Nguyễn Bá Trác "đi chơi phiếm"

.

Trong số trước tác của Nguyễn Bá Trác, được nhiều người biết đến nhất là tập Hạn mạn du ký, có nghĩa là Lời ký của một người đi chơi phiếm. Thiên ký sự nguyên văn bằng chữ Hán này gồm 14 chương, sau ông đem dịch ra quốc ngữ và cho đăng trên Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 43 năm 1920.

Chân dung Nguyễn Bá Trác (ảnh trái) và bộ sách 3 tập Du ký Việt Nam do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu (NXB Trẻ, 2007), trong đó có Hạn mạn du ký.
Chân dung Nguyễn Bá Trác (ảnh trái) và bộ sách 3 tập Du ký Việt Nam do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu (NXB Trẻ, 2007), trong đó có Hạn mạn du ký.

Nguyễn Bá Trác (1881 – 1945) người làng Bảo An, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học chữ Nho ở quê nhà, đến năm 1906 thi đỗ cử nhân ở trường thi Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp, tiếp thu Tân học. Khi phong trào bị đàn áp, ông trốn vào Nam Bộ.

Năm 1908, ông du học sang Nhật, nhưng dưới sức ép của Pháp, chính phủ Nhật đã giải tán phong trào Đông Du. Ông đành sang Trung Hoa rồi trở về Hà Nội năm 1914, làm ở Phòng báo chí Phủ Toàn quyền Đông Dương và chủ bút phần bài chữ Hán tờ Cộng thị cho đến năm 1916.

Năm 1917, ông nhận làm chủ bút phần Hán văn của Nam Phong tạp chí. Năm 1919, sau khi rời Nam Phong tạp chí, ông vào Huế làm Tá lý Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần vũ Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định.

Nguyễn Bá Trác để lại số lượng tác phẩm lớn, gồm cả chữ Hán và quốc ngữ, văn khảo cứu và sáng tác, kể cả phần tự dịch tác phẩm chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Trong đó, được nhiều người biết đến hơn cả là tập Hạn mạn du ký.

Thiên bút ký ghi lại cuộc hành trình kéo dài 6 năm, từ 1908 đến 1914 của ông qua các nước Thái Lan (ông gọi là Siam), Trung Hoa, Nhật Bản. Đó là một cuộc “xuất ngoại” vô cùng vất vả mà ông phải “nhập vai” để vượt qua nhiều tình huống éo le: lúc phải chui nhủi trong rừng rậm miền Trung, lúc phải giả làm tu sĩ Phật giáo ở Phú Yên, lúc phải nằm trong hầm tối chật hẹp dưới tàu thủy sang Thái Lan, lúc lang thang bị trinh thám Nhật theo dõi sát, lúc đối diện với cái sống cái chết trong chiến tranh ở đất nước Trung Hoa,…

Tuy nhiên, ông cũng gặp không ít quý nhân tận tình giúp đỡ, yêu thương, như câu chuyện về một người Việt bị theo dõi tại Nhật Bản, được ông chép lại trong Hạn mạn du ký đăng trên Nam Phong tạp chí số 38, năm 1920.

Theo đó, nghe theo lời hiệu triệu của Phan Bội Châu, người khởi xướng phong trào Đông Du, chí sĩ Nguyễn Bá Trác liền tìm đường sang Nhật. Nhưng khi ông đến xứ sở Hoa anh đào cũng là lúc Chính phủ Nhật đang trục xuất những du học sinh Việt Nam. Trước đó, trên đường từ Thượng Hải đi Hoành Tân (tức Yokohama, thủ phủ tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) ông gặp một người Trung Quốc có cảm tình với những người cách mạng bôn tẩu, được người này giúp đỡ nên ông vẫn quyết định đến Nhật để “chơi”.
Người Trung Quốc này đưa ông về ở tạm trong nhà trọ của mình. Đúng lúc ấy xảy ra vụ một người cách mạng Triều Tiên ám sát một quan chức Nhật Bản nên cảnh sát Nhật theo dõi sát sao những người Triều Tiên trên đất Nhật. Ông vừa đến nhà trọ hôm trước thì hôm sau đã có người đến hỏi.

Người bạn Trung Quốc bảo ông là một người Quảng Đông. Viên cảnh sát nói mấy câu bằng tiếng Quảng Đông để thử. Ông mới chỉ biết bập bẹ đôi tiếng Hồ Bắc do người bạn Trung Quốc vừa dạy nên ngớ người ra. Thế là bị lộ. Sợ liên lụy đến bạn, một đêm, ông viết cho bạn một bức thư rồi trốn đi. Tha thẩn vào các công viên, ông phát hiện ra mình bị mật vụ Nhật theo dõi không rời nửa bước. Ông sợ quá, liền gặp thẳng một viên mật vụ Nhật, dùng bút để nói chuyện (các viên chức Nhật Bản thời ấy đều biết chữ Hán).

Viên mật vụ này vốn có cảm tình với cách mạng Triều Tiên, sẵn sàng giấu ông, nếu ông quả là người Triều Tiên. Nhưng ông trước sau vẫn nói chắc bắp rằng mình không phải người Triều Tiên mà là người Trung Hoa. Người mật vụ liền mách nước: sắp tới có một phái đoàn Trung Quốc đến Nhật, nếu ông tìm cách gặp vị trưởng đoàn thì chắc sẽ được giúp đỡ.

Ông cũng chẳng dám mạo hiểm theo cách này, bèn bảo viên mật vụ hãy đưa mình đến gặp cảnh sát trưởng với hy vọng sẽ “được” bắt và dẫn độ về Bắc Kinh, là nơi ông cũng muốn đến và là cách đi không mất tiền!

Gặp cảnh sát trưởng, ông bút đàm để trình bày, đại khái: “Tôi là một người Trung Hoa, đọc sử, thấy quý quốc là một nước văn minh, liền đến để tận mắt nhìn thấy. Chẳng ngờ vừa đến đây, chưa phạm điều gì, thế mà cứ bị mật thám theo dõi, bạn cũ gặp chẳng dám chào, nhà trọ không dám chứa, chẳng thà các ngài trục xuất thì tôi sẽ đi ngay, chứ sao lại đãi người theo cách đó”.

Người cảnh sát trưởng trả lời: “Quý khách nhận nhầm đó thôi. Bản chức phái người đi theo dõi chẳng qua là để bảo vệ bình an cho quý khách”.

Nhưng rồi cảnh sát trưởng cũng hứa là từ mai “quý khách tùy ý đi chơi các nơi, ở trọ các nơi, bản chức sẽ sức cho các phái viên không nhiễu quý khách nữa”. Và quả nhiên sau đó mật thám Nhật không theo dõi nữa. Ông ở chơi Nhật Bản một tháng rồi mới đi Trung Quốc...

Ông, một người Quảng Nam thực thụ nhưng được bạn nói tránh thành người Quảng Đông để tìm đường vào nước Nhật. Khi về lại quê nhà Việt Nam, ông “đem đường lối phong cảnh mà mình đã trải qua nơi đất khách, chép nhặt một vài” (lời mở đầu sách Hạn mạn du ký), trong đó dành hơn 40 trang sách cho Nhật Bản với những ghi nhận rất sâu sắc về lịch sử, văn hóa, phong tục, chính trị, giáo dục của đất nước này. Xem thế, tuy nói là “lời ký của một người đi chơi phiếm” nhưng những gì ông để lại qua thiên ký sự này chẳng phiếm chút nào!

LÊ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.