.

“Ngôn ngữ” bánh mứt

.

Tết xưa và nay ở Quảng Nam, Đà Nẵng, bên cạnh củ kiệu, dưa hành, bánh tét, bánh in thì các loại kẹo, mứt, hạt dưa là một phần không thể thiếu. Mỗi gia đình một sự lựa chọn, tùy theo khả năng tài chính nhưng cùng chung mong muốn có được cái Tết tươi vui, đầm ấm, ngọt ngào.

Điểm nổi bật trong thị trường bánh kẹo năm nay là hàng Việt chiếm ưu thế.
Điểm nổi bật trong thị trường bánh kẹo năm nay là hàng Việt chiếm ưu thế.

Hương vị quê nhà

Trên lối nhỏ dẫn vào chợ Cồn, cụ bà Nguyễn Thị Liên, nhà ở đường Lê Cát, phường Tân Chính, quận Thanh Khê ngồi bên nong bánh in đậu xanh, khô mè, bánh nổ cùng mấy gói mứt gừng. Nong bánh ít ỏi nhưng đầy đủ “thương hiệu” đặc sản có xuất xứ từ Hội An, Quảng Ngãi, Huế và Đà Nẵng. Bà Liên cầm vài gói lên giới thiệu: “Ông bà mình ngày trước thích ăn bánh ni lắm. Vừa gần gũi, ngon ngọt, vừa để được lâu. Ra giêng đi làm đồng về, đang mệt, đói bụng mà có cái bánh in ăn vào là nhứt”.

Là người đàn bà hoài cổ nên năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 11 âm lịch, bà gác lại công việc, lặn lội vào quê chồng ở Hội An mua mấy chục ký bánh mang về Đà Nẵng bán kiếm lời. Những cơ sở bánh khác như bánh nổ Duy Khoa ở Quảng Ngãi, bánh khô mè Minh Quân ở Hòa Sơn hay khô mè của bà Võ Thị Liễu…, bà cũng lấy mỗi loại hơn hai chục ký để khách hàng có thêm sự lựa chọn. Bà nói, dù giàu hay nghèo thì khi Tết đến, tâm lý người Việt vẫn thích để lên bàn thờ loại bánh truyền thống, vốn gần gũi với ông bà, tổ tiên. Loại bánh này làm ra bằng phương pháp thủ công, không phụ gia, phẩm màu, giá thành rẻ (khoảng 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg) nên nhiều khách hàng của bà thường chọn mua.

Người Việt vốn có thói quen sử dụng thực phẩm như vị thuốc trị bệnh. Ngày Tết, điều này càng được phát huy. Họ chọn mua mứt gừng làm ấm tì vị, chống đầy bụng, đầy hơi, dễ tiêu; mứt dừa nhuận trường; mứt quất tiêu đàm, chữa ho; mứt bí đao giải nhiệt; mứt hạt sen an thần, dễ ngủ… Chị Tuyết, chủ ki-ốt Dương Tuyết ở chợ Cồn, nói, dù hiện nay, trên thị trường có nhiều loại mứt mới nhưng khách hàng nào khi mua bánh kẹo ở ki-ốt của chị cũng chọn một số loại mứt quen thuộc kể trên. Ưu điểm của loại bánh mứt này là không quá ngọt và có giá khá bình dân, như mứt gừng quê (lấy từ Quảng Nam) thời điểm này có giá dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, mứt Kim Long (Huế) từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, mứt dừa trắng 70.000 - 80.000 đồng/kg… Càng gần Tết, giá bánh kẹo trên thị trường lại nhích lên từng chút một.

Khảo sát tại một số chợ cho thấy, xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay rất thích sản phẩm có nguồn gốc từ quê. Các loại mứt quê dù có giá cao hơn mứt thị trường từ 10 - 20%, thậm chí 50% vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, chia sẻ: “Tôi có cảm giác mỗi loại bánh kẹo đều có ngôn ngữ riêng, sản phẩm từ quê giúp người ta nhớ về kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào, về mẹ hay những người thân trong gia đình”.

Đan xen truyền thống, hiện đại

Khác với loại bánh hiện đại có mẫu mã, màu sắc bắt mắt, chất lượng bao bì tốt, hầu hết các loại bánh truyền thống có hình thức rất giản dị. Chủ cơ sở Bánh cổ truyền Văn Chinh, chuyên sản xuất bánh đậu xanh, bánh in, bánh dẻo ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cho biết trong hai tháng trước Tết, cơ sở này đã xuất ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng gần 1.000 ký bánh các loại. Khoảng 10 năm trước, khi bánh kẹo truyền thống dần vắng bóng trên bàn thờ gia tiên, ông từng nghĩ đến chuyện sẽ thay đổi mẫu mã, bao bì sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian, ông nhận ra rằng, bánh in truyền thống sẽ không còn truyền thống nữa nếu đem bỏ chúng vào bao bì sang trọng rồi dán kín. Theo ông Chinh, lượng bánh bán ra vài năm trở lại đây khá ổn định. Muốn người tiêu dùng không quay lưng lại với bánh truyền thống, bánh cần bảo đảm chất lượng, cách trình bày đơn giản, lịch sự và gần gũi với người dân.

Điểm nổi bật trong thị trường bánh kẹo năm nay là hàng Việt chiếm ưu thế do có chính sách trợ giá, nhiều sản phẩm mới, có chất lượng, mẫu mã đẹp mắt, thông tin rõ ràng, giá trung bình từ 80.000 - 150.000 đồng/kg. Theo chị Nguyễn Thị Phương Lam, chủ quầy tạp hóa Phương Lam trên đường Hồ Đắc Di (quận Cẩm Lệ), hàng Tết trong nước vài năm trở lại đây bán khá tốt, chiếm 70 - 90% diện tích trưng bày trên các quầy kệ. Người tiêu dùng hiện có xu hướng mua sắm tiết kiệm, nên chị Lam cũng như một số tiểu thương ở chợ Cẩm Lệ chỉ nhập hàng bánh, mứt một cách vừa phải,  để tránh tình trạng “dội” chợ. Tuy ít về số lượng, nhưng đầy đủ các loại bánh từ sản vật địa phương đến sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước như Kinh Đô, Bibica, Vinamit, Vinabico... sản xuất.

Không chỉ là gia vị để ngày Tết thêm vui tươi, ấm áp, bánh mứt bây giờ còn trở thành món quà ý nghĩa đầu xuân. Không ít người bỏ công tìm kiếm cho được giỏ quà Tết ưng ý để “thay lời muốn nói” với người thân, đồng nghiệp hay những khách hàng quan trọng. Giỏ quà Tết gói sẵn thường có đầy đủ các thực phẩm mang đậm hương vị Tết Việt như rượu, bánh, kẹo, mứt, các sản phẩm đặc sản. Bên cạnh giỏ quà bình dân, một số cửa hàng chuyên bán bánh kẹo, rượu cao cấp có xuất xứ từ Thái Lan, Singapore, Indonexia, Pháp… trên đường Trần Phú, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ có sẵn những giỏ quà trị giá vài triệu đồng, phục vụ khách hàng có điều kiện. Chủ một cửa hàng bán bánh kẹo trên đường Trần Phú cho biết, một tuần trở lại đây, mỗi ngày chị bán ra được hơn 50 giỏ quà. Mọi thứ tạo nên giỏ quà phải được thiết kế sang trọng, mang đậm sắc xuân.

Tự bao giờ, sự vui tươi và ngọt ngào của các loại bánh, kẹo, mứt, hạt dưa trở thành “cái cớ” để người ta ngồi lại với nhau lâu hơn trong những cuộc chuyện trò, thăm viếng đầu năm ở mỗi gia đình mỗi khi Tết đến.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.