Cửa sổ tri thức
Về địa danh Tam Kỳ
* Địa danh Tam Kỳ xuất hiện từ bao giờ và mang ý nghĩa ra sao? (Hà Văn, Hội An, Quảng Nam).
- Địa danh “Tam Kỳ” xuất hiện lần đầu tiên trong thư tịch là cuốn “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn viết khoảng năm 1776. Trong cuốn sách “ghi chép việc vỗ yên dân ở vùng biên cảnh” này, tác giả có nêu hai con sông cùng mang tên Tam Kỳ. Sông Tam Kỳ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hình thành do hợp lưu của sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu nay thuộc huyện Hương Trà. Sông Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, được tác giả ghi: “Từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá, quán Phú Khương ở sông Tam Kỳ rồi đến sông Bàu Bàu mất một ngày đường”.
Tam Kỳ chính thức trở thành địa danh hành chính muộn nhất là 9 năm trước khi sách của Lê Quý Đôn ra đời, năm 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Theo bài viết “Khám phá Tứ Bàn (bài 1): Làng xưa” đăng trên baoquangnam.com.vn thì cụ ông Trần Văn Tuyền (87 tuổi, tổ 1, khối phố Hương Trà Tây, Hòa Hương) còn giữ một đạo sắc phong thời kỳ này: “Cảnh Hưng thứ 27, ngày 21 tháng 2, năm Đinh Hợi” (tức năm 1767) và mở đầu bằng một câu vị hiệu: “Thị Thăng Hoa phủ, nội phủ kim hộ thuộc, tân lập Tam Kỳ xã”. Như vậy, việc lập xã mới Tam Kỳ hẳn phải diễn ra trước khi ban sắc hoặc muộn nhất là ngay trong năm ban sắc.
Bấy giờ xã Tam Kỳ thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa. Theo Đại Nam nhất thống chí, đầu thời Gia Long, phủ lỵ Hà Đông đặt ở xã Chiên Đàn, đến năm Thiệu Trị thứ hai (1842) mới dời về xã Tam Kỳ, lúc đó vẫn còn gọi là huyện lỵ Hà Đông. Năm Thành Thái thứ mười tám (1906), vua Thành Thái mới ban chiếu chỉ chính thức “nâng cấp” huyện Hà Đông thành phủ và đổi tên thành phủ Tam Kỳ.
Về nguồn gốc tên gọi Tam Kỳ, hiện có nhiều giả thuyết. Giải thuyết khả tín nhất, theo chúng tôi, Tam Kỳ là “chỗ rẽ ba nhánh”. Địa danh “Tam Kỳ” được gọi theo hình sông thế núi của vùng đất này, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông. Nhìn từ ngoài biển vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: Núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Khi ghé thuyền vào hướng 3 ngọn núi này, sẽ gặp cửa sông, nơi hợp lưu của ba con sông: Tam Kỳ, Trường Giang và Bàn Thạch. “Tam Kỳ” trong sách Đồng Khánh địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí nguyên bản chữ Hán ghi là 參 岐; trong đó 參 là cách viết khác của chữ 三 (tam), 岐 (kỳ) là chỗ rẽ, nhánh chia ra. Như vậy, “Tam Kỳ” là chỗ rẽ làm ba nhánh.
Có giả thuyết cho rằng chữ Tam Kỳ là chỉ vị trí vùng đất ở giữa ba kỳ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ - tên gọi của ba miền Việt Nam thời Pháp thuộc. Có người lại cho rằng cách gọi Tam Kỳ là nói đến vùng đất nằm ở trung tâm của tuyến đường sắt xuyên Việt. Điều này bất khả tín, bởi tuyến đường sắt này khánh thành năm 1936, trong khi phủ Tam Kỳ đã có từ 1906, còn tên sông ít nhất phải có trước 1776, khi Lê Quý Đôn cho in sách Phủ biên Tạp lục.
ĐNCT