Cửa sổ tri thức

Thành Chim Hạc

08:06, 01/04/2018 (GMT+7)

* Tôi nghe nói tỉnh Thanh Hóa ngày trước có một thành cổ tên là thành Chim Hạc. Xin cho hỏi xuất xứ của tên gọi này là gì? (Hoàng Văn Tám, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Thành Thọ Hạc có 6 góc. Nguồn: Internet
Thành Thọ Hạc có 6 góc. Nguồn: Internet

- Thành Chim Hạc hay Hạc Thành, còn gọi là Trấn thành Thanh Hóa, thành cổ Thanh Hóa, là một thành lũy được xây dựng ở Thanh Hóa vào thời nhà Nguyễn.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra vương triều Nguyễn nhưng lòng vẫn không yên với đất Bắc Hà, nơi có nhiều cựu thần nhà Lê. Sau ngày đăng quang vua Gia Long bàn bạc chia đặt quan chức để cai quản 11 trấn Bắc Thành, bàn phép khoa cử thu hút nhân tài, vỗ về sĩ phu đất Bắc.

Theo bài viết Hai trăm mười tuổi, Hạc thành của tác giả Xuân Ba đăng trên Báo Tiền Phong ngày 14-11-2014, Hạc thành chính là địa danh vua Gia Long đặt để chỉ nơi đóng sở lỵ mới của trấn Thanh Hoa ngày đó. (Ban đầu là Thanh Hoa, về sau do kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa mà đổi thành Thanh Hóa).

Sau khi xưng vương (1802), năm 1804, vua Gia Long tuần du gấp ra Bắc Hà với mục đích chiêm bái mảnh đất phát tích của nhà Nguyễn là Gia Miêu Ngoại trang, cùng dâng hương trước phần mộ viễn tổ Nguyễn Kim (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Việc cúng tế xong, ngài nảy luôn một quyết định hệ trọng trong chuyến tuần du là phải dời trấn lỵ Thanh Hoa vốn hàng ngàn năm vẫn đóng ở Tư Phố (thủ phủ của xứ Thanh xưa, ở làng Giàng xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Tương truyền nhà vua phân vân lắm… Chập chờn giấc mơ trong cái đêm về sáng ở đất Gia Miêu, chợt có vị thần mách bảo, mai sáng sẽ có con hạc trắng chỉ đường. Sáng sau có bạch hạc hiện thật. Xa giá vua Nguyễn gập ghềnh trực chỉ hướng bay của cánh hạc. Chỉ ít dặm đường thì hạc đỗ. Một vùng đất non xanh nước biếc bao la trước mắt…

Chuyện xưa kể rằng, đến một vùng đất mới có rất nhiều đầm nước xanh biếc, chim hạc hạ cánh xuống trước xe nhà vua và gật gật đầu. Vua chưa kịp đáp lời cảm tạ thì chim đã vụt bay sang một đầm nước kế bên, thân hình đột nhiên cứ nhỏ dần nhỏ dần hòa lẫn vào các loài chim khác đang tung tăng bơi lội trên mặt nước. Nhà vua phóng tầm mắt bao quát khắp vùng. Quả là nơi sơn thủy hữu tình. Núi sông như đặt bày trên đồng xôi bãi mật. Phía đông có dãy Linh Trường và dãy Trường Lệ làm án. Tả có long sơn long thủy, hữu có hổ phục hổ chầu. Đây chính là vùng đất vua trông đợi bấy lâu nay. Vui mừng khôn xiết nhà vua chỉ tay xuống đất dõng dạc bảo các quần thần: Ta sẽ dựng thành ở chính nơi này.

Năm 1804, vua Gia Long hạ chiếu chỉ di dời lỵ sở của trấn Thanh Hóa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa đến làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, đồng thời tiến hành xây dựng thành trấn lị.

Sau hơn ba năm xây dựng, trấn lỵ mang tên mới Hạc Thành (thành Chim Hạc) được hình thành với vóc dáng một công trình kiến trúc bắt mắt. Hạc Thành có dáng hình lục lăng, chu vi dài tới 360 trượng (một trượng bằng 10 thước ta, một thước ta bằng 0,4m) có hào sâu bao quanh chân thành, có hành cung dành riêng cho nhà vua mỗi khi đi thị sát, có dinh thự cho ba vị quan đầu tỉnh: Tổng đốc, Án sát (Ty Phiên), Tuần phủ (Ty Niết) lại có cả trại giam dành cho kẻ phạm tội. Bên cạnh khu an sinh, các chợ, các phố dần định hình. Chợ có chợ Vườn Hoa lớn nhất tỉnh, các phố mang tên nghề như phố Hàng Đồng chuyên bán đồng, phố Hàng Hương chuyên sản xuất và buôn bán hương cúng…

Tòa thành đó gọi là thành Chim Hạc hay thành Thọ Hạc, gọi theo tên làng ngày đó.

ĐNCT

.