Sách giáo khoa tiểu học thời Pháp thuộc

.

* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức ngày 1-11-2010 nói về bộ sách giáo khoa tiếng Việt đầu tiên, nay xin cho biết thêm, sách giáo khoa tiểu học thời Pháp thuộc gồm có những gì? (Trương Thành, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Luân lý giáo khoa thư được NXB Trẻ tái bản lần thứ 8 năm 2019. Nguồn: nxbtre.com.vn
Luân lý giáo khoa thư được NXB Trẻ tái bản lần thứ 8 năm 2019. Nguồn: nxbtre.com.vn

- Kể từ Đạo dụ ngày 31-5-1906, chính phủ Bảo hộ Pháp được sự thỏa thuận của Nam triều đã ấn định nền học chính mới thay dần cho nền giáo dục Nho học cũ, áp dụng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, theo đó chia 3 bậc học: (1) Ấu học gồm lớp Đồng ấu (lớp Năm), lớp Dự bị (lớp Tư), lớp Sơ đẳng (lớp Ba); (2) Tiểu học gồm lớp Nhì năm thứ nhứt (Cours Moyen 1 ère année), lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2 ème année), và lớp Nhứt (Cours Supérieur); (3) Trung học, gồm hai cấp/ ban Cao đẳng Tiểu học và Tú tài.

Sau Đạo dụ ấn định nền học chính mới nói trên và nhất là sau khi Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ban hành Học chính tổng quy (Règlement général de l’Instruction publique) năm 1917 với sự điều chỉnh ở điều 134 bằng Nghị định ngày 18-9-1924 quy định phải dạy bằng tiếng bản xứ cho 3 lớp đầu bậc tiểu học. Đây cũng là lý do ra đời bộ sách giáo khoa Việt Nam Tiểu học Tùng thư viết bằng tiếng Việt dành cho các môn học bậc Ấu học do Nha Học chính Đông Pháp chủ trương và xuất bản.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, trong bài Sách giáo khoa tiểu học thời Pháp thuộc đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 452 (tháng 10-2014) cho biết, trong những năm 1920-1940 của thế kỷ trước, nhiều sách dạy tiếng Việt hay Quốc văn bậc tiểu học đã ra đời. Được biết, hiện Thư viện Quốc gia (Hà Nội) và vài tư nhân vẫn còn lưu giữ được một số sách giáo khoa môn tiếng Việt bậc tiểu học như sau:

- Ấu học bị thể (Un peu de tout) của Henri Le Bris, bản cải biên của Huỳnh Văn Ninh để dùng cho học trò các trường ở Đông Dương, in lần thứ 3 tại Sài Gòn năm 1916, gồm những bài tập đọc bổ ích về Kiến thức phổ thông, Địa lý, Lịch sử, Hành chính.

- Quốc-ngữ sơ học vấn tân của Nguyễn Mạnh Khoa, 37 trang, Nghiêm Hàm Ấn Quán, Hà Nội, 1924.

- Lên Sáu sách vần quốc ngữ của Nguyễn Khắc Hiếu, 23 trang, Nghiêm Hàm Ấn Quán, Hà Nội, 1924.

- Ấu viên tất độc của Trần Phong Sắc, tác giả tự xuất bản, năm 1925.

- Sách dạy vần quốc ngữ của Đỗ Thận, 15 trang, Nhà in Lê Văn Phúc in lần thứ 22, Hà Nội, 1927.

- Tiếng một An Nam dùng cho học trò Sơ đẳng tiểu học do Tống Viết Toại biên soạn, Nhà in Đắc Lập, Huế, 1927. Ngoài bìa ghi: “Nhà nước đã nhận sách này vô bản kê những sách học trong các trường Pháp Việt cõi Đông Pháp (Nghị định Quan Toàn quyền ngày 15 Octobre 1927)”.

- Tập đọc và Học thuộc lòng (Lớp Sơ đẳng và Trung đẳng năm thứ nhất) của Mai Văn Phương, Bùi Huy Huệ, 121 trang, Nhà in Trung Bắc Tân Văn in lần thứ 2, Hà Nội, 1937 (in lần thứ 3 năm 1939).

- Tân Việt văn độc bản (Lớp trung đẳng, năm thứ nhất và thứ nhì), 84 trang, Nhà in Legrand, Hà Nội, 1942.

Đặc biệt, có 3 sách giáo khoa rất nổi tiếng một thời, gồm: Quốc văn giáo khoa thư (chia thành 2 quyển dành cho lớp Sơ đẳng và lớp Dự bị); Luân lý giáo khoa thư lớp Đồng ấu đều do nhóm Trần Trọng Kim - Nguyễn Văn Ngọc - Đặng Đình Phúc - Đỗ Thận biên soạn, Nha Học chính Đông Pháp xuất bản khoảng năm 1926; Sơ học luân lý dùng cho lớp Sơ đẳng của Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu năm 1919. Hai cuốn đầu tiên, do giá trị giáo dục lâu bền của chúng, gần đây đã được nhiều nhà xuất bản (Trẻ, Thanh Niên Văn học…) cho in lại nên có thể tìm đọc dễ dàng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích