Cửa sổ tri thức
Các chất chữa cháy thông dụng
* Nhà tôi có một bình chữa cháy mi-ni chứa khí CO2, tôi nghe người ta nói bình loại này không được sử dụng để dập tắt các đám cháy than hay kim loại nóng đỏ. Cho hỏi vì sao vậy? (Trần Thị Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).
* Các chữ cái ABC ghi trên bình chữa cháy mi-ni có ý nghĩa như thế nào? Các chất chữa cháy thông dụng nào hiện được khuyến khích sử dụng (Lê Văn Hòa, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
- Bình chữa cháy mi-ni (loại nhỏ có thể cầm trên tay) hiện có hai loại: loại chứa bột và loại chứa khí điôxit cacbon (CO2).
Bình chữa cháy bằng CO2 thường được dùng để dập các đám cháy thiết bị điện tử, đồ vật quý hoặc thực phẩm vì khi phun không lưu lại chất chữa cháy (ở đây là CO2) trên vật cháy nên không làm hư hỏng thêm vật.
Bình CO2 chữa cháy rất hiệu quả đối với các đám cháy nơi kín gió, buồng, hầm, bếp và các thiết bị điện; tuy nhiên lại kém hiệu quả với đám cháy ngoài trời hay nơi thoáng gió vì CO2 khuyếch tán nhanh trong không khí.
Các nhà chuyên môn khuyến cáo tuyệt đối không dùng điôxit cacbon để dập các đám cháy than hay kim loại nóng đỏ, vì lúc đó sẽ xảy ra phản ứng hóa học tạo thành khí CO (mônôxít cacbon) là một chất khí không màu, không mùi, dễ cháy nổ và có độc tính cao:
CO2 + C = 2CO
CO2 + M = MO + CO
(C là ký hiệu của cacbon, chất có nhiều trong than; M là ký hiệu chỉ các kim loại).
Lưu ý, khi sử dụng bình CO2, không được phun khí vào người vì dễ gây bỏng lạnh. Khi phun, tay phải cầm đúng vị trí (nếu đụng vào các vị trí khác sẽ gây phỏng lạnh). Bình chữa cháy CO2 phải được đặt ở nơi râm mát và dễ lấy khi sử dụng. Đều đặn 3 tháng phải kiểm tra lượng khí trong bình một lần bằng phương pháp cân.
Các ký hiệu ABCD ghi trên vỏ bình chữa cháy mi-ni chỉ khả năng dập cháy của bình đối với các đám cháy khác nhau.
A: chữa cháy chất rắn (gỗ, giấy, nhựa, bông, vải, sợi…). B: chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, axeton, ancol…). C: chữa cháy chất khí (Metal, Hydro, Axetylen, Propan, Butan…). D: chữa cháy kim loại (sắt, thép, nhôm, đồng, và các loại hợp kim…).
Bình bột chữa cháy phổ biến hiện nay là thiết bị chữa cháy bên trong chứa khí ni-tơ (N2). Bột khô có tính năng cách ly và làm loãng, vì tỷ trọng bột nặng hơn ôxy không khí nên khi phun vào vùng cháy sẽ đẩy ô-xy vùng cháy ra khu vực khác và kìm hãm đám cháy. Bột chữa cháy này không độc, vô hại với người, gia súc và môi trường.
Bình chữa cháy bột khô thường có ký hiệu ABC-2; ABC-4; ABC-8 hoặc BC-2; BC-4; BC-8. Trong đó, các số 2, 4, 8 thể hiện trọng lượng bột được nạp trong bình, đơn vị tính bằng kilôgam. Trên mỗi bình đều có đồng hồ chỉ lượng bột còn lại. Nếu kim đồng hồ chỉ ở mức xanh là lý tưởng. Mức đỏ chỉ lượng bột đang ít dần. Mức vàng là mức báo động do quá trình bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp, lượng bột quá giới hạn... Bình bột chỉ bảo quản trong khoảng 1 năm.
Ngoài các chất chữa cháy nói trên (CO2, bột khô), có thể dùng nước, cát và bọt chữa cháy.
Nước có khả năng thu nhiệt lớn, có tác dụng làm lạnh; bốc hơi (1lít nước thành 1.720 lít hơi) nên tạo thành màng ngăn ôxy với vật cháy có tác dụng làm ngạt. Tuy nhiên, các vụ cháy do chập điện không được dùng nước chữa cháy.
Cát có thể làm ngạt và có khả năng ngừng trệ phản ứng cháy. Đối với chất lỏng cháy, cát còn có tác dụng ngăn cháy lan, dùng cát đắp thành bờ.
Bọt chữa cháy có tác dụng chữa các đám cháy chất lỏng như xăng dầu, vì bọt nhẹ hơn nổi trên bề mặt chất cháy, liên kết tạo thành màng ngăn giữa chất cháy với ô-xy.
ĐNCT