Cửa sổ tri thức
"Boa" hay "bo"?
* Việc trả tiền để cảm ơn người phục vụ mình, có người nói là tiền “boa”, có người lại gọi là tiền “bo”. Xin cho hỏi cách gọi nào là đúng? Khi nào thì cần boa/bo và với mức bao nhiêu thì vừa? (Trần Văn Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Để bày tỏ lời cám ơn một cách tế nhị, lịch lãm đến những người đã tận tâm phục vụ chu đáo mình trong một dịch vụ nào đó, người Pháp “pourboire”, nghĩa là cho tiền (để người phục vụ mình) uống nước. Pourboire được ghép từ 2 từ pour (để, cho) và boire (uống), ngày trước người Việt phát âm là “puộc boa” (hoặc “puốc boa”), ngày nay nói gọn thành “boa” (“boa” đã là nói tiếng “bồi” rồi; phát âm thành “bo” là “tiếng bồi của tiếng bồi”, không chuẩn).
Với nghĩa tương đương, người Anh có từ tip, nghĩa là tiền quà, tiền diêm thuốc.
Khi nào thì “boa”? Đó là khi bạn được phục vụ và cảm thấy hài lòng; khi bạn cảm thấy giá dịch vụ rẻ hơn những gì mà bạn nhận được; khi bạn sợ rằng mình ngồi quá lâu, uống quá nhiều trà đá miễn phí hay nhờ nhân viên quá nhiều...
“Boa” là nghĩa cử đẹp vì tình người giữa người mua (có tiền) và người bán (làm thuê, không có tiền) trong đời sống kinh tế thị trường. Không “boa” cho chủ, chỉ “boa” cho nhân viên. “Boa” tiền là một cách cảm ơn khéo người bán bởi vì họ có thái độ tận tình hơn cả giá trị hàng hóa mà ta mua. Hiểu đúng giá trị của việc tip tiền mới thực sự có được “văn hóa tiền boa”.
Hành vi “boa” tiền có thể là văn hóa hoặc phi văn hóa. Nếu “boa” bằng tấm lòng chân thực và thông cảm với tiền lương của nhân viên thấp mà công việc lại nặng nhọc thì đó được xem là có văn hóa. Nhưng nếu “boa” tiền mà lợi dụng người bán hàng/nhân viên phục vụ về tình cảm, thể xác… thì hành vi này chỉ là sự đổi chác thông thường và là phi văn hóa.
Có không ít người cho tiền “boa” nhưng với thái độ “ta đây” nên bị nhân viên lườm nguýt, bị người ngồi bàn khác bình phẩm, bị chủ quán trả lại. “Boa” cũng phải đúng cách. Nếu quán có bìa kẹp tiền thì hãy đặt tiền “boa” vào đấy sau khi nhân viên đưa tiền thừa (thối lại) ra. Khi trao tiền “boa”, hãy nhìn vào người nhận và nhẹ nhàng nói “Cám ơn em”, hoặc “Em vất vả từ nãy giờ rồi”, hoặc khen ngợi một món ăn nào đó. Hãy lấy lại tiền lẻ thừa (thường là tiền giấy cũ nhàu) và “boa” bằng một tờ tiền polymer mới. Để là một người lịch lãm trong hành vi “boa”, tuyệt đối không “boa” bằng các tờ tiền mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng; không vừa trả tiền vừa hét toáng lên “khỏi thối!”...
Ở nước ngoài, một số dịch vụ có quy ước ngầm về tiền “boa”, ví dụ ăn tối thì 15%, đi taxi thì 10%,... trên tổng số tiền phải trả. Ở Việt Nam, người ta thường “boa” số tiền lẻ còn thừa, nên người nhận sẽ hên xui tùy vào tiền thừa nhiều hay ít.
Tiền “boa”, với khách, 10% sẽ không tốn kém thêm bao nhiêu khi họ đã quyết định dùng dịch vụ; với nhân viên phục vụ, đó là khoản thu nhập quan trọng của họ. Một số nhà hàng đưa ra quy ước ngầm là tiền “boa” được gom lại một đầu mối và chia theo tổ phục vụ từng khu vực, tiền này nhiều khi cao hơn cả tiền lương chính của họ.
Hầu hết các chủ dịch vụ không lấy tiền “boa”. Tuy nhiên, số tiền “để uống nước” này giúp họ giữ chân nhân viên. Khi nhân viên có thêm thu nhập và vui vẻ làm việc thì họ sẽ giảm gánh nặng tiền lương; tất nhiên, chất lượng dịch vụ của họ sẽ ngày một được cải thiện và khách hàng sẽ đến với họ nhiều hơn.
Vì thế, nhiều nhà hàng xem tiền “boa” là thước đo đánh giá dịch vụ của họ. Tiền “boa” cũng tạo ra hình ảnh khách hàng lịch thiệp hơn trong mắt nhân viên và hàng quán, lần sau đến thế nào cũng được phục vụ tốt hơn.
ĐNCT