Cửa sổ tri thức
Sự tích bao lì xì
* Xin cho biết xuất xứ, ý nghĩa của lệ tặng bao lì xì ngày Tết? Những nước nào có tục lệ này? (Trần Văn Quảng, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Bao lì xì ngày Tết có xuất xứ từ Trung Hoa, bắt nguồn từ chuyện trẻ con bị yêu quái hãm hại.
Xưa, có một con yêu quái tên Sui cứ đến đêm giao thừa là xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ khiến chúng tỉnh giấc, hoảng sợ và khóc lớn. Sau đó các bé sẽ bị đau đầu, nóng sốt và nói nhảm; khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ trở nên ngu đần. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải chong đèn thức cả đêm để canh không cho yêu quái Sui hãm hại con mình. Đây là nguồn gốc tập tục thức qua đêm giao thừa.
Có một gia đình nhà họ Quan nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai nên rất cưng chiều. Tết nọ, có 8 vị tiên đi qua cho biết rằng cậu bé này sẽ gặp họa với yêu quái. Thấy nhà họ Quan có tâm tốt, thường hay giúp đỡ mọi người nên 8 vị tiên ra tay cứu độ bằng cách biến thành 8 đồng tiền, dặn cha mẹ cậu bé phải làm thế này, thế này… Giao thừa, Sui đến, định đưa tay chạm vào đầu cậu bé thì bất đồ 8 đồng tiền đặt trong mảnh giấy đỏ đặt cạnh gối cậu bé bỗng lóe lên một luồng sáng cực mạnh khiến cho yêu quái kinh hồn bạt vía, bỏ chạy.
Từ đó, chuyện 8 đồng tiền gói trong giấy đỏ lan truyền khắp nơi, kẻ gần người xa bắt chước làm theo mỗi khi Tết đến. Về sau, người ta nghĩ ra chiếc phong bì thay cho gói giấy đỏ và biến phép trừ yêu quái này thành tục mừng tuổi trẻ con mỗi khi Tết đến.
Cũng có truyền thuyết khác cho rằng tục mừng tuổi bắt nguồn từ thời nhà Đường bên Trung Hoa. Năm đó, Dương Quý Phi (phi tần của Đường Huyền Tôn, tức Đường Minh Hoàng) hạ sinh một hoàng tử. Hay tin, vua đích thân đến thăm và ban cho một số vàng bạc gói trong giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng, vừa là bùa phép vua ban để trừ tà, đuổi quái. Tin này đồn ra dân gian, người đời bắt chước làm theo.
Dù xuất xứ như thế nào thì bao lì xì đỏ luôn được xem là vật mang lại may mắn, tốt lành trong năm mới.
Người Hoa thường làm bao lì xì màu đỏ hoặc vàng vì họ cho rằng hai màu này tượng trưng cho sức sống, hạnh phúc và may mắn.
Người Nhật Bản gọi tục này là “Otoshidama” với bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh.
Người Malaysia dùng bao lì xì có màu xanh lá cây. Ý tưởng về chiếc phong bì màu xanh dựa trên tư tưởng lâu đời của đạo Hồi về việc làm từ thiện. Theo đó, vào đầu năm mới mỗi người theo đạo phải đem 2,5% thu nhập của mình cho những người nghèo khó.
Người Hồng Kông quan niệm năm mới thì cái gì cũng phải mới, cả tiền trong bao lì xì cũng thế. Năm nào cũng vậy, luôn có những dòng người đổ xô đi đổi tiền mới, khiến cho các ngân hàng ở Macao phải tất bật cuối năm in thêm tiền mới.
Ở Đài Loan, số tiền trong bao lì xì nhất định phải là số chẵn. Bởi theo họ, con số chẵn mang ý nghĩa cát tường.
Ngày nay, người Hoa tại Singapore thay vì mừng tuổi tiền giấy, họ dùng phiếu quà tặng, ngân phiếu, vé xe tháng, tem hoặc tiền xu để làm món quà đầu năm. Một số người Hoa trẻ ở Singapore lì xì cho cha mẹ bằng một bữa cơm tại nhà hàng hoặc một chuyến du lịch.
Ở Việt Nam, màu chủ đạo trên bao lì xì vẫn là đỏ, năm nào cầm tinh con gì thì cứ con ấy mà in lên. Con vật thì cũ, cứ 12 năm lại xuất hiện một lần, nhưng tiền thì dứt khoát phải mới.
Thời gian trôi qua, bao lì xì giờ đã đánh mất ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, không những không thể xua đuổi được tà ma mà lại còn có vẻ như khuyến khích lòng tham của trẻ con và cả người lớn. Nhiều trường hợp tặng tiền lì xì đầu năm “trên mức tình cảm” vì mục đích cá nhân đã làm cho tập tục ngày Tết đáng yêu này trở nên hợm hĩnh, biến tướng trong mắt nhiều người. Thậm chí, không ít người tặng phong bao cho người lớn hơn mình vẫn cứ vô tư nói là “lì xì”, trong khi lẽ ra phải trịnh trọng thưa là “mừng tuổi”.
ĐNCT