Cửa sổ tri thức

Đại học Đông Dương

21:42, 12/11/2017 (GMT+7)

* Bạn tôi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, đại học này có tuổi đời trên thế kỷ và tiền thân là Đại học Đông Dương. Xin quý báo giới thiệu đôi nét về trường đại học dưới thời Pháp thuộc này. (truongquang2020@...).

Nét cổ kính của Đại học Đông Dương, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: vietnamtravel.deals
Nét cổ kính của Đại học Đông Dương, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: vietnamtravel.deals

- Tập san Đại học Quốc gia Hà Nội số 180 (2-2006), từ trang 42 đến trang 45 có bài viết Sự ra đời của Đại học Đông Dương (ĐHĐD) qua tài liệu lưu trữ của TS Đào Thị Diến. Tác giả dẫn hai tài liệu nói về sự ra đời và hoạt động của ĐHĐD.

Tài liệu thứ nhất: Nghị định số 1514a ngày 16-5-1906 do Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký ban hành nhằm mục đích “đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương”. Nghị định này có một tầm quan trọng đặc biệt vì nó chính là văn bản khai sinh ra trường đại học đầu tiên theo mô hình của Pháp tại Đông Dương.

Theo nghị định này, trường ĐHĐD được tổ chức bởi 5 trường thành viên: Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính (Ecole Supérieure de Droit et Administration); Trường Cao đẳng Khoa học (Ecole Supérieure des Sciences); Trường Cao đẳng Y khoa (Ecole Supérieure de Médecine); Trường Cao đẳng Xây dựng dân dụng (Ecole Supérieure du Génie Civil); Trường Cao đẳng Văn chương (Ecole Supérieure des Lettres).

ĐHĐD được phép làm lễ khánh thành theo Nghị định ngày 12-6-1907 vào ngày 10-11-1907, tại Phủ toàn quyền cũ (khu nhượng địa) ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thống sứ Bắc Kỳ De Miribel.

Cuối tháng 11-1907, trường khai giảng khóa đầu tiên với sự có mặt của 193 sinh viên gồm: 94 sinh viên mới, 62 sinh viên dự thính và 37 sinh viên năm thứ nhất trường Y sang tham dự một số giờ học của môn khoa học ở ĐHĐD. Trong năm học đầu tiên này, một số viên chức các sở chuyên môn tuy không theo học chính thức nhưng cũng được phép tham gia các giờ thực hành tại các trường thuộc ĐHĐD.

Tuy nhiên, sau khi năm học đầu tiên này kết thúc, ĐHĐD đã đột ngột đóng cửa, không bởi một văn bản pháp lý nào, không cả một lời giải thích của bất cứ một vị quan chức nào trong bộ máy chính quyền thuộc địa.

Tài liệu thứ hai: Bộ “Học chính tổng quy” (Règlement général de l’Instruction publique) do Toàn quyền Albert Sarraut ban hành bằng Nghị định ngày 21-12-1917. Bổ sung cho nghị định này là Quy chế chung về giáo dục bậc Cao đẳng ở Đông Dương (Règlement général de l’Enseignement supérieur) được Toàn quyền Albert Sarraut ban hành lần đầu tiên bằng Nghị định ngày 25-12-1918 và sau đó không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là văn bản có tính chất pháp lý quan trọng đối với giáo dục bậc cao đẳng ở Đông Dương nói chung và đối với tổ chức ĐHĐD nói riêng.

Trong vòng 10 năm, từ giữa 1907 đến 1917, sau cuộc cải cách của Paul Beau, nền giáo dục cấp 2, cả giáo dục bản xứ lẫn giáo dục Pháp ở Đông Dương, đã phát triển tốt hơn chuẩn bị cho những sinh viên theo được giáo dục cấp 3, tạo điều kiện vững chắc cho sự hồi sinh của ĐHĐD vào năm 1917. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất của Paul Beau, trên thực tế, đã đặt nền móng cho toàn bộ nền giáo dục ba cấp của Pháp ở Việt Nam.

TS Đào Thị Diến kết luận: “Hai tài liệu trên đây là những chứng cứ xác thực để chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: Trường ĐHĐD được thành lập ngày 16-5-1906 và được tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong lịch sử giáo dục ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng bắt đầu từ ngày 21-12-1917. Những chứng cứ này tồn tại một cách khách quan, đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ Việt Nam và Pháp là những tư liệu đáng tin cậy cho những ai quan tâm nghiên cứu về lịch sử Đại học Đông Dương và lịch sử giáo dục đại học Việt Nam”.

ĐNCT

.