Huyện Hòa Vang đang phấn đấu đến năm 2015, khoảng 11.300 hộ dân sẽ được dùng nước thủy cục, đạt 85% số dân được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia.
Con gái bà Lê Thị Phương, thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương đang rửa rau từ nguồn nước nhiễm phèn (đã qua bể lọc). |
Nhiều vùng còn khát nước
3 năm nay người dân thôn Phước Sơn, một trong những thôn xa nhất của xã Hòa Khương, luôn trong tình trạng thiếu nước sạch. Hầu hết nước giếng khoan và giếng đóng của bà con nhiễm phèn nặng, một số giếng gần suối khoáng nóng Phước Nhơn còn hơi lợ, bốc mùi phèn rất khó chịu. Theo bà Lê Thị Phương, một người dân sống ở đây hơn 15 năm, mấy năm trước dùng nước giếng đóng, nước trong bình thường, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây độ phèn trong nước quá cao, phải dùng giếng đào nhưng vẫn không cải thiện là mấy. Nước mới bơm lên thì trong, nhưng để một lúc là thấy cả chậu nước vàng đục, mùi phèn rất nặng, phải dùng bể lọc nước, nhưng áo quần, đồ dùng một thời gian vẫn bị ố vàng. Cả năm nay, nhà bà phải mua nước đóng chai về uống, mỗi tháng 6 bình, còn nước nấu ăn thì phải đến những nhà ở cùng xóm có giếng đào từ hơn 10 năm trước gánh nước về nấu ăn, bởi độ phèn trong nước ít hơn.
Ông Nguyễn Tấn Hồng, Trưởng thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương cho biết sắp tới dự án nước sạch thôn Phước Sơn sẽ triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng, sẽ giúp cho 119 hộ dân của thôn tiếp cận được nguồn nước thủy cục, trong đó có 35 hộ ở vùng cuối thôn rất cần nước sạch bởi nước nhiễm phèn. “Qua kiểm tra mẫu nước do Sở Khoa học Công nghệ tiến hành, chúng tôi được biết nước của thôn Phước Sơn nhiễm một số chất không nên sử dụng trong nước, vượt 18 lần tiêu chuẩn cho phép, chúng tôi rất mong được dùng nước sạch càng sớm càng tốt”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ở Hòa Vang, không chỉ riêng thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương có nguồn nước chưa đạt chuẩn, mà nhiều thôn như Giáng Đông, xã Hòa Châu, thôn Phước Hậu, Phước Thuận, xã Hòa Nhơn… nguồn nước nhiễm phèn nặng, rất cần có nước thủy cục phục vụ đời sống của người dân. Chị Nguyễn Thị Phúc, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn cho biết “quanh đây nhà mô cũng phải dùng bể lọc để lắng phèn, còn các chất khác thì không biết lọc có hết không. Ở đây khi họp thôn dân cũng hỏi chừng mô có đường ống nước sạch, mà trưởng thôn cũng nói chưa biết vì Hòa Nhơn ở cao quá, đường ống dẫn nước không lên được. Nói thì nghe rứa chớ dân Hòa Nhơn là mong có nước nhất”.
Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, toàn xã có 3.387 hộ, trong đó hơn 98% bà con dùng nước giếng đóng và đào (nước hợp vệ sinh).Tuy nhiên rất nhiều giếng nước ở xã bị nhiễm phèn và đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 6 đến tháng 9, giếng nước của nhiều gia đình ở khu vực trung tâm xã bị khô hạn, bà con phải mua nước bình về uống và tự đi gánh nước về dùng. “Chúng tôi có 3 thôn Phước Thuận, Phước Hậu và Phước Hưng có 11 mỏ đá được tiến hành khai thác gần 20 năm nay, bà con rất lo ngại chuyện thuốc mìn khai thác đá ngấm vào mạch nước ngầm, uống vào có hại cho sức khỏe. Đã nhiều lần xã Hòa Nhơn kiến nghị thành phố sớm đầu tư đường ống nước sạch nhưng do địa hình cao, chưa thể tiến hành sớm nên người dân Hòa Nhơn vẫn phải chờ các dự án. Vì thiếu nước sạch nên trong bộ tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới, Hòa Nhơn chưa biết đến bao giờ mới đạt được…”, ông Dự bày tỏ.
Phấn đấu 85% dân có nước sạch
Theo ông Lê Đình Ca, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, tính đến nay có khoảng 39% dân số toàn huyện đã được sử dụng nước thủy cục (nước sạch), trong đó trên 90% người dân các xã Hòa Liên, Hòa Tiến có nước thủy cục. Theo bộ tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới, đã có 10/11 xã đạt chuẩn nước sạch; phấn đấu đến năm 2015, có 11.300 hộ được dùng nước thủy cục, gần 9.500 hộ dùng nước giếng khơi, gần 8.000 hộ dùng nguồn nước giếng đóng và trên 1.000 hộ dùng nguồn nước tự cấp (nước tự chảy cho các thôn miền núi của 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc).
Những thôn có nguồn nước chưa bảo đảm tiếp tục nằm trong các dự án ưu tiên đầu tư cấp nước như xã Hòa Khương đã đầu tư 7km đường ống, cấp nước cho các thôn Phú Sơn 3 và Phú Sơn Tây; tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại các thôn Phước Sơn, Gò Hà, Phú Sơn 1, Phú Sơn 2, Phú Sơn 3, Phú Sơn Nam. Đầu năm 2013, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã khởi công công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và các xã lân cận như Hòa Phong, một số thôn của xã Hòa Khương và Hòa Nhơn. Như vậy công trình có vốn đầu tư 10, 6 tỷ đồng này khi hoàn thành vào tháng 6 năm nay sẽ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 28.000 dân. Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch-XDCB Công ty Dawaco cho biết thêm, trong năm nay công ty dự kiến đầu tư khoảng 1-1,5 tỷ đồng lắp đặt (miễn phí) đường ống phân phối và đồng hồ đo nước về từng hộ dân. Như vậy khoảng 1.000-2.000 khách hàng các xã trên sẽ được hưởng lợi từ dự án.
Trong thời gian tới, Phòng TN&MT huyện Hòa Vang sẽ phối hợp với Sở TN&MT khảo sát, lấy mẫu để phân tích mẫu nước tại một số vùng nước bị nhiễm phèn của xã Hòa Nhơn, sau đó sẽ tiến hành hỗ trợ công trình lọc nước sạch cho những nơi này; Năm 2014, sẽ khảo sát, chọn vị trí xây bể chứa nước dự trữ vào mùa mưa ở các vùng ngập lụt thuộc các xã Hòa Châu, Hòa Liên; bể chứa nước này còn dùng chứa nước ở những khu vực bị thiếu nước vào mùa khô. Dự kiến công trình này có vốn đầu tư khoảng 123 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, quy định: Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 90% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt từ 50% trở lên. Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau khi lọc đạt các yêu cầu chất lượng như: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QC VN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17-6-2009. |
HIỀN LƯƠNG