.

Thế giới và nước Mỹ sau hai sự kiện lịch sử

.

Tôi sắp chấm dứt 9 tháng nghiên cứu ở Đại học Harvard. Trong thời gian ở đây ngẫu nhiên tôi chứng kiến tới 2 sự kiện lịch sử xuất phát từ Mỹ, 2 sự kiện ảnh hưởng đến cả thế giới.

Một là cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 9 năm 2008, kéo theo khủng hoảng toàn diện nền kinh tế Mỹ và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Đây là cuộc khủng hoảng cả thế kỷ mới có một lần. Hai là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 cùng năm mà kết quả là một người da màu đã trở thành người lãnh đạo của một nước giàu mạnh nhất thế giới. Đây là sự kiện lịch sử không chỉ đối với Mỹ mà còn có nhiều ý nghĩa đối với thế giới. Hai sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trào lưu tư duy thế giới trong nhiều năm tới? Vị trí của Mỹ sẽ thay đổi như thế nào sau hai sự kiện lịch sử này?

GS Trần Văn Thọ tại Đại học Harvard (Mỹ)
Trước hết, có thể nói cuộc khủng hoảng tài chính lần này là kết quả của sự tự tin quá đáng của mô hình kinh tế tự do do Mỹ chủ xướng từ thập niên 1980, là sự phá sản của Đồng thuận Washington (sẽ giải thích dưới đây) mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra chính sách, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế các nước.

Sau cuộc đại khủng hoảng thập niên 1930, vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước trong việc ổn định và tăng trưởng, phát triển kinh tế ngày càng quan trọng. Chính sách này áp dụng quá mạnh (ngăn cản sự năng động của công ty tư nhân, v.v...) cũng phát sinh trì trệ, cản bước phát triển. Điều này bộc lộ rõ nét trong thập niên 1970 tại Anh và Mỹ. Nhưng thay vì tu chỉnh chính sách trong một giới hạn hợp lý, chính quyền Reagan từ đầu thập niên 1980 đã tiến hành chính sách tự do hóa hầu hết các hoạt động kinh tế, kể cả việc nới lỏng các quy chế kiểm soát trong hệ thống tài chính.

Dưới tác động từ sự sụp đổ của Liên Xô cũ và thể chế kinh tế kế hoạch của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, Mỹ càng tin tưởng ở sự thắng lợi của chủ nghĩa tự do kinh tế. Do đó, chính sách tự do hóa (xem chú thích 1) được cổ vũ và thực hiện mạnh mẽ hơn dưới thời Clinton (1993-2000). Đặc biệt chính quyền Clinton đã cho phép ngân hàng thoát ly khỏi vai trò truyền thống (là huy động và cho vay vốn) sang các hoạt động nhiều rủi ro như đầu tư vào chứng khoán và các lĩnh vực mạo hiểm khác (xem chú thích 2). Mặt khác, các công cụ tài chính, các biện pháp đầu tư tài chính ngày càng tinh vi mà không được kiểm soát đã dẫn đến cuộc khủng hoảng quá bất ngờ.

Tư tưởng tự do hóa kinh tế về mặt quốc tế cũng để lại dấu ấn lớn. Từ thập niên 1980, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới khi cho các nước đang phát triển vay tiền thường đặt điều kiện phải cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa. Từ thập niên 1990 ở Đông Âu, các nền kinh tế kế hoạch tập trung từng bước chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Chiến lược chuyển đổi và các biện pháp cải cách cụ thể được Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và nhiều chuyên gia Mỹ đúc kết thành ba nội dung chính:
 
Tự do hóa (liberalization) các hoạt động kinh tế kể cả ngoại thương; giá cả, hối suất do thị trường tự do quyết định; ổn định hóa (stabilization) kinh tế vĩ mô, giảm chi tiêu chính phủ; và tư nhân hóa (privatization) doanh nghiệp quốc doanh. Ba biện pháp này được khuyến khích tiến hành đồng loạt trong thời gian ngắn. Các nhà phân tích gọi đây là Đồng thuận Washington (Washington Consensus) (xem chú thích 3). Theo Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế thì cải cách theo Đồng thuận Washington là chiến lược cấp tiến có tính cách liệu pháp sốc để cứu chữa ngay căn bệnh của thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Cuộc khủng hoảng tài chính từ tháng 9-2008, kéo theo khủng hoảng toàn diện nền kinh tế Mỹ và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Cũng cần nói thêm trào lưu toàn cầu hóa bắt đầu từ thập niên 1980 và triển khai mạnh mẽ từ thập niên 1990 cũng do Mỹ chủ đạo. Cốt lõi của toàn cầu hóa cũng là sự tự do hóa việc di chuyển trên quy mô toàn cầu các nguồn lực như vốn, công nghệ, lao động. Do bối cảnh đó, trong nhiều trường hợp, toàn cầu hóa đồng nghĩa với các tiêu chuẩn giá trị do Mỹ chủ xướng.

Từ cuối thập niên 1990, nhất là từ những năm đầu của thế kỷ 21, Đồng thuận Washington cũng như toàn cầu hóa kiểu Mỹ bắt đầu bị phê phán. Cải cách kinh tế ở Trung Quốc và Việt Nam không theo biện pháp của Đồng thuận Washington mà theo chiến lược tiệm tiến, và cho thấy thành quả phát triển tốt hơn các nước tự do hóa quá nhanh. Toàn cầu hóa với tốc độ nhanh cũng đưa đến khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và sự bất ổn về kinh tế, xã hội tại nhiều nước.

Trong ý nghĩa đó, chủ trương của Mỹ về sự Đồng thuận Washington và về toàn cầu hóa, về tự do hóa đã gặp thử thách từ khoảng 10 năm nay. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ngay tại nước Mỹ vào cuối năm 2008 đã trở thành sự kiện quyết định chấm dứt một hệ thống tư tưởng kinh tế do Mỹ chủ xướng.

Nếu sức mạnh mềm (soft power) của một nước bao gồm uy tín quốc tế tạo nên bởi những giá trị do nước đó khởi xướng thì cuộc khủng hoảng lần này đã làm cho Mỹ suy yếu nhiều về phương diện đó.

Rất ngẫu nhiên, và rất may cho Mỹ, là trong sự suy yếu không tránh khỏi của uy tín quốc tế về mô hình kinh tế đó, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống đã làm cho vị trí của Mỹ tăng lên từ một phương diện khác. Thắng lợi lịch sử của Obama cho thấy Mỹ là xã hội mang lại các cơ hội bình đẳng cho mọi người, không phân biệt màu da hay lý lịch.
 
Mỹ dĩ nhiên chưa phải là một xã hội lý tưởng. Chí ít là cơn lốc của tự do hóa các hoạt động kinh tế trong hơn 2 thập kỷ qua đã làm phân hóa giàu nghèo khá trầm trọng. Nhưng với quyết tâm “thay đổi” (change) và “vâng, chúng ta có thể” (yes we can), những khẩu hiệu vận động tranh cử, Obama đã làm cho mọi người tin tưởng là xã hội Mỹ sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Thế giới cũng đồng cảm với lời tuyên bố của Obama trong diễn văn đắc cử: “Quyền lực thực sự của nước Mỹ không phải đến từ vũ khí, tiền bạc mà đến từ sức mạnh dài lâu của lý tưởng dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng”. Đây là một nhân tố làm tăng sức mạnh mềm của Mỹ.

Thế giới mà chúng ta sẽ chứng kiến trong những năm tới sẽ ra sao? Vai trò của Mỹ sẽ tăng hay giảm?

Barack Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Hiện nay tổng sản phẩm của thế giới khoảng 50.000 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm hơn 25%, Nhật độ 9%. Các nước Tây Âu độ 25%, tương đương với Mỹ nhưng trước mắt còn bất đồng trong nhiều chiến lược, chính sách đối ngoại. Do đó, trong thời gian 10 năm sắp tới, dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng lần này, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất, có ảnh hưởng đến thế giới nhiều nhất.

Tuy vậy, thế giới ngày càng phức tạp, đối lập tôn giáo đang gay gắt, khủng bố có khuynh hướng lan rộng, các loại bệnh tật, vấn đề môi trường, v.v... ngày càng đe dọa cuộc sống con người. Mỹ không thể đơn phương giải quyết các vấn đề này. Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, dù Mỹ là nước lớn nhất cũng không giải quyết được nếu không có sự hợp tác không những của những nước tiên tiến (Nhóm G7) mà còn cần đến hợp tác của những nước mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ (những nước dùng nhiều năng lượng, thực phẩm, ảnh hưởng đến cung cầu thế giới), hoặc những nước sản xuất dầu như Saudi Arabia.

Obama có lẽ đã nhận biết điều đó. Trong diễn văn đắc cử tổng thống, ông ta đã nói một câu cho thấy Mỹ và thế giới sẽ phải tùy thuộc lẫn nhau: “Nước Mỹ không thể một mình đối phó với những đe dọa của thế kỷ này, và thế giới cũng không thể đối phó với những đe dọa ấy mà không cần đến nước Mỹ”.

Harvard, những ngày chuyển tiếp giữa hai năm

Trần Văn Thọ

(1) Trong nửa thế kỷ trước thập niên 1980, Chính phủ Mỹ (và nhiều nước tiên tiến khác như Anh, Nhật) đặt ra các quy chế (regulations) để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng, v.v... Hoạt động kinh tế do đó bị gò bó trong những khuôn khổ của pháp luật hoặc các quy định về hành chính. Từ thập niên 1980, doanh nghiệp, ngân hàng,… được tự do, thoát khỏi các gò bó ấy. Hiện tượng này được gọi là tự do hóa (liberalization) hoặc cho thoát khỏi các quy chế (deregulations).

(2): Kinh tế Mỹ dưới thời Clinton phát triển mạnh mẽ chủ yếu nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhưng trào lưu tự do hóa và nới lỏng các quy chế (trong giai đoạn chưa gây ra các hiệu ứng tiêu cực) cũng đã góp phần làm kinh tế phát triển.

(3): Đồng thuận Washington là thuật ngữ chỉ phương châm chiến lược phát triển, tăng trưởng và ổn định kinh tế do IMF, Ngân hàng Thế giới và Mỹ chủ xướng mà nội dung như đã nói trong bài. IMF, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Mỹ đều có trụ sở tại Washington nên nhà kinh tế John Williamson đã chế ra thuật ngữ Washington Consensus để nói một cách tổng hợp phương châm chiến lược nói trên.

;
.
.
.
.
.