Cửa sổ tri thức

Về thành ngữ "Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù"

17:05, 24/01/2016 (GMT+7)

* Từ lâu tôi đã nghe cha tôi dặn dò cách ứng xử qua câu nói người xưa “Hậu hôn, điền thổ, vạn cổ chi thù”. Nhưng có người lại cho rằng câu này còn có một số dị bản nữa, như “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ thâm thù”. Xin cho biết câu nào là đúng. (Nguyễn Nhựt, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Văn học dân gian có tính quần chúng, lưu hành chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu nên dễ dẫn đến hiện tượng dị bản. (Dị bản: bản có những chỗ khác với bản được phổ biến rộng rãi của một tác phẩm văn học - Từ điển tiếng Việt tái bản năm 2009, Viện Ngôn ngữ, GS Hoàng Phê chủ biên).

Thành ngữ “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù” cũng có một số dị bản (những từ in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh).

Hậu hôn, điền thổ, vạn cổ chi thù” nghĩa là chuyện vợ lớn vợ bé (ngày nay là kết hôn lần hai sau khi ly dị) và chuyện tranh chấp ruộng đất là hai vấn đề luôn đưa đến thù hận muôn đời.

Cùng với nét nghĩa này, có một dị bản nữa: “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ thâm thù” (thâm thù: mối giận ghét sâu xa); “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ thù” (tư thù: mối thù riêng); “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ di cừu” (di cừu: để lại mối oán hận sâu xa)…

Ca dao vùng Lục Tỉnh, Nam Bộ, có một dị bản hoàn toàn khác: “Hộ, hôn, điền, thổ, vạn cổ thi thù, ớ bậu ơi/ Vui sướng chi bậu hòng hớn hở/ Cơ hội này ngàn thuở không nguôi”. (Hộ: nhà cửa; hôn: việc cưới xin; điền: ruộng, đồng; thổ: đất đai). Câu này có ý nói sinh ra thù oán muôn đời có đến những 4 nguyên nhân chính: nhà cửa, cưới hỏi, ruộng đồng, đất đai.

Không hẳn bây giờ mới xảy ra những vụ “vạn cổ chi thù” như thế, mà từ xa xưa nông thôn Việt Nam đã có nhiều chuyện oán thù dai dẳng có tính “truyền kiếp”. Chúng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, về sau người ta thấy thực tế có hai nguyên nhân chính là hôn nhân và ruộng đất, từ đó đúc kết kinh nghiệm và khái quát hóa thành câu thành ngữ “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù”.

Vạn cổ [萬古] là từ Hán Việt, theo Tự điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng có hai nét nghĩa: “Muôn đời xưa/xưa lắm” và “Muôn đời, đời nào cũng vậy”. Vạn cổ trong “vạn cổ chi thù” có nét nghĩa thứ hai, như “vạn cổ” ở hai câu đầu trong bài thơ Quá Dục Thúy sơn (Qua núi Dục Thúy) của Cao Bá Quát: Thiên địa hữu tư sơn/ Vạn cổ hữu tư tự. (Trời đất có núi ấy/ Muôn thuở có chùa này).

Chữ Hán có từ cố [故] cũng được đọc là cổ, như trong cổ sự, cố sự [故事] nên thành ngữ đang xét cũng có một số tác giả viết thành “Hôn nhân, điền thổ, vạn cố (dấu sắc) chi thù”, như các bài viết “Thanh Trì, cuộc đua về đích: Cánh đồng của những nụ cười” đăng trên nongnghiep.vn ngày 25-5-2015, “Thời cơ trong thách thức” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 21-6-2013... Tác giả Nguyễn Khắc Trường trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (NXB Văn học, Hà Nội, 2003) cũng ghi như thế.

Theo chúng tôi, viết “vạn cố chi thù” là không chuẩn. Bởi lẽ cố [故] chỉ có nghĩa “cũ, xưa”; trong khi đó cổ [古] mới có thêm nét nghĩa “lâu đời” như đã nói trên.

ĐNCT

.