Cửa sổ tri thức

Lợn quay ra, gà quay vào

10:02, 21/02/2016 (GMT+7)

* Trong lễ cúng của người Việt, người ta hay nói “Lợn quay ra, gà quay vào”. Xin cho biết câu này ý nghĩa như thế nào? (Trần Mỹ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Vì sao cúng giao thừa phải là con gà trống với miệng ngậm một bông hồng? (Phan Lan Hoa, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- “Lợn quay ra, gà quay vào” nghĩa là (khi cúng tế) mà nếu có đặt đầu lợn (hoặc cả con lợn) thì quay hướng đầu nhìn ra phía ngoài nhà; đặt gà thì để đầu gà hướng vào phía trong nhà.

Riêng về gà, theo ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), thì tùy lễ cúng mà có cách đặt để thích hợp.

Với mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, thường là đặt đầu gà quay vào phía bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không nên đặt gà quay đầu ra, vì tư thế đó được cho là gà “không chịu chầu”.

Gà cúng nếu đầu quay ra ngoài sẽ đẹp mắt hơn; quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, trông không được đẹp. Tuy nhiên, theo ông Hà Thanh, cúng tế cốt mang ý nghĩa tâm linh chứ không phải cho có hình thức đẹp.

Với mâm cúng giao thừa nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ông thần Hành khiển coi việc nhân gian đi qua. Dân gian tin rằng mỗi năm Âm lịch có một ông thần Hành khiển, năm nào thần giỏi giang, anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật...

Trái lại, gặp phải ông thần lười biếng, kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Hết năm, thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng giao thừa để “tống cựu nghinh tân”, hướng đầu gà quay ra ngoài để đón ông thần mới.

Lệ cúng gà trống đêm giao thừa xuất phát từ chuyện tích dân gian.

Thần thoại của một số dân tộc Việt Nam kể rằng, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, ngài bèn sai 10 Mặt trời (cũng là 10 người con của Ngọc Hoàng) ngày đêm chiếu sáng để mặt đất không lạnh lẽo, ẩm thấp. Có điều, khi mặt đất đã ấm lên, rồi khô rang, nứt nẻ mà ngài quên không thu Mặt trời về, khiến con người khổ sở vì mất mùa và nắng nóng.

Thế rồi bỗng xuất hiện một chàng dũng sĩ có sức khỏe phi thường cùng chiếc cung thần mầu nhiệm. Chàng giương cung lên, bắn rụng 9 ông Mặt trời xuống biển. Ông cuối cùng còn lại sợ quá, trốn biệt, khiến mặt đất trở nên lạnh lẽo, tối tăm như trước. Dù con người và loài vật mấy phen rủ nhau đi gọi nhưng Mặt trời vẫn bặt vô âm tín.

Ngày nọ, có chú gà trống choai khỏe mạnh, vạm vỡ, bất đồ nhảy ra vươn cổ, dùng hết sức bình sinh cất lên một tiếng gáy dậy trời đất. Nghe tiếng gáy, Mặt trời tò mò vén mây nhìn xuống rồi quên cả sợ hãi, hạ thấp dần độ cao và mặt đất sáng bừng trở lại.

Đêm trừ tịch đón giao thừa trời đất tối tăm (tối như đêm ba mươi), đó là lúc Mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hy vọng chú sẽ đánh thức Mặt trời để đủ đầy ánh nắng cả năm.

Trong cúng tế thần linh, gia tiên nói chung, cúng giao thừa nói riêng, gà trống được chọn làm lễ vật vì dân gian cho rằng gà trống có 5 đức lớn hơn hẳn các loại gia cầm khác: Văn (đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp), Võ (chân cứng, có cựa), Dũng (thấy đối thủ sẽ xông vào), Nhân (có thức ăn sẽ gọi đồng loại), Tín (đúng giờ sẽ cất tiếng gáy).

Trong lễ cúng giao thừa người ta cho gà trống ngậm một bông hồng đỏ để tượng trưng cho hình ảnh gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời trong ngày đầu tiên năm mới, mang lại vận đỏ cho gia chủ. Vì thế, cúng giao thừa, người ta đặt gà trống quay hướng ra cửa, ngoài ý nghĩa đón ông thần Hành khiển coi việc nhân gian đi qua, còn là cách gọi vận may chiếu rọi vào cửa nhà mình.

ĐNCT

.