Tháng 1 năm 1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Và chỉ thêm chưa đầy sáu năm trên hành trình đó, Đà Nẵng chính thức được công nhận là đô thị loại 1 của Việt Nam, ngày 15-7-2003. Trong “chiếc áo mới”, cùng với nó là những cơ chế chính sách đặc biệt dành cho Đà Nẵng với kỳ vọng biến nơi đây thành một trung tâm, đầu tàu cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MTTN) giàu tiềm năng nhưng hạ tầng cơ sở và các nguồn lực cho phát triển còn nhiều bất cập, yếu kém.
Năm năm làm thành viên trong số các đô thị loại 1 của Việt Nam, Đà Nẵng đã cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực phấn đấu, tạo ra vai trò đầu tàu ở cả ba miền đất nước. Đà Nẵng hiện tại là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ của khu vực MTTN. Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp của thành phố luôn duy trì được nhịp độ phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm.
Trên 40 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, cổ phần, công ty tài chính… lớn đang hoạt động tại Đà Nẵng với tư cách là trung tâm tài chính - ngân hàng của khu vực; 12 trường đại học và học viện nghiên cứu - đào tạo với những định hướng phấn đấu mở rộng vùng “phủ sóng” ra toàn khu vực MTTN cho thấy vai trò thành phố trung tâm mà Đà Nẵng được trao gửi và phó thác đang ngày càng trở nên hiện thực một cách bền vững, nhiều triển vọng. “Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển thành phố đạt được nhiều thành tựu đáng biểu dương, trong một số lĩnh vực đã có cách làm sáng tạo và có những mô hình tốt” - Bộ Chính trị đánh giá lạc quan về tiến trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Để có được một đô thị như hiện tại, Đà Nẵng đã có những cách làm sáng tạo, quyết đoán, tự chịu trách nhiệm. Trong đền bù giải tỏa để mở rộng đô thị, Đà Nẵng đã đóng góp vào tiến trình hoàn thiện chính sách những giải pháp, bài học kinh nghiệm độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương cử các đoàn công tác đến Đà Nẵng để học tập cách giải tỏa đền bù trong quá trình đô thị hóa.
Bài học có tên Đà Nẵng cho thấy ý chí và quyết tâm đổi mới, tiên phong của con người Đà Nẵng, sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân và Nhà nước của những người đứng đầu thành phố; hay nói cách khác sự phát triển của thành phố này mang đậm dấu ấn của những công dân và những nhà lãnh đạo mạnh mẽ của một vùng đất có nhiều tố chất thuận lợi cho công cuộc đổi mới theo định hướng thị trường.
Sự kiện chiếm nhiều đất trên trang nhất của nhiều nhật báo là Đà Nẵng sẽ xây dựng một trung tâm hành chính công - toàn bộ các cơ quan công quyền thành phố phục vụ nhân dân sẽ làm việc chung một nơi. Cần nhắc lại rằng, trong bối cảnh nền hành chính quốc gia, địa phương đang còn nhiều cát cứ, chưa đổi mới nhiều, thì ý tưởng toàn thành phố chỉ xây một trụ sở là… rất “động trời”. Tháng 11-2008, ý tưởng đó đã thành hiện thực bằng việc khởi công xây dựng tòa nhà hành chính 34 tầng cao 168,8 mét - biểu tượng kiến trúc hoành tráng của một thành phố hiện đại.
Tiếp sau việc hiện thực hóa ý tưởng “một trụ sở”, những ngày cuối năm 2008, Đà Nẵng lại làm “chấn động” bằng một ý tưởng độc đáo khác: Sẽ xây dựng đề án và kiến nghị xin phép tổ chức tranh cử để dân bầu Chủ tịch thành phố của mình. Đây không chỉ là quyết tâm đổi mới, không chỉ là ý nguyện tôn vinh vai trò của nhân dân trong tiến trình dân chủ mà sâu xa hơn đây sẽ là động lực to lớn để người tài vững niềm tin về cơ hội đóng góp tài năng và công sức cá nhân trong công cuộc kiến thiết, đưa thành phố tiến lên tầm cao mới.
Sự kiện Đà Nẵng được xếp đứng đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 là một khẳng định của cách chấm điểm, đánh giá khách quan từ bên ngoài đối với tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ nhân dân của bộ máy công quyền, nó góp phần làm sáng thêm hình ảnh của một chính quyền thành phố có thừa quyết tâm tận tụy phục vụ doanh nhân, doanh nghiệp.
Trong những kỳ họp HĐND thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đều thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, khiếm khuyết mà thành phố đang phải đối mặt. Trăn trở lớn nhất là chưa có một đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm với đòi hỏi cao của sự phát triển, hội nhập. Trên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội vẫn còn nhiều chỗ chưa thể hiện rõ nét vai trò tiên phong của một thành phố động lực, trung tâm của khu vực MTTN.
Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng một trong những nhân tố trì kéo sự cất cánh của khu vực MTTN là ở chỗ thiếu tính liên kết, hợp tác vùng giữa các tỉnh trong khu vực. Nói cách khác, sự cát cứ, “tư duy tỉnh ta” đang làm phân khúc, làm yếu đi những mặt mạnh của từng địa phương và sức mạnh của toàn cục. “Tư duy tỉnh ta” đã và sẽ còn tiếp tục để lại nhiều hậu quả lâu dài, nhiều bài học đắt giá, nhưng có vẻ như nó vẫn chưa được khắc phục. Hàng loạt nhà máy xi-măng lò đứng, nhà máy tinh bột sắn, nhà máy đường, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy dâu tằm tơ, ớt, dứa, thuốc lá… ở nhiều tỉnh MTTN đều đã phải trả giá đắt do cách nghĩ “tại sao tỉnh ta không có?”.
Câu chuyện thời sự hiện nay của “tư duy tỉnh ta” là “mỗi tỉnh một nhà máy đường, một trường đại học”. Dù đã được những người có hiểu biết cảnh báo từ sớm, nhưng cho đến thời điểm này giấc mơ “trường đại học của tỉnh ta” gần như đã phủ sóng ở các địa phương. Trên lĩnh vực du lịch cũng bộc lộ rõ những cách làm cát cứ, chia nhỏ “một bức tranh đẹp” theo kiểu “tỉnh ta”. Ở một góc nhìn ngắn hạn và cục bộ, từng địa phương riêng rẽ có thể thu về những món lợi trước mắt từ cách làm ăn bất chấp liên kết, không cần nghĩ tới việc hợp tác để cùng khai thác lợi ích tổng thể, tổng hợp. Nhưng những mất mát từ cách làm ăn đó cũng vô cùng lớn, có khi triệt tiêu lợi thế của chính mình.
Hay như ở lĩnh vực vận tải biển, hiện tỉnh nào cũng có cảng, có tỉnh có đến hai, ba cảng nhưng khó có cảng nào lớn, hiện đại đủ để cạnh tranh trong điều kiện hội nhập một cách vững chắc. Con số bốn triệu tấn hàng hóa qua cảng Đà Nẵng mỗi năm đã là mơ ước của hệ thống cảng biển các tỉnh miền Trung. Và, có thể còn phải tiếp tục ngạc nhiên nữa khi biết rằng, các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan mỗi năm đưa lên cảng Bangkok với quãng đường 700 cây số khoảng bốn triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi nếu họ về cảng Đà Nẵng chỉ chưa đầy 450 cây số…
Rõ ràng, không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông Tây, trên “Con đường di sản miền Trung” còn rất nhiều vấn đề để… tư duy. Từ một vài “bất toàn” có tính minh họa được dẫn ra trên đây có thể thấy rõ là thực tiễn đang đặt ra cho Đà Nẵng những đòi hỏi ngày càng cao hơn trong tiến trình vươn lên đóng vai trò dẫn dắt, trung tâm, động lực của khu vực mà Trung ương và nhân dân kỳ vọng.
Không phải dễ dàng mà toàn bộ cơ quan công quyền của thành phố Đà Nẵng làm việc chung trong một trụ sở. Nó là kết tinh của nhiều thứ, trong đó có thứ tài sản mang tên thời gian. Cũng như vậy, không phải một sớm một chiều mà có ngay vị “Thị trưởng tranh cử” như mong ước của thành phố này. Nhưng Đà Nẵng đang làm cho người dân cả nước náo nức về một thành phố - thủ phủ của miền Trung.
LÂM CHÍ CÔNG