toại, cho trích công điền lập học điền, cử người canh tác thu hoa lợi trợ cấp cho thầy. Lúc đầu chưa đến 20 học sinh ngồi chung một lớp, dần dà học sinh theo học ngày một đông, trường phải mời thêm thầy và mở thêm lớp.
Khắp tổng An Phước chưa có một trường học nào nên trường Cẩm Toại được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong vùng. Một ngôi trường dân lập, nối tiếp bước đi dang dở của các nghĩa thục đương thời bằng tâm huyết của những người thầy. Tuy trường dạy không thu tiền, nhưng cứ đến lễ lạt như Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán... phụ huynh luôn mang lễ (chủ yếu là các sản vật địa phương) đến tạ ơn thầy, ngay cả các dịp giỗ chạp, cưới xin cũng không quên trân trọng mời quý thầy, cô đến dự.
Trường ngày một phát triển.
Tổng An Phước làm tờ trình lên Tri huyện Đại Lộc và Đốc học Quảng Nam xin công nhận trường là trường công. Mãi đến năm 1924, Thanh tra Học chánh mới về xem xét và hai năm sau mới công nhận là trường công lập mang tên École Cantonale d’An Phuoc – Trường tổng An Phước. Đến năm 1932 đổi tên thành Ecole Elémentaire d’An Phuoc - Trường sơ học An Phước. Năm 1939 đổi thành Ecole Primaire Complémentaire d’An Phuoc – Trường Tiểu học An Phước.
Khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám, trong lớp lớp những người khắp 16 xã tập trung về sân vận động tổng An Phước ngày 16-8-1945 để chuẩn bị lên đường cướp chính quyền, có không ít học sinh Trường An Phước. Họ đã được các thầy, cô ở trường dạy về đạo đức làm người, về tinh thần quật cường của dân tộc bằng cách cố ý nhấn mạnh truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta qua những giờ học sử. Cách mạng thành công, trường được mang tên thuần Việt là “Trường Tiểu học An Phước” mãi cho đến ngày nay.
Hơn một thế kỷ đi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sau khi Ðông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội bị thực dân Pháp đóng cửa, tất cả các nghĩa thục khác của phong trào Duy Tân, vì nhiều lý do, đã không còn tồn tại. Chỉ riêng Nghĩa thục An Phước là còn cho đến ngày nay và tiếp tục phát triển. Học sinh An Phước nhiều người đã đạt được những học vị, học hàm cao về khoa học và giáo dục. Trường đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ từ sơ cấp đến trung, cao cấp, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú... Thầy và trò nhà trường đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Nhắc đến ngôi trường tiểu học dân lập đầu tiên của đất Đà Nẵng, người dân nơi đây luôn tự hào với câu ca xưa: “Quê mình có chợ Túy Loan/ Có trường An Phước tiếng vang một thời”.
LÊ GIA LỘC