Tứ bất tử

.

* Xin cho hỏi, “Tứ bất tử” trong văn hóa tâm linh người Việt gồm những vị nào? (Nguyễn Hoàng, Liên Chiểu, Đà Nẵng)

- “Tứ bất tử” là thuật ngữ để chỉ về bốn vị thần (thánh) được coi là linh thiêng bất tử vào bậc nhất trong tâm thức dân gian Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987), trong thiên truyện Trên đỉnh non Tản in trong tập Vang bóng một thời, có viết: “... Bốn vị Tứ bất tử nơi thế giới u linh: thánh Tản Viên, chúa Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử, và Phù Đổng Thiên Vương”.

Tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội. Nguồn: Internet
Tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội. Nguồn: Internet

Cùng với đó, các tác giả Hà Kỉnh (1922-1995) trong cuốn Truyền thuyết Sơn Tinh, Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh trong chuyên khảo Tứ bất tử cũng đều cho rằng bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Đức Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Tản Viên Sơn Thánh (hay Sơn Tinh) là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi nước Việt Nam. Các nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam như PGS,Viện sĩ Trần Ngọc Thêm (năm 1999), Lê Đức Thịnh (năm 2001) nhận định: “Thánh Tản Viên là vị thánh đầu tiên được nhắc đến trong tâm thức dân gian của người Việt, là vị thánh biểu đạt cho khả năng sáng tạo to lớn của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân”.

Phù Đồng Thiên Vương hay Thánh Gióng là người đánh giặc Ân ở đời Hùng Vương thứ VI, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ. Truyền thuyết Thánh Gióng còn ẩn chứa giá trị triết lý sinh tồn của dân tộc Việt Nam: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Với ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc, năm 2010 Lễ hội Thánh Gióng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chử Đồng Tử người Chữ Xá, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh. Chử Đồng Tử kết duyên với Tiên Dung Công chúa, con gái Hùng Vương, sự tích được kể rõ ràng trong sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính. Người Việt tôn thờ Chử Đồng Tử như ông tổ của đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ). Theo quan niệm dân gian, Chử Đồng Tử là người ở cõi tiên giáng trần, có đức độ tài ba, sau đó dùng phép lạ của mình để cứu nhân độ thế được dân gian tôn thờ, ngưỡng mộ.

Liễu Hạnh Công chúa người làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà là người văn hay chữ tốt đã được triều đình sắc phong Công chúa. Bà tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ.

Trong tiềm thức của nhân dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng của khát vọng tự giải phóng, nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng người mẹ.

ThS Ngô Minh Thuận trong bài viết “Tín ngưỡng thờ Tứ bất tử giá trị truyền thống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam” đăng trên http://btgcp.gov.vn (Ban Tôn giáo Chính phủ) nhận định như sau:

“Tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” là một nét sáng tạo độc đáo, riêng biệt thuần túy của người Việt Nam được kết tinh từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh “dựng nước và giữ nước”, là một bộ phận không thể tách rời trong di sản văn hóa của dân tộc. Ngày nay, tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” tiếp tục làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.