Chuyện xưa xứ Quảng

Căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc

07:01, 05/09/2015 (GMT+7)

Sau khi Tiến sĩ Trần Văn Dư bị thực dân Pháp và tay sai Nam triều ám hại, kéo theo sự thất thủ của sơn phòng Dương Yên, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đặt dưới sự điều khiển của Phó bảng Hồng lô Tự khanh Nguyễn Duy Hiệu.

Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu – người cho xây dựng căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc để tập trung lực lượng kháng Pháp.
Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu – người cho xây dựng căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc để tập trung lực lượng kháng Pháp.

Để có một nơi hiểm yếu chống cự lâu dài với giặc và làm nơi chiêu mộ, luyện tập nghĩa quân, lúc đầu Nguyễn Duy Hiệu chọn địa điểm Nghi Thượng (nay thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) làm căn cứ nhưng do địa thế bất lợi, ông quyết định chọn vùng thung lũng Trung Lộc (nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) để xây dựng căn cứ đầu não của Nghĩa hội và căn cứ này được gọi là Tân tỉnh.

Tân tỉnh Trung Lộc được xây dựng vào đầu năm 1886 đến khoảng tháng 5-1886 thì cơ bản hoàn thành. Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng và tổ chức Tân tỉnh Trung Lộc với một bộ máy chặt chẽ, lực lượng nghĩa quân hùng mạnh như một lãnh địa riêng biệt. Khu căn cứ có doanh trại, có hào lũy, kho tàng ở lưng chừng núi để tránh lũ lụt, có văn miếu, bãi tập…, ở phía Bắc có nhà lao, pháp trường. Để xây dựng căn cứ Tân tỉnh ngày càng hoàn chỉnh, Nguyễn Duy Hiệu còn cho lập các cơ quan hành chính phụ trách việc binh, việc hình để phục vụ cho Nghĩa hội.

Sở dĩ Trung Lộc được Nguyễn Duy Hiệu chọn làm nơi đóng căn cứ vì nơi đây có thể tiến quân đánh địch từ mọi phía, là vùng đất đắc địa để tổ chức phòng thủ để có thể chống trả được các cuộc tấn công từ mọi hướng của giặc Pháp và quân Nam triều vì có địa hình khá phức tạp với đồi, núi, sông, suối liền kề, lại gần tỉnh lộ 105 – là trục lộ chính nối liền miền xuôi và miền ngược, phía Đông và phía Tây… Địa thế nơi đây hết sức thuận lợi do khô ráo, có khe nước phía trước và phía sau đủ cho một số lượng lớn nghĩa quân sử dụng quanh năm. Hơn nữa, vùng này lại giàu có về lâm khoáng sản, có thể khai thác mỏ để rèn đúc vũ khí. Thêm vào đó, nơi đây lại có đủ nguồn lương thực để duy trì việc nuôi quân chiến đấu lâu dài vì lúc đó vùng này là nơi buôn bán thịnh vượng, vùng lân cận có đồng ruộng và khu dân cư. Trong trường hợp bị bao vây có thể tự sản xuất lương thực tại chỗ để phục vụ cho nghĩa quân…

Và điều quan trọng nhất để căn cứ Trung Lộc đóng quân và tồn tại là nhờ vào lòng dân và sự ủng hộ hết mình của các sĩ phu yêu nước ở vùng đất Trung Lộc nói riêng và các địa phương lân cận trên vùng đất Nông Sơn nói chung. Tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp và triều đình tay sai trong nhân dân được thể hiện rõ nét qua sự đóng góp sức người, sức của cho nghĩa hội và qua ý thức phòng gian, bảo mật trong nhân dân từ người già đến trẻ em. Nhân dân trong vùng và các vùng lân cận đã tích cực phòng gian bảo mật, xây dựng hệ thống phòng thủ trong thôn xóm, kiên quyết không đi lính, không làm tay sai cho Pháp. Các đội dân binh trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ trật tự trị an, thu thuế, vận chuyển lương thực vào Tân tỉnh. Ban đêm, nghĩa quân tổ chức canh gác bảo vệ căn cứ bên trong thì vòng ngoài dân binh thay nhau tuần tra bảo vệ xung quanh…

Tại căn cứ này, Nguyễn Duy Hiệu đã lãnh đạo phong trào nghĩa hội tổ chức phòng thủ đánh trả nhiều cuộc tấn công đánh vào căn cứ của giặc Pháp và quân triều đình. Đồng thời, Nguyễn Duy Hiệu dùng chiến thuật du kích tổ chức nhiều đợt tiến công địch ở khắp mọi nơi nhằm tạo thế chủ động và tạo điều kiện chiến đấu lâu dài. Từ căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc, nghĩa quân tiến công các thành, tỉnh như Đà Nẵng, La Qua… cho đến các đồn lũy như Bãi Chài (Duy Xuyên), Nam Chơn, Hà Thân (Đà Nẵng), Gò Mùn, Hà Nha (Đại Lộc)…, xây dựng tuyến phòng thủ phía Bắc khu vực Phường Rạnh (Quế Trung) và đèo Le (Quế Lộc) để bảo vệ khu căn cứ Tân tỉnh.

Trước sự lớn mạnh và tiến công rộng khắp của nghĩa hội, quyền Tuần phủ Quảng Nam lúc bấy giờ là Châu Đình Kế liên tiếp cấp báo cầu cứu về triều đình Huế. Trước tình hình đó, tháng 9-1887, triều đình Huế theo lệnh của quan thầy Pháp sai Nguyễn Thân từ sơn phòng Nghĩa - Định (Quảng Ngãi - Bình Định) đem quân ra phối hợp với quân của Phan Liêm và quân Pháp mở nhiều đợt tấn công vào các cứ điểm phòng ngự của Tân tỉnh Trung Lộc. Sau một thời gian chiến đấu kiên cường, dũng cảm dưới sự chỉ huy của Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến nhưng do lực lượng địch quá mạnh với vũ khí tối tân của quân Pháp và âm mưu xảo quyệt của Nguyễn Thân, nghĩa quân Tân tỉnh không đủ sức chi viện cho các tuyến phòng thủ nên bị thất bại và tan rã sau những cuộc truy kích của quân triều đình ở An Lâm, Đại Đồng, Gò May (Phước Sơn), mở đầu cho giai đoạn suy vong của nghĩa hội và sự tan rã của căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc trên đất Nông Sơn...

Sau khi Phan Bá Phiến tự vẫn, Nguyễn Duy Hiệu bị thực dân Pháp và Nam triều bắt và kết án tử hình vào ngày rằm tháng 8 năm Đinh Hợi (nhằm ngày 15-10-1887), phong trào nghĩa hội đi vào giai đoạn suy vong, khu căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc tan rã… Hiện nay, khu căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc chỉ còn là một phế tích thuộc thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn. Tuy vậy với những dấu tích còn lại vẫn có thể hình dung được phần nào căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc kiên cường xưa kia của Nghĩa hội Quảng Nam.

AN TRƯỜNG

.