* Hai chỉ số IQ và EQ nghĩa là gì, chỉ số nào quan trọng hơn đối với con người (Mỹ An, Thanh Khê, Đà Nẵng)
- IQ là viết tắt từ tiếng Anh Intelligence Quotient, nghĩa là Chỉ số Thông minh (cũng có tài liệu ghi là Thương số Thông minh).
Minh họa IQ và EQ trên Internet. Ảnh: Internet |
Theo bài viết “Con người và các chỉ số cần biết” đăng trên trang http://www.ask.edu.vn (Trường Đào tạo Kinh doanh A.S.K), Chỉ số Thông minh IQ được tính theo công thức: IQ=(AM/AR)x100. Trong đó AM là tuổi khôn, AR là tuổi thực. Tuổi khôn được xác định qua các nghiệm pháp (tests) hình vẽ... để kiểm tra khả năng nhớ, suy đoán, tính toán...
EQ là viết tắt từ tiếng Anh Emotional Quotient, nghĩa là Trí thông minh Cảm xúc (có tài liệu ghi là Thương số Cảm xúc). EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới.
EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.
Người ta thường nói “với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất. EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác ít nhiều giống với khái niệm mà Howard Earl Gardner (một nhà tâm lý học phát triển người Mỹ) gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người. Hơn thế, nó còn là khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc. Người có EQ cao do vậy dễ thích nghi, luôn tìm được sự hòa hợp trong một tập thể, dễ dàng nhận được sự hợp tác hơn những “thiên tài đơn độc” (mà trong thời đại hiện nay, tính tập thể trong làm việc hết sức quan trọng).
Theo BS. Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe TP. Hồ Chí Minh, trong bài viết “IQ và EQ cái nào hơn?” đăng trên https://doanhnhanonline.com.vn (Chuyên trang của báo Diễn đàn Doanh nghiệp). người IQ cao thì dễ thành công trong học tập, dễ trở thành nhà bác học, nhà khoa học, ra đời tìm được việc làm tốt, lương cao, đời sống sung túc… Nhưng cũng là người dễ tự mãn, tự cao tự đại, coi thường người khác, nên họ dễ rơi vào cô đơn, gặp thất bại mau nản lòng, buồn chán, dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử!
Còn người EQ cao thì thường ít thành công trong trường học mà lại thành công trong trường đời. Ấy là nhờ họ có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và quan trọng hơn, thấu cảm được với người, lạc quan, tự tin. Người có EQ cao là người có khả năng lãnh đạo, biết làm việc nhóm, biết tôn trọng và lắng nghe người khác nên dễ thành công, dễ lôi kéo người ta theo mình. Trong nghề nghiệp, họ bền bỉ, dễ thăng tiến. Gia đình dễ có hạnh phúc vì biết san sẻ, tôn trọng nhau và chung thủy.
ĐNCT