.

Bình Định trong giấc mơ bay xa

.

Với tư cách là một cực phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên mấy năm gần đây, tỉnh Bình Định đã tăng cường các hoạt động phát huy nội lực, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2008 là một năm nhiều biến động, lắm khó khăn nhưng tại Bình Định tiến trình này vẫn có những bước đi ổn định.

Phát huy nội lực

Năm 2008, UBND tỉnh Bình Định (BĐ) đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các DN và các hộ sản xuất; tăng cường thu hút vốn đầu tư nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Từ đầu năm đến nay, tỉnh BĐ đã thu hút được 4 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA, nâng tổng số dự án ODA trên địa bàn tỉnh lên 12 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Trong năm 2008, toàn tỉnh cũng đã có 750 DN đăng ký kinh doanh mới, với tổng số vốn đăng ký 3.752 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2007.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các DN, nên mặc dù trong năm qua hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị SXCN toàn tỉnh đã đạt 5.587 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2007. Trong đó, khu vực DN Nhà nước tăng 18,6%, khu vực DN ngoài Nhà nước tăng 18,8%, khu vực hộ cá thể tăng 15,8%.

Để đẩy mạnh kinh tế tỉnh BĐ phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện xác định: Nhiệm vụ đầu tiên của năm 2009 là phải tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại để đẩy mạnh phát triển SXCN, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung chỉ đạo đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, nhất là các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 390-400 triệu USD. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế dịch vụ; tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế đạt từ 9.500 - 10.000 tỷ đồng.

Nhìn từ Nhơn Hội

Sau khi cầu Thị Nại hoàn thành nối nội thành Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội được triển khai tích cực. Tiến sĩ Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý KKT Nhơn Hội cho biết: “Các công trình hạ tầng quan trọng của khu kinh tế đã được hoàn thành cơ bản. Hệ thống đường trục chính đã thể hiện được bộ mặt hấp dẫn của KKT Nhơn Hội. KCN A đã dần dần hiện, tại đây đã có 3 dự án đầu tư với diện tích được giao hơn 15,5ha, vốn đăng ký gần 400 tỷ đồng.
 
Công ty TNHH một thành viên Hong Yeung (Hồng Kông) đã tích cực triển khai xây dựng hạ tầng KCN B. Mới đây, chuyến công tác mời gọi đầu tư của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà thực hiện ở Trung Quốc cũng có kết quả tích cực. Theo đó Công ty Minh Dương (thuộc Tập đoàn Nông Khẩn - Quảng Tây - Trung Quốc) đã ký hợp đồng với Công ty Hong Yeung (kinh doanh hạ tầng KCN B - KKTNH) cam kết đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến sâu tinh bột sắn với tổng giá trị đầu tư 54 triệu USD.
 
Ngoài ra, Tập đoàn Nông Khẩn còn mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh BĐ trong việc trồng, chế biến các sản phẩm từ cây sắn, mía và rau quả; hợp tác đầu tư xây dựng một cảng biển tại Quy Nhơn để chủ động cho các hoạt động xuất nhập khẩu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong thời gian tới. Dự án Cảng quốc tế Gemadept Nhơn Hội cũng đã được triển khai.

Mới đây, Công ty cổ phần Fresenius Kabi Bidiphar với tổng vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 1 là 10 triệu USD, trong đó phía Fresenius Kabi chiếm 51%, phía Việt Nam chiếm 49% vốn điều lệ đã tổ chức lễ ra mắt. Công ty cổ phần Fresenius Kabi Bidiphar là kết quả của quá trình đàm phán hợp tác sau hơn một năm giữa Tập đoàn sản xuất dược phẩm đa quốc gia Fresenius Kabi (thuộc CHLB Đức) và Công ty Bidiphar - Việt Nam.

Công ty Fresenius Kabi Bidiphar chuyên sản xuất kinh doanh dược phẩm, trong giai đoạn trước mắt chuyên sản xuất thuốc tiêm, dung dịch tiêm truyền cơ bản, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng và các dạng sản phẩm đặc trị khác, trong đó có thuốc điều trị ung thư và miễn dịch; giai đoạn 2 sẽ phát triển mở rộng các dạng thuốc cao cấp khác và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà.

Ngày 21-12-2008, tại TP. Quy Nhơn, đại diện 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận mở đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn và ngược lại. Theo thỏa thuận, trước Tết Nguyên đán 2009, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ mở đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn và ngược lại, sử dụng máy bay Folker với tần suất 3 chuyến/tuần, cất cánh tại Hà Nội lúc 12 giờ 15 phút, đến sân bay Phù Cát 13 giờ 45 phút và cất cánh tại Phù Cát lúc 14 giờ 30 phút, đến Hà Nội lúc 16 giờ.

Trong giấc mơ bay xa

Nhơn Hội - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Thu hút đầu tư nếu chỉ nói đến chuyện ưu đãi thì không ăn. Nhà đầu tư thường có 3 nỗi lo. Thứ nhất, họ e ngại sẽ bị ép chia sẻ rủi ro về đầu tư cơ sở hạ tầng với mình. Thứ hai, doanh nghiệp nào cũng sợ đầu tư vào một nơi còn trống vắng, không có "láng giềng". Thứ ba, khi thẩm định vùng đầu tư, người ta quan tâm nhiều đến cơ hội sau đó mới đến những ưu đãi đầu tư. Tại Bình Định, ta đã sẵn sàng để khi đến với KKT Nhơn Hội, nhà đầu tư không vướng 3 nỗi lo ấy. Ở ta còn có cả khu phi thuế quan, tầm gần đã có cảng Quy Nhơn, vài ba năm sẽ có tới mấy cái cảng bên Nhơn Hội. Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà đã vui vẻ chia sẻ như vậy.

Sau chuyến đi mời gọi đầu tư ở Trung Quốc về, dù đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng ông Vũ Hoàng Hà vẫn chưa hết ưu tư. Ông nói: Cái được của mình là nhà đầu tư đã ký hợp đồng xác nhận đầu tư, họ đã đến Bình Định thực hiện các bước triển khai. Ngay trong tình hình kinh tế khó khăn họ vẫn muốn mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác. Trung Quốc là một nước lớn, chúng ta đã có những cam kết đầu tư của nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam… trên những lĩnh vực phù hợp với khả năng của Bình Định.
 
Nhưng vẫn chưa hết lo đâu. Trong các cuộc làm việc với bạn, chúng tôi nhận thấy họ chưa thật tin vào các chính sách thu hút đầu tư của các địa phương của nước ta. Họ ngại tính thiếu nhất quán trong hệ thống các chính sách; ngại sự nhũng nhiễu, quan liêu của các cán bộ, công chức Nhà nước. Đi ra nước ngoài, thấy người ta làm, rồi nhìn lại mình, mới thấy chúng ta còn nhiều việc phải chấn chỉnh, phải thay đổi trong thái độ, trong tư duy làm việc của công chức Nhà nước.

Trong niềm vui có cái lo. Nhưng chính bằng việc nhìn ra những nỗi lo lại phát hiện những cái mừng mà khi quá đỗi bình thường với mình, ta lại thấy như một hiển nhiên. Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà kể: “Khi làm việc với các đối tác, tôi thường nói vui: Ưu thế của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực là sự ổn định chính trị và an ninh cao, Quy Nhơn - Bình Định là một trong những thành phố yên bình nhất Việt Nam. Nếu ở một vài nước khác, an ninh là thứ phải trả tiền thì ở chỗ chúng tôi, an ninh là thứ... biếu không cho bạn.

Ở thành phố quê tôi, người dân rất thân thiện, bạn có thể ung dung đi dạo trong bình yên suốt đêm cho đến sáng. Mời các bạn cứ đến thăm Quy Nhơn - Bình Định rồi sẽ quyết định sau. Nhà đầu tư nào cũng quan tâm tới lỗ lãi, thời gian thu hồi vốn. Càng ổn định thì càng mau chóng đạt được mức tăng trưởng tối đa. Có thấy người ta hãi nạn khủng bố, chiến tranh tôn giáo, sắc tộc ra sao mới ý thức được sự ổn định của mình là quý giá đến cỡ nào. Vậy đó, sự ổn định là một ưu thế rất lớn đấy nhé”.

Vậy tại sao ta không nỗ lực để thực hiện những giấc mơ bay xa!

Bá Phùng

;
.
.
.
.
.