Chuyện quan Hường vùng ngã ba sông Tam Kỳ

.

Sách Đại Nam thực lục - bộ chính sử của triều Nguyễn - phần chép việc của tháng 4 năm Tự Đức 34 (Tân Tỵ - 1881) cho biết chi tiết: “Bọn Man ở Quảng Nam quấy cướp các xã Phú Thọ, Trung Đạo, Xuân Bình, Trung Chính. Phó đề đốc Sơn phòng là Ngô Đắc Quang, Sơn phòng sứ là Nguyễn Văn Xán đều phải giáng” (bản dịch của Viện Sử học Hà Nội, NXB Giáo dục, tập 8, trang 467).

Trong hai viên quan được ghi trên có một người quê ở vùng thành phố Tam Kỳ hiện nay: ông Nguyễn Văn Xán còn gọi là Nguyễn Văn Hưng. Theo truyền khẩu của dân ở vùng sát ngã ba sông Tam Kỳ - nơi hiện tọa lạc nhà thờ và mộ ông Xán - thì ông là người giỏi cả văn lẫn võ và tên tuổi được ghi trong nhiều tư liệu ở triều đình cũng như ở địa phương.

Mộ Sơn phòng sứ Nguyễn Văn Xán ở gần ngã ba sông Tam Kỳ. Ảnh: P.B
Mộ Sơn phòng sứ Nguyễn Văn Xán ở gần ngã ba sông Tam Kỳ. Ảnh: P.B

Quê ông Xán, vào thời Nguyễn, có tên là xã Quảng Phú, tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương (sau đổi là Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam. Ở huyện Lễ Dương, giới nho sĩ xưa đã làm được một việc đặc biệt: đó là lập bia vinh danh các người trong huyện đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ… từ khoa thi đầu tiên của triều Nguyễn vào năm Gia Long thứ 12 (1813) đến một trong những khoa thi Nho học cuối cùng của vương triều này vào năm Khải Định thứ 3 (1918). Trong bia đá đó, thành tích của ông Xán được ghi như sau:

“Hoàng triều Tự Đức nguyên niên, Mậu Thân - Ân khoa: Cử nhân Nguyễn Văn Hưng (cải Xán); sĩ chí Hồng lô Tự khanh, lĩnh Quảng Nam Sơn phòng sứ, dĩ sơn man nhiếp phục. Mẫu tang phụng chuẩn hồi, nhị nguyệt phục cung chức”.

Dịch nghĩa: Cử nhân Khoa thi ân khoa năm Tự Đức thứ nhất, Mậu Thân (1848), có Nguyễn Văn Hưng, sau đổi tên là Xán, làm quan đến hàm Hồng lô Tự khanh, lĩnh chức Sơn phòng sứ ở Nha Sơn phòng tỉnh Quảng Nam, có công thu phục những sắc dân thiểu số trên vùng núi của tỉnh. Được phép nghỉ việc để về quê thọ tang mẹ ruột, đến tháng Hai âm lịch được cho trở lại giữ chức Sơn phòng sứ như cũ.

Đó là nội dung mở rộng những chi tiết về kết quả thi cử và làm quan của ông Xán từng được ghi trong sách Quốc triều Hương khoa lục - bộ sách ghi danh các nho sĩ trong cả nước đỗ từ cử nhân trở lên vào thời Nguyễn.

Ông Xán đỗ cử nhân lúc vừa hai mươi tuổi. Có lẽ do còn quá trẻ nên mãi bốn năm sau (1862) mới được bổ làm một việc chẳng liên quan đến việc học văn: đó là được bổ dụng làm “Quyền quản Thăng Bình phủ dõng” phụ trách việc cai quản và huấn luyện võ nghệ cho trai tráng phụ trách canh phòng (xưa gọi là dõng đinh) trong huyện - đặc biệt là tuần phòng ở  phạm vi hai tổng An Thịnh hạ và Hưng Thịnh hạ nằm ven biển của huyện Thăng Bình xưa (nay là vùng ven biển, dọc theo sông Trường Giang, kể từ Thăng Bình vào đến bắc Tam Kỳ).

Đây là hoạt động phòng vệ miền biển mà triều đình vua Tự Đức cho tổ chức trong dân chúng vùng ven biển Quảng Nam suốt từ cửa biển Đà Nẵng vào đến cửa An Hòa kể từ năm 1859 - sau khi thực dân Pháp chính thức gây hấn ở Đà Nẵng.

Mãi 2 năm sau nữa ông mới được giao chức Huấn đạo, trông coi việc học tại huyện Hà Đông thuộc quê ông; rồi đến năm 1866 được giữ chức Giáo thụ (phụ trách việc học hành trong tỉnh Quảng Nam). Đến năm 1867 ông được điều về Huế làm một chức quan nhỏ (Tu soạn) tại viện Tập hiền - nơi được giao việc soạn và trình bày nội dung kinh sách cùng tư liệu liên quan đến “đạo trị nước” cho vua và các quan cấp cao tham khảo.

Hai năm sau, được bổ ra ngoài Bắc giữ chức tri huyện ở huyện Phú Xuyên thuộc địa bàn tỉnh Hà Nội - theo cách gọi tên hành chính lúc ấy. Phú Xuyên là một huyện khá trù phú ở châu thổ sông Hồng.

Tại đây, ông tri huyện người Quảng đã vận động dân chúng đóng góp cho việc quân nhu ở vùng biên cương phía Bắc một số tiền lớn (150 quan) và được triều đình ban khen (Tưởng thưởng lục - 1870). Từ khoảng năm 1872 về sau ông lại được điều về Kinh đô giữ chức Viên ngoại lang ở Đại lý tự rồi Phó Võ học ở Võ học đường.

Qua các công việc kể trên, có thể thấy ông Xán là người rành cả công việc quan văn lẫn quan võ. Vì thế, không lạ gì khi vào năm Tự Đức thứ 26 (1875) ông được triều đình bổ làm Quản đạo của Phú Yên - một vùng nhiều đồi núi phía nam của Trung bộ vừa mới được tách thành một đơn vị hành chính đặc biệt gọi là “Đạo” lúc bấy giờ - theo Sắc phong ngày 28-10 âm lịch, vua ban ông quan hàm Hồ Liệt đại phu.

Hai năm tại đây, do có công trong việc tiễu trừ thổ phỉ gây rối, ông được thăng lĩnh chức Án sát sứ tỉnh Phú Yên vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch năm Tự Đức thứ ba mươi - 1877.

Trong số những tư liệu mà hậu duệ trực hệ ông Xán còn lưu giữ ở thành phố Tam Kỳ, không thấy có bản sắc phong giữ chức Sơn phòng sứ, nhưng qua một số sắc phong mà triều đình ban cho cha mẹ của ông, có thể biết là ông đã được giao giữ chức Sơn phòng sứ phục vụ tại Nha Sơn phòng tỉnh Quảng Nam vào khoảng tháng 6 năm Tự Đức thứ 32 - 1879.

Theo lời kể còn truyền thì “quan Hường” - cách gọi trại âm và rút gọn hàm Hồng lô Tự khanh của ông Xán - trong thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ và bình ổn miền núi Quảng Nam đã rất vất vả. Ông qua đời ngay tại nơi trấn nhậm - làng Dương Yên, tổng Tiên Giang thượng, huyện Hà Đông (nay là vùng huyện Bắc Trà My) vào ngày mùng 8 tháng 11 năm Tân Tỵ 1811, hưởng dương 53 tuổi.

Phú Bình

;
;
.
.
.
.
.