Cửa sổ tri thức

Quang tiền, dũ hậu

07:30, 07/02/2015 (GMT+7)

*Trong bài “Đình Bồ Bản: Dấu ấn văn hóa và lịch sử” đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử thứ Năm, 22-01-2015, một chú thích ảnh có ghi: “Bên trong chính điện, ở giữa đặt bàn hương án thờ Thành Hoàng làng và các vị thần có sắc phong. Tả ban đề chữ “Quang tiền” thờ các vị tiền hiền, hữu ban đề chữ “Dũ hậu” thờ các vị hậu tiền”. Xin cho biết Quang tiền, Dũ hậu nghĩa là gì? ( Nguyễn Hoàng - Hòa Vang )

- Quang tiền [光 前] và Dũ hậu [裕 後] là hai chữ thường được thờ trong các đình làng nhằm xưng tụng công đức của những người có công đầu khai hoang lập ấp, dựng nên làng xã. Quang tiền tôn vinh các bậc Tiền hiền, nghĩa là trước (thì) sáng sủa, rực rỡ. Dũ hậu tôn vinh các bậc Hậu hiền, nghĩa là sau (thì) giàu có, dư giả. Tuy nhiên chữ 裕 (trong Dũ hậu) đúng ra phải đọc là dụ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhựt (Mười Nhựt), người chuyên trùng tu đình chùa miếu mạo ở Đà Nẵng, do âm của từ “dụ” đọc lên nghe không được thanh (nó gần với một từ thông tục, rất kiêng kỵ đối với một nơi thiêng liêng là đình làng), nên người miền Trung đọc trại thành dũ.

Về chữ thờ trong đình Bồ Bản, theo lời cụ Hồ Mạo, 93 tuổi, nguyên là tư lễ trong làng, trước đây gian giữa đình còn để trống, còn hai bên tả hữu là “Quang tiền” và “Dũ hậu”. Thế nhưng, sau lần trùng tu đình năm 2008, gian giữa đình được gắn chữ “Thần”, hai gian tả hữu gắn hai chữ “Tiền hiền” và “Hậu hiền”.

Chuẩn bị long kiệu tại Lễ hội đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: quangninh.gov.vn
Chuẩn bị long kiệu tại Lễ hội đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: quangninh.gov.vn

Vì thế, tấm hình chụp một trang thờ trong đình (xem ảnh) với chú thích: “Bên trong chính điện, ở giữa đặt bàn hương án thờ Thành Hoàng làng và các vị thần có sắc phong. Tả ban đề chữ “Quang tiền” thờ các vị tiền hiền, hữu ban đề chữ “Dũ hậu” thờ các vị hậu tiền. Hai bên tả hữu có hai long đỉnh được chạm trổ công phu, dùng để thỉnh sắc vua ban” là không chính xác. Hai chữ này là Hậu hiền [後賢] chứ không phải Quang tiền [光 前] hay Dũ hậu [裕 後].

Nói thêm, từ “long đỉnh” trong chú thích trên rất tối nghĩa. Từ điển không thấy có từ này, nếu giải thích theo kiểu chiết tự thì long đỉnh có nghĩa là cái vạc/nồi/đỉnh/lư đốt trầm có chạm rồng (bởi chữ Hán chỉ có một chữ đỉnh [鼎] là danh từ, nghĩa là cái vạc, cái nồi, cái đỉnh, cái lư đốt trầm). Có lẽ tác giả đã nhầm với từ “long đình” chăng? Bởi long đình, từ điển tiếng Việt giải thích là “cái án có chạm rồng, có mui che để chiếu chỉ, sắc lệnh của vua ban ra”.

Tuy nhiên, theo chú thích nói trên, “long đỉnh được chạm trổ công phu, dùng để thỉnh sắc vua ban”, thì từ long đình dùng ở đây cũng không đúng. Bởi long đình là cái bàn án được đặt nguyên tại chỗ, bất di bất dịch nên không có chức năng “thỉnh sắc vua ban”. Để làm nhiệm vụ rước sắc, hoàn sắc, người ta dùng long kiệu – kiệu rước có chạm rồng.

Khác biệt rõ nét nhất giữa long đình và long kiệu là long kiệu có đòn khiêng còn long đình thì không.

ĐNCT

.