Phạm Hữu Nghi làm quan qua 3 đời vua

.

Làm quan trải qua 3 đời vua triều Nguyễn, Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883), danh thần Phạm Hữu Nghi đã có nhiều cống hiến cho đất nước.

3 trong 4 tấm bia Văn Từ Phủ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: N.T
3 trong 4 tấm bia Văn Từ Phủ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: N.T

Theo ghi chép trong Đại Nam thực lục và Quốc sử quán triều Nguyễn, Phạm Hữu Nghi (1797 - 1862) người làng Trừng Giang, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tổ tiên của ông là người Nghệ An, sau di cư vào đây lập nghiệp. Cha ông là một nhà nho nên từ nhỏ Phạm Hữu Nghi đã được giáo dục bài bản. Ông thông minh sáng dạ, lúc lên 5-6 tuổi được cha dạy Đường thi, qua miệng là đọc thuộc. Khi đi học thầy, ông có cử chỉ đứng đắn như người lớn.

Năm Minh Mạng thứ hai (1821), ông lần đầu tiên ra kinh thành Huế dự kỳ thi Hương và đỗ Á nguyên. Năm sau, vào thi Hội không đỗ tiến sĩ, nhưng ông không học để thi lại mà ra làm quan.

Ban đầu ông được bổ làm Điển bạ sau thăng dần đến Tu soạn, sung làm chức Hành nhân sứ bộ đi sang nhà Thanh để điều đình việc ngoại giao giữa hai nước. Trên đường về nước, do vi phạm việc đệ trạm không hợp lệ nên ông bị cách chức phải đi “hiệu lực” (làm việc để chuộc tội), rồi phái đi công cán ở nước
Giang Lưu Ba (Singapore).

Sau chuyến công cán trở về, ông được khôi phục làm Tư vụ, thăng Chủ sự. Trong lần đầu tiên sung chức Hành nhân sứ bộ sang Trung Hoa, ông đã làm tập Sứ Yên tùng vịnh, gồm những bài thơ ông cảm tác trong suốt thời gian đi sứ, cảm nhận cuộc sống và cảnh vật nơi xứ người, cũng có bài thơ ông ứng tác trong lúc đối ẩm với bạn đồng hành và giới văn sĩ Trung Hoa lúc bấy giờ. Sách Đại Nam liệt truyện trong phần viết về hành trạng của ông, có đoạn: “Hữu Nghi thông các kinh, học rộng, lúc mới sung làm hành nhân, có làm tập Sứ Yên tùng vịnh, danh sĩ ở Trung Quốc cũng đều khen thưởng”.

Năm Minh Mạng 21 (1840), có tiếng là văn hạnh nên Phạm Hữu Nghi được thăng Thị giảng, sung Tán thiện, đổi làm Tu nghiệp Quốc Tử Giám (tức Phó hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám). Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), thăng bổ Án sát sứ Nghệ An. Tuy nhiên, được một thời gian thì ông được điều về kinh, thăng lên hàm Quang lộc tự khanh sung Toản tu Quốc sử quán.

Ở kinh đô, với tài năng của mình, ông đã cùng các quan trong triều như Thái bảo văn minh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế, Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn, Thượng thư Bộ Công Nguyễn Trung Mậu, Thượng thư Bộ Lễ Trương Bá Đạt… biên soạn và chỉnh lý bộ Thánh Tổ Nhân hoàng đế thực lục chính biên, tức là bộ sách Đại Nam thực lục, phần Chính biên, Đệ nhị kỷ. Bộ sách sử được biên soạn xong vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), khi làm bản tấu trình dâng lên vua, vua xem rất hài lòng và cho đem in.

Bộ sách được biên soạn theo ý chỉ của vua Thiệu Trị, được lưu trữ trong châu bản triều Nguyễn - Thiệu Trị, tập 10, tờ 112 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. Trong châu bản này, có thể thấy sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng quan trong triều chăm lo việc biên sử từ Tổng tài, Phó tổng tài đến các quan Toản tu, Khảo hiệu… Với vai trò là Toản tu tham gia soạn thảo cho thấy Phạm Hữu Nghi đã góp phần không nhỏ trong việc biên soạn và chỉnh lý bộ sách sử này.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông ứng chế bài “Nguyệt trung quế”, một bài phú được xứng ý, vua Tự Đức đọc khen hay, thăng thụ Hữu tham tri Bộ lễ, sung chức Giảng quan ở tòa Kinh diên để hằng ngày giảng sách cho vua nghe.

Năm Tự Đức thứ bảy (1854), khi đang làm Giảng quan tại tòa Kinh diên, ông đệ đơn tấu trình xin vua sưu tầm các văn thể từ đời Gia Long thứ nhất (1802) đến đời Thiệu Trị thứ bảy (1847) như sắc mệnh, chiếu cáo tiêu biểu, thư, sớ, bi ký, lộ bố (đời xưa dùng binh lược thắng trận, làm tờ dâng công trạng ở triều, gọi là lộ bố - ĐNCT) và tán tụng, tự bạt (lời bình luận của đời sau đăng ở cuối các tác phẩm - ĐNCT) do các quan trong triều nghĩ soạn thành một tập có nhan đề là Đại Nam văn uyển thống biên. Khi dâng sớ trình, vua cho là phải và giao cho ông trông coi việc sưu tầm và biên soạn. Khi biên thành tập thì được 76 quyển, gồm 1.421 bài. Đây là một phần của văn hóa Việt Nam nói chung và của triều Nguyễn nói riêng.

Sinh thời, dù trăm nghìn công việc nhưng lúc nào ông cũng nghĩ đến quê hương. Có lần, về thăm quê, gặp nạn bãi sông lở vì mùa lụt, ông cho mời họp bà con, xin ruộng đất của các làng lân cận để người dân khai khẩn, lập làng làm nơi ở cho người dân. Sách Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Nghi, lúc ngày thường, lưu ý đến quê hương. Khi Nghi ở làng lúc ấy, bị nạn bãi sông lở, Nghi bèn họp người làng, mưu xin ruộng của xã Thẩm Lĩnh để cho dân ở. Đến nay, dân làng còn nhớ ơn”.

Nặng lòng với quê hương, ông chăm lo tôn tạo các công trình văn hóa của xứ sở. Hiện nay, Bảo tàng thị xã Điện Bàn còn lưu giữ một số tấm bia, trong đó có bia khắc về Văn Từ Phủ - một công trình văn hóa trong vùng do ông và các tri thức khác như: Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh, Cử nhân Nguyễn Thành Châu, Tú tài Phạm Phú Hanh… góp công góp của dựng nên để tôn vinh sự nghiệp giáo dục, tôn vinh tri thức và sự hiếu học. Riêng ông, ngoài việc đóng góp 20 lạng bạc cho công trình, còn là người trực tiếp soạn thảo văn bia.

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), vì già yếu, ông xin về trí sĩ. Vua ban cho bạc lụa, mũ áo để ưu đãi. Về quê chưa lâu, tháng 3 năm ấy, ông bị bệnh mà qua đời ở quê nhà. Tin báo tang đến tai vua, vua ban cho thêm 500 quan tiền. Mặc dù, theo sử liệu triều Nguyễn thì ông qua đời ở quê nhà nhưng hiện nay không biết mộ phần của ông nằm ở đâu.

Hai người con của ông là Phạm Hữu Trác và Phạm Hữu Gia, đều làm bát phẩm Bộ Binh. Cháu nội của ông là Tiến sĩ Phạm Liệu, một trong “Ngũ phụng Tề phi” đất Quảng trong khoa thi Mậu Tuất dưới thời vua Thành Thái 1898.

NGUYỄN TRẦN

;
;
.
.
.
.
.