.

Nhìn từ Dung Quất

.

Tự thân Dung Quất không thể làm thay đổi cả miền Trung, nhưng từ khu kinh tế này có thể nhìn rộng ra cả một vùng đất khổ nghèo trong lau lách suối khe đang oằn mình đổ ra biển cả của thời hội nhập. Hành trình đổ ra biển lớn, có thể sẽ gặp những thác ghềnh, nhưng chắc chắn là tới đích.

Mười năm và một ngày

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm phân xưởng Cracking.
Cho đến thời điểm này tại miền Trung, chưa có công trình nào mà số vốn lên đến 2,5 tỷ USD do Chính phủ Việt Nam tự đầu tư như nhà máy lọc dầu Dung Quất, cũng chưa có công trình nào mà hao tốn nhiều giấy mực như Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây cũng là công trình kéo dài đúng một thập kỷ, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công lần thứ nhất năm 1998. Nếu ví Dung Quất là đoàn tàu thì nhà máy lọc dầu chính là đầu máy. Nói một cách văn vẻ hơn thì nhà máy lọc dầu Dung Quất như trái tim cho cả khu kinh tế. Chính trái tim ấy, sau cuộc hợp hôn bất thành trong mối tình Nga-Việt của dự án liên doanh Vietross, suốt trong 7 năm (1998-2005) nó luôn đập trong tình trạng thoi thóp khiến cho cả cơ thể Khu kinh tế Dung Quất cũng dặt dẹo theo.

Mười năm trước, ngay sau khi Dung Quất được chọn làm khu lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam, hàng loạt nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài dập dìu xuôi ngược ra vào Dung Quất để tìm cơ hội, song khi nghe nhà máy đang lình xình chuyện liên doanh, tất cả đều lặng lẽ rút lui. Tỉnh Quảng Ngãi đã “phủi nóng” cho lỗ trống lạnh lẽo ấy bằng việc hình thành Phân khu công nghiệp Sài Gòn-Dung Quất với những ưu đãi hết sức đặc biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh về Dung Quất. Tuy nhiên, mọi cố gắng để thoát khỏi bế tắc hầu như không còn nữa. Sự đìu hiu của Dung Quất đã lây sang người anh em – Khu kinh tế mở Chu Lai, vốn được kỳ vọng là anh hàng xóm tốt bụng trong việc tối lửa tắt đèn có nhau.

Đứng trước dự án lọc dầu đầu tiên của đất nước có thể rơi vào bế tắc, một lần nữa, Chính phủ hạ quyết tâm: Không thể liên doanh bằng mọi giá, Việt Nam tự đầu tư! Số vốn không chỉ 1,5 tỷ USD như ban đầu mà tăng vọt lên 2,5 tỷ USD. Lại trình Quốc hội, lại bàn ra tán vào. Có những tiếng nói không đồng thuận vang lên từ nghị trường của Quốc hội, nhưng cũng có tiếng nói mạnh mẽ, quyết tâm ủng hộ dự án triển khai tại Dung Quất. Cuối cùng rồi Dung Quất vẫn là điểm chọn lựa để hình thành khu lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước. Cuối tháng 11-2005, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh “khởi công lại” dự án 2,5 tỷ USD này.

Để đến 3 năm sau, thời điểm cuối năm 2008, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nên hình nên dáng, trở thành biểu tượng của lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm của Việt Nam. Xây dựng nhà máy lọc dầu tại Dung Quất là một thách thức lớn, không những cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa có kinh nghiệm về lọc dầu của Việt Nam mà còn cho cả những nhà quản lý ở tầm vĩ mô trước sự trắc nghiệm nghiêm khắc của nhân dân về những quyết định quan trọng của mình.

Thực tế diễn ra tại Dung Quất trong ba năm qua cho thấy, những quyết định trong việc chọn lựa đầy khó khăn của Chính phủ để chọn Dung Quất làm nơi đầu tiên xây dựng nhà máy lọc dầu là hoàn toàn chính xác. Ngày 25-2-2009 này, sau 44 tháng với hàng vạn công nhân đánh vật suốt ngày đêm trên công trường, những dòng dầu đầu tiên mang nhãn “Made in Vietnam” sẽ chính thức có mặt trên thị trường, khép lại một giai đoạn 10 năm mong mỏi, đợi chờ trong thấp thỏm âu lo.

Sức hút Dung Quất

Phao rót dầu không bến tại vịnh Việt Thanh.

Sự có mặt của nhà máy lọc dầu tại vùng cát trắng Dung Quất không chỉ làm cho bộ mặt của làng quê vốn đìu hiu này trở nên sôi động hơn, mà còn kéo theo nó bao nhiêu dự án khác. Mười năm trước, dù tỉnh Quảng Ngãi có kêu gọi “hết hơi” sau những chuyến xuôi Nam ngược Bắc, cùng những “chiêu” ưu đãi hết sức đặc biệt nhưng Dung Quất vẫn vắng bóng các nhà đầu tư.

Thế nhưng, chỉ một năm sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất tái khởi động, các nhà doanh nghiệp đã dập dìu xuôi ngược về vùng đất này để tìm cơ hội. Sự tăng tốc trong đầu tư tại Dung Quất trong ba năm qua là một thực tế khó tin. Đã có 10 tỷ USD mà các nhà đầu tư đã và đang rót vào vùng cát này, đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh thứ 3 thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (thời điểm năm 2006). Rõ ràng, Dung Quất mà điểm nhấn là nhà máy lọc dầu đã thành lực hút, kéo về mình hàng loạt các dự án với số vốn lên đến hàng tỷ USD mà nhiều nơi khác không dễ có được.

 Nhưng, điều đáng quý hơn là, Dung Quất đã đóng một vai trò vừa là đầu tàu, vừa lan tỏa trong toàn khu vực. Tầm ảnh hưởng của Dung Quất và nhà máy lọc dầu đã góp phần không nhỏ trong việc “kích hoạt” cả một đoàn tàu nghèo khó của miền Trung tiến lên phía trước. Mới đây, Tổ chức Jica, nhà tư vấn hàng đầu của Nhật Bản đã có chuyến làm việc với 5 tỉnh nằm trong vùng trọng điểm miền Trung, từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định, để tìm một giải pháp tối ưu trong việc “kết nối” các tỉnh này để cùng phát triển. Một cuộc điền dã công phu và toàn diện nhằm thu thập các số liệu về dân số, kinh tế, xã hội của 5 tỉnh này, để trên cơ sở đó, nhà tư vấn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Đê chắn sóng và cảng xuất sản phẩm. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Và, Jica vẫn khẳng định Dung Quất và cụm công nghiệp lọc hóa dầu tại đây vẫn giữ một vai trò quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm này. Dĩ nhiên, mỗi tỉnh có một thế mạnh riêng để phát huy, song sự kết nối trong thời buổi hội nhập này là vô cùng cần thiết. Một ví dụ rất nhỏ: Dù được “sở hữu” một lượng vốn khổng lồ và có nhiều người thu nhập lên đến 10 ngàn USD/tháng, song cứ mỗi chiều tối thứ sáu hằng tuần, tất cả đều nhằm hướng Đà Nẵng và Hội An trực chỉ, nói theo cách của các nhà báo là để “ăn chơi nhảy múa” suốt trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Ai bảo Đà Nẵng và Hội An không “hưởng lợi” từ Nhà máy lọc dầu? Vì thế, trong những góp ý cho các tỉnh, Jica cũng đưa ra khuyến nghị là nên sớm làm đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi để... chạy cho nhanh!

Chưa thể giàu lên nhanh chóng từ dự án lọc dầu, song sự có mặt của nó tại vùng quê nghèo khó, lại giữ vai trò “kích hoạt” cho cả miền Trung, thì đó là một tín hiệu... vui như Tết.

TRẦN ĐĂNG

;
.
.
.
.
.