Những cái nhất ở Đà Nẵng

Những cái nhất ở Đà Nẵng

Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh

07:29, 17/01/2015 (GMT+7)

Dưới Triều Nguyễn, từ khoa thi Hội đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ ba (Nhâm Ngọ - 1822) cho đến kỳ đại khoa cuối cùng vào năm Khải Định thứ tư (Kỷ Mùi - 1919), có tất cả 39 người Quảng Nam đỗ đại khoa, gồm 15 Tiến sĩ và 24 Phó bảng. Trong đó, Đỗ Thúc Tịnh (1818 – 1862) là Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của huyện Hòa Vang, nay thuộc thành phố Đà Nẵng.

Lăng mộ TS Đỗ Thúc Tịnh.
Lăng mộ TS Đỗ Thúc Tịnh.

Đỗ Thúc Tịnh (tên ông chữ Hán viết là 靚, cũng đọc là Tĩnh), tự Cấn Trai, húy Như Chương, quê làng La Châu, huyện Hòa Vang; nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, ông thờ anh và mẹ rất hiếu đễ. Ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, từng trực tiếp đứng ra vận động người trong làng xây dựng Văn miếu La Châu thờ Khổng Tử, lưu dấu ấn văn hóa trên vùng đất phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng.

Đỗ cử nhân năm 28 tuổi, hai năm sau đỗ tiến sĩ, ông được sơ bổ chức Tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhậm chức được mấy tháng, thì thân mẫu qua đời, ông xin về cư tang ba năm. Đến năm 1853, ông được tái bổ chức Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Phủ Diên Khánh là một vùng đất nghèo, nhiều nơi còn bỏ hoang. Ông cho chiêu mộ người khắp nơi về khai khẩn đất hoang, lập thành các vùng đất canh tác. Mặt khác, ông khuyên răn những người không nghề nghiệp, những kẻ trộm cướp, tạo công ăn việc làm để giúp họ trở nên người lương thiện. Dân chúng khắp nơi được hưởng ân đức ông, gọi ông là “Đỗ phụ”, nghĩa là người cha họ Đỗ.

Một năm sau, ông được triệu về kinh đô Huế làm Giám sát Ngự sử để can ngăn vua trong việc trị nước, nhưng dân chúng phủ Diên Khánh quá yêu mến ông, không muốn ông rời lỵ sở. Thêm nữa, quan đầu tỉnh cũng tâu về triều xin cho ông lưu lại địa phương để hoàn tất công tác khai hoang lập ấp, đề phòng thú dữ. Vua Tự Đức y tấu, ân phong cho ông chức Lang trung Bộ Binh, sau chuyển làm Án sát Khánh Hòa.

Ngôi trường THCS mang tên ông đều ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: L.G.L.
Ngôi trường THCS mang tên ông ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: L.G.L.

Năm 1859, thực dân Pháp đem quân vào đánh thành Gia Định, sau khi tấn công Đà Nẵng không thành. Ông dâng sớ tình nguyện xin vua cho vào Nam chiến đấu, trong sớ có câu: “Dĩ lục tỉnh binh lương, thâu lục tỉnh thổ võ, bất phí triều đình nhất binh, nhất lương” (Dùng binh lính, lương thực vùng lục tỉnh để giành lại đất đai lục tỉnh, không tốn của triều đình một quân sĩ, một hạt gạo). Vua khen là người nghĩa khí, dũng cảm, cử ông giữ chức Tuần vũ Định Tường. Tại đây, ông chiêu mộ nghĩa sĩ khắp nơi, phối hợp cùng lực lượng nghĩa quân của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương... góp phần đánh thắng giặc Pháp nhiều trận, xuất sắc nhất là trận đốt cháy tàu Esperance (Hy vọng) của Pháp trên sông Nhật Tảo năm 1861.

Đang lúc đảm đương nhiệm vụ nặng nề trước họa xâm lăng, chẳng may ông bị bệnh nặng và qua đời tại Vĩnh Long. Sau khi ông mất, vua Tự Đức phái Khâm sai đến tận nhà thay mặt vua phúng điếu. Thi hài ông được đưa về an táng tại làng Hương Lam quê ông, nay là thôn 5 xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Theo mô tả của ông Đỗ Hữu Ninh, tộc trưởng tộc Đỗ La Châu và là cháu 5 đời của ông, mộ ông đầu gối lên Gò Đá, chân kê trên Bàu Rèn.

Năm 1982, lăng mộ ông được Ty Văn hóa QN-ĐN (cũ) ghi nhận là “Mộ phần nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh – một chiến sĩ tiên phong trong phong trào Cần Vương chống Pháp”, được xếp hạng di tích quốc gia năm 2007. Ông Ninh cho biết, năm 2010 Sở VH-TT&DL thành phố đã trùng tu, mở rộng khuôn viên lăng mộ ra đến 370m2 với kinh phí 400 triệu đồng.

Nơi yên nghỉ của nhà yêu nước – vị đại khoa đầu tiên của Đà Nẵng giờ đã khang trang, đường bệ, xứng tầm di tích quốc gia, tuy nhiên đường vào lăng mộ ông đã bị bịt kín bởi nhiều ngôi mộ mới phát sinh trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Lương Đà, cán bộ văn hóa – xã hội xã Hòa Khương, khi đưa các nhà báo về thăm lăng mộ ông, đã phải luồn lách qua một đám cây keo tai tượng và khiêng xe máy qua một đoạn tường rào thấp do người dân xây quanh để giữ đất.

Với một địa thế “hiểm trở” như thế, thật khó để cho người có tấm lòng với vị tiến sĩ khai khoa đất Đà Nẵng đến thăm viếng lăng mộ ông. Thầy Nguyễn Cúc, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (xã Hòa Khương) than phiền rằng, mỗi khi đưa học sinh lên viếng hương lăng mộ ông (nhiều nhất là vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông - 26 tháng Giêng âm lịch hằng năm), cũng rất khó khăn, đường trơn trượt, cây va quẹt.

Ngoài tên trường, Đà Nẵng cũng đã đặt tên ông cho một con đường ở địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Thiết nghĩ, sự tri ân vị tiến sĩ – nhà yêu nước này sẽ toàn vẹn hơn, nếu có thêm một con đường thông thoáng, rộng rãi dẫn vào lăng mộ ông. Đó sẽ là “gạch nối” giữa quá khứ – hiện tại – tương lai khi năm 2015 được Đà Nẵng chọn là “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”.

LÊ GIA LỘC

.