.

“Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”

.

Tại phiên họp ngày 31-10-1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Hồ Chí Minh đã đọc Lời tuyên bố, trong đó có đoạn: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị,  mong được thăng quan phát tài”. 

Mô tả ảnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa III ngày 26-4-1964 tại Hà Nội.

Đúng nửa tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), ngày 17-9-1945, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Hồ Chí Minh đã nói tới việc “đề phòng hủ hóa”. Người chỉ rõ “cán bộ ta nhiều người “cung cúc tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”.

Những tháng ngày đầu tiên sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ công việc giữ gìn, kiến thiết là hết sức khó khăn, phức tạp, không dễ dàng kéo cả toàn dân tộc. Bởi vì trong việc kiến thiết, nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một vài giai tầng trong xã hội. Vả lại, kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, công việc thì nhiều... Để khắc phục những khó khăn và hạn chế đó, Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc củng cố sự đoàn kết toàn dân, mà một trong những biện pháp hàng đầu, vừa cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài là chính sách dùng người, “đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc”, tìm người tài đức, chiêu hiền đãi sĩ.

Với quan điểm xuyên suốt “Chính phủ là công bộc của dân”, Hồ Chí Minh chỉ rõ Chính phủ phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. “Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.4, tr.22).

Ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh viết bài “Bỏ cách làm tiền ấy đi” đăng trên báo Cứu quốc, số 69. Nội dung bài báo là đề cao Ủy ban nhân dân tổ chức theo một tinh thần dân chủ mới, rất cấp tiến nên không thể “đè đầu bóp cổ” hay dùng những thủ đoạn không chính đáng như làm tiền bằng cách bán ngôi thứ. Người viết: “Bán ngôi thứ làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa... Cách làm tiền đó có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải phủi đi hết những hủ tục khác như làm rượu ăn mừng được bầu vào Ủy ban” (Sđd, t.4, tr.55).

Cùng với việc phê phán việc mua chức bán quyền, đồng thời Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những lỗi lầm khác rất nặng nề như “cậy mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu ra mình là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân... Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”. (Sđd, t.4, tr.57)
Với một nhãn quan chính trị, văn hóa sáng suốt, Hồ Chí Minh thấu suốt sự nghiệp kiến thiết cần phải có nhân tài. Đảng cầm quyền cần phải có những người có đức có tài để lãnh đạo dân chúng. Đó phải là một Đảng đạo đức, văn minh. Chế độ dân chủ cộng hòa phải khác hẳn về chất so với chế độ vua quan, thực dân đế quốc.

Một trong những cái khác căn bản là quyền làm chủ, quyền dân chủ và quyền bầu cử để chọn ra những người thật sự có đức có tài để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một ngày trước khi tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh có lời phát biểu kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu và ra mắt ứng cử viên. Người nói: “Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước... Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” (Sđd, t.4, tr.146-147).

 

Mô tả ảnh.
Làng Sen quê Bác. Ảnh: Mai Hoa

Nỗi quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là phấn đấu vì mục đích tự do, hạnh phúc của dân. Hạt nhân  trong di sản của Người là chữ “DÂN”: “Đối với dân, ta đừng làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” (Sđd, t.4, tr.148). Dân muốn có những cán bộ, đảng viên quyết tâm, suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Dân muốn cán bộ phải đủ phẩm chất đạo đức, năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phong cách công tác quần chúng, có như vậy thì mới làm tròn bổn phận là công bộc của dân. Dân muốn những cán bộ khi đạo đức và năng lực trí tuệ không tương thích với chức vụ, không còn được dân tín nhiệm thì phải từ chức. Dân không muốn có những cán bộ “chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực” (Sđd, t.5, tr.255).

Hồ Chí Minh luôn luôn nói đi đôi với làm. Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu ở vị trí cao nhất nhưng không tham quyền cố vị. Người tâm sự khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa. Sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (Sđd, t.4, tr.161).

 

Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng và tấm gương “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào” một lần nữa lại được Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I: “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài” (Sđd, t.4, tr.427).

Trong lời tuyên bố của Hồ Chí Minh, chúng ta chú ý rằng Người nhấn mạnh việc đảm nhận chức vụ trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh khi “Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất”. Chức vụ đó là do Quốc hội (nhân dân) ủy thác thì phải gắng sức làm. Còn khi đồng bào đã cho lui thì lại vui vẻ trở về cuộc sống của một người dân bình thường, vui thú trong một “căn nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Truyền thuyết Thánh Gióng lại hiện hữu trong thời đại Hồ Chí Minh với tấm gương sáng của chính Người. Lời Bác nói, việc Bác làm, đó là tinh thần của “văn hóa từ chức” mà ngày nay báo chí đang nói tới nhiều. Nội dung này phải được thấu triệt trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

BÙI ĐÌNH PHONG

;
.
.
.
.
.