Sau khi xuất hiện trên văn đàn 81 năm trước, bài thơ Tình già đã đi vào văn học sử Việt Nam như một hiện tượng thơ ca hy hữu và mãi đến giờ vẫn luôn lay động tâm hồn của người yêu thơ mọi thế hệ.
Tết Nhâm Thân 1932, độc giả quá đỗi bất ngờ khi tuần báo Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn) số 122 ra ngày 10-3 cho đăng bài thơ Tình già của học giả - nhà văn Phan Khôi, được giới thiệu trong bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Bất ngờ, bởi bài thơ được viết theo thể mới tự do, bất chấp mọi lằn ranh niêm luật gò bó của thơ Đường luật cũ. Tình già “khai hỏa” cuộc tranh luận gay gắt giữa thơ mới và thơ cũ diễn ra gần 10 năm sau đó. Cuối cùng, thơ mới bước lên bục vinh quang với tên gọi quen thuộc là “phong trào Thơ mới” và khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường.
Tình già đã được những người con của tác giả nhắc đến trong các sách xuất bản vào năm 2001 và đầu năm 2013. |
Cha nghiêm, con ngại
Tình già ra đời, mang trên mình sứ mệnh cách tân thơ Việt và đưa tên tuổi học giả Phan Khôi đi vào văn học sử nước nhà. Giữa lúc hai đầu đất nước sôi nổi dấy lên phong trào Thơ mới thì ở quê nhà Quảng Nam, những người con của ông tiếp nhận thông tin này như thế nào?
Khi Tình già được đăng báo thì bà Phan Thị Miều (Phan Thị Mỹ Khanh), con gái của học giả Phan Khôi hiện sống ở Đà Nẵng, chỉ mới 6 tuổi. Đến khi vào học Trường tiểu học Bảo An (nay là Trường tiểu học Phan Thanh, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), bà mới biết đến bài thơ nổi tiếng của cha mình qua một số thầy ở trường, như thầy Khương Hữu Dụng dạy bà hồi lớp Tư, về sau là một trong những nhà thơ tiếng tăm trong phong trào Thơ mới. Học trò ngày đó có nhiều người về sau thành danh ở nhiều lĩnh vực như Hoàng Tụy (Giáo sư Toán học), Ngô Điền (Đại sứ Việt Nam tại Campuchia)... nhưng chỉ có một người về sau nối nghiệp thầy mình trở thành nhà thơ là Bùi Giáng.
Đúng nghĩa “nghiêm đường” - một từ cổ chỉ người cha, cha bà rất nghiêm mà bà thì quá rụt rè. Bốn chị em gái trong nhà đều được cha đặt tên hiệu: Hựu Khanh, Bang Khanh, Mỹ Khanh, Tiểu Khanh. Cha không giải thích các tên hiệu đó nghĩa là gì, bà thì lại không dám hỏi. Lớn lên, chỉ mình bà dùng hiệu Mỹ Khanh khi viết gần 20 truyện ngắn đăng trên báo Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ. Ông này có viết trong Văn thi sĩ tiền chiến (ký ức văn học, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970) ở mục về Phan Khôi đại khái rằng, ông (Phan Khôi) có một người con gái mấy năm có gửi bài đăng trên Phổ Thông, nhưng không biết sao sau năm 1964 thì không thấy nữa.
Học trò tiểu học ngày đó thì biết gì về thơ, bà kể. Cha bà về nhà cũng không bao giờ đọc thơ hay nói về thơ. Ngay cả cái nghĩa tên hiệu của mấy chị em mà bà còn không dám hỏi thì làm sao dám “bén mảng” đến lĩnh vực thơ ca. Bà biết bài Tình già một phần qua sách báo, một phần qua các thầy chứ không hề được nghe chính từ cha mình.
Con mắt còn có đuôi
Cũng rất lâu sau khi bài thơ Tình già ra đời, bà Phan Thị Miều mới biết đến tác phẩm có tính “khai phá” của cha mình. |
Tháng 12-2012, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) hoàn thành bộ phim tài liệu “Con mắt có đuôi” về học giả Phan Khôi và được trao tặng Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 32. Đầu năm 2013, ông Phan An Sa, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa-Thông tin, con út của học giả Phan Khôi, gửi thư cho NSƯT Huỳnh Hùng, Giám đốc DRT, (thư do bà Phan Thị Miều cung cấp), có đoạn: “... Ý nghĩa của sự kiện này không chỉ nằm ở chỗ bộ phim được giải, mà còn cao hơn, rằng nó là một thông điệp về quá khứ được chính thức phát đi cho đương đại tại một sự kiện văn hóa tầm quốc gia”.
Sau khi cảm ơn NSƯT Huỳnh Hùng và các cộng sự về tâm sức của họ dành cho bộ phim, ông Phan An Sa cũng “chỉ ra một lỗi nhỏ (…) không làm hỏng bộ phim, nhưng giá như khắc phục được trước khi phát hành rộng rãi, thì tốt hơn”. Một trong những lỗi nhỏ đó nằm trong Tình già. Một số chữ của bài thơ được dẫn ra trong bộ phim đã sai với bản gốc, trong đó đáng kể nhất là ở câu cuối cùng, “con mắt còn có đuôi” đã bị chép sai thành “con mắt có đuôi”.
Ông Sa, sau khi chỉ ra rằng “con mắt có đuôi” là đôi mắt có chiều dài dài hơn bình thường, là con mắt nhục thể, nhưng ở đây tác giả không nói về con mắt đó, đã giải thích cặn kẽ như sau:
“Trong bài thơ, đôi tình nhân tiễn đưa nhau, mà thực ra là buộc phải vĩnh biệt nhau, nên người kia đi rồi mà người này vẫn còn lặng lẽ nhìn theo, cái ánh nhìn ấy cứ dài mãi ra, cứ vuốt nhỏ lại theo sự xa khuất của người bạn tình, hình dung như cái ánh nhìn ấy có đuôi vậy. Tác giả dùng chữ còn trong câu “… con mắt còn có đuôi” để diễn tả tâm trạng đôi nhân tình lúc chia tay là rất đắt, bởi vì con mắt của người đang yêu chỉ có đuôi riêng trong lúc này thôi, còn mọi lúc khác, thì không. Chi tiết đó nói lên cái thi vị rất hiếm có của các câu chuyện tình, dù có khi ngang trái”.
Về tác giả Tình già, Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết trong Thi nhân Việt Nam: “… lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng, ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”. Tình già đã đưa học giả - nhà văn Phan Khôi lên ngôi vị “ông Tổ Thơ mới”. Trong bức thư đã dẫn, Phan An Sa chỉ ra thêm một chỗ mới của bài thơ. Nguyên bản chỉ 10 câu, “qua đó, ta thấy cách ngắt câu rất lạ của tác giả. Câu chữ của bài thơ được sắp xếp không khác mấy một khúc văn xuôi kể về đoạn cuối một cuộc tình, cái làm cho khúc văn xuôi đó thành thơ chính là vần điệu”.
Tình già đã vượt qua “tuổi” bát tuần. Đã không còn cái sự mới lạ như ngày nó chào đời, nhưng hồn phách của buổi ban đầu ấy vẫn “còn có đuôi” trong lòng người yêu thơ các thế hệ.
Tình già Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa, (Nguyên bản theo ký ức của ông Phan An Sa và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân) |
VĂN THÀNH LÊ