Cửa sổ tri thức
Nhẫn cưới đeo ở ngón áp út
* Vì sao có lệ đeo nhẫn cưới ở ngón áp út mà không phải ở một ngón tay khác? (Mỹ Hằng, Hải Châu, Đà Nẵng)
(Nguồn: Handwovenbands.com) |
- Nhẫn cưới được coi là đã xuất hiện ngay từ thời Ai Cập cổ đại với các chất liệu làm bằng sừng, bằng da cùng nhiều chất liệu khác. Đến thời La Mã, nhẫn cưới còn được coi là một biểu tượng mang ý nghĩa sở hữu, chiếm đoạt. Khi một chiến binh La Mã trao nhẫn cho một cô gái, điều đó có nghĩa rằng cô gái đó đã thuộc quyền sở hữu của anh ta.
Nhẫn cưới của người La Mã (được gọi là Anulus Pronubus) thường được làm từ kim loại, biểu trưng cho sự vững bền và sức mạnh. Nhẫn cưới ngày nay thường được làm bằng vàng, bạch kim sang hơn thì gắn kim cương. Nhẫn có hình tròn biểu tượng cho tình yêu không bao giờ kết thúc; mặt trong thường có đục một vòng tròn nhỏ ở trung tâm để thể hiện cho cánh cửa đi vào của tình yêu.
Theo phong tục của người La Mã, nhẫn cưới được đeo vào ngón trỏ phía bên tay trái vì người La Mã quan niệm rằng ở đây có một mạch máu dẫn thẳng tới tim và họ gọi đó là Mạch máu Tình yêu (tiếng La tinh gọi là Vena Amoris, dịch sang tiếng Anh là Vein of Love). Tuy vậy, các bác sĩ đương đại phủ nhận chuyện này và cho rằng đây chỉ là một chuyện tưởng tượng mà thôi.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có người dân một số nước châu Âu như Na Uy, Hy Lạp, Nga, Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha,… đeo nhẫn cưới ở ngón trỏ bên tay phải chứ không phải ngón áp út bên tay trái.
Lý giải việc đeo nhẫn cưới ngón áp út, tờ Sài Gòn tiếp thị số ra ngày 12-11-2007 có bài “Lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út”.
Theo đó, bạn để hai bàn tay đối diện, gập ngón giữa lại và áp sát vào nhau rồi cho hai bàn tay mở ra nhưng các ngón còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón. Bạn sẽ thấy các ngón cái, trỏ, út đều dễ dàng tách ra nhưng riêng hai ngón áp út lại không thể rời. Và đây cơ sở để người Trung Quốc đưa ra một cách giải thích rất thú vị và thuyết phục về lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.
Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn.
Khi thử úp hai bàn tay theo kiểu đã nói ở trên, bạn sẽ thấy chỉ có ngón áp út là không thể tách nhau ra được. Đó là bởi cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn. Anh em cũng sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn. Cuối cùng con cái bạn cũng vậy, chúng sẽ tạo dựng cuộc sống của riêng mình chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.
Còn với ngón áp út, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi không thể tách rời chúng ra khỏi nhau. Đó là vì bạn cùng người bạn đời được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó không thể tách rời suốt cả cuộc đời, cho dù tất cả thế giới này bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa.
Đó chính là lý do tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út - bài báo đã dẫn kết luận.
ĐNCT